Năm 2024, Sở Công thương tổ chức hội nghị đối thoại với sự tham gia của đại diện 9 sở, ngành liên quan và khoảng hơn 30 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực công thương với doanh nghiệp. Hội nghị đã cung cấp thông tin về các chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, các cơ sở sản xuất hoặc hộ sản xuất, kinh doanh; các hoạt động xúc tiến thương mại; những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Hội nghị đã thảo luận và giải đáp trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp, HTX về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như: công tác kết nối thương mại với Trung Quốc; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm địa phương, mở rộng thị trường; xây dựng và bảo vệ thương hiệu; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, thiết bị sản xuất; các cơ chế chính sách để đạt tiêu chuẩn OCOP...
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP, tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở và HTX quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và nước ngoài như: Tổ chức thành công cuộc thi ảnh đẹp “Tôi tin dùng hàng Việt” trên fanpage với gần 50.000 lượt chia sẻ, tương tác; xây dựng 11 chuyên mục trên Báo Cao Bằng, 8 chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng tuyên truyền về quyền lợi của người tiêu dùng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh với 60 gian hàng. Tổ chức 6 phiên chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh; hội nghị kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng với các tỉnh Yên Bái, Kiên Giang, Bình Thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh có cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin trực tiếp để tìm kiếm đối tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc) năm 2024.
Hỗ trợ 13 doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị, hội chợ trong nước và ngoài nước để quảng bá sản phẩm địa phương như: Hội chợ giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc (Bằng Tường) ASEAN 2024; hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) và Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam) tại Nam Ninh (Trung Quốc); hội nghị kết nối cung cầu tại thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN. Xây dựng 4 phóng sự truyền thông quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Gạo Nếp ong (Trùng Khánh); Trà Chàm tía (Bảo Lạc) trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam; vùng nguyên liệu gia vị hữu cơ tỉnh; sản phẩm truyền thống chế biến từ thịt (lạp sườn, thịt hun khói...); thiết kế và in 5.000 túi giấy thông tin về sản phẩm Trà Chàm tía và Gạo Nếp ong; thiết kế, in 3.600 ấn phẩm thông tin về doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm của tỉnh đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.
Tổ chức 14 lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại với 459 học viên là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; các doanh nghiệp, HTX mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN tại các huyện Hoà An, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tại các xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh nâng cao kiến thức, kỹ năng về thương mại, thương mại điện tử, cập nhật các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực thương mại, thương mại điện tử và các kỹ năng bán hàng hiện đại. Hỗ trợ 9 doanh nghiệp, HTX tham gia khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, HTX tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, một số sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh đã bước đầu xuất khẩu được sang thị trường khó tính như sản phẩm miến dong của HTX nông sản Tân Việt Á xuất sang Hoa Kỳ; nguyên liệu thạch đen xuất sang Trung Quốc... Nhiều sản phẩm nông, lâm sản chế biến được khách quốc tế ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng và sự độc đáo như: miến dong, bún khô, sản phẩm chế biến từ trúc, nguyên liệu thạch đen, cao triết Hà Thủ ô đỏ, gạo nếp, các loại thảo dược…
Nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 - 2025, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ phát triển 4 điểm mua sắm gắn với các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của địa phương. Bao gồm các điểm giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng tại phố đi bộ Kim Đồng; Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phường Sông Hiến (Thành phố); Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Ban quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh). Trong quá trình thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán được giao và theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 81 chợ (trong đó có 21 chợ biên giới), 6 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, 69 cửa hàng xăng dầu, hơn 200 cửa hàng bán lẻ LPG. Có 85 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại như: Bán buôn, bán lẻ, xăng dầu, khí, thuốc lá, rượu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Hệ thống chợ, siêu thị, chuỗi hệ thống các cửa hàng tiện lợi ngày càng có hướng phát triển, mạng lưới cửa hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống.
Giám đốc Sở Công thương Đồng Thị Kiều Oanh cho biết: Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Sở tiếp tục tăng cường gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, HTX, cơ sản xuất, kinh doanh cá thể ở nhiều cấp, theo từng lĩnh vực ngành và địa bàn với nhiều hình thức. Kịp thời thông tin, cập nhật liên tục những quy định pháp luật, chính sách mới liên quan để doanh nghiệp nắm bắt, chủ động kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; thực hiện có hiệu quả các chương trình và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Nguồn: https://baocaobang.vn/trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-3176651.html
Bình luận (0)