
Dự báo mùa nắng nóng năm nay diễn biến cực đoan, gió phơn Tây Nam (gió lào) hoạt động mạnh nên việc bảo vệ 2.179 ha rừng và đất lâm nghiệp của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh trước hỏa hoạn trở thành vấn đề cấp thiết. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, chủ rừng đã gấp rút chuẩn bị các phần việc có liên quan để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trên tinh thần “phòng là chính”.

Đơn vị cũng ưu tiên phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở những khu vực rừng tự nhiên dễ cháy dọc theo tuyến Quốc lộ 12 đoạn qua xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc và các diện tích rừng trồng 4 – 5 tuổi ở các xã Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Bắc, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh); các phường Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Phương (TX Kỳ Anh)…
Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Diền cho biết: “Công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ PCCCR đang được chúng tôi ưu tiên và gấp rút chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Để ngăn chặn cháy rừng, chúng tôi đã thành lập 6 tổ xung kích với 45 người, giao nhiệm vụ cụ thể để phụ trách theo dõi và chuẩn bị thực tập phương án chữa cháy rừng. Cùng đó, đơn vị đã bố trí kinh phí, nhân lực để phát quang 7 tuyến đường băng cản lửa dài gần 10km (rộng 10 – 12km) ở những khu vực dễ cháy nhất; phát dọn thực bì và đường băng trắng cản lửa cho 36ha rừng thông; xây mới và sửa chữa 31 biển tường, biển dự báo cấp cháy rừng, treo 120 biển cấm lửa, sửa chữa và làm mới 4 chòi canh; chuẩn bị 11 máy thổi gió, 7 định vị, 65 dao phát cùng nhiều công cụ chữa cháy khác”.
Do lâm phần được giao quản lý, bảo vệ có nhiều diện tích thông, thực bì dày, nhiều chùa chiền, gần khu dân cư nên công tác PCCCR vào mùa khô luôn được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Ông Nguyễn Hải Vân – Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho hay: “Điều kiện đất đai, địa hình, tiểu khí hậu ở Hồng Lĩnh khá cực đoan nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Vì vậy, chúng tôi đã có kế hoạch bố trí hơn 4,4 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; trong đó, ưu tiên phát quang 161km đường băng cản lửa và đường đi chữa cháy, xử lý thực bì để giảm vật liệu cháy 300ha, mua sắm bổ trang thiết bị và nâng cấp hàng chục công trình PCCCR. Cùng với huy động tối đa lực lượng của đơn vị, các hộ nhận khoán, duy trì 17 điểm trực sào chắn, chúng tôi cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với các đám cháy lớn để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng”.

Để phòng ngừa cháy rừng hiệu quả, lực lượng kiểm lâm ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tập trung vào cuộc để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, nhất là các địa phương nhiều rừng, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Ông Lê Ngọc Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết, là địa phương có diện tích rừng lớn, đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR năm 2025 và phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ rừng xây dựng phương án PCCCR riêng của đơn vị mình sát thực tiễn, mang tính khả thi cao. Chúng tôi cũng đang tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các vùng rừng dễ cháy gắn với kiểm tra, giám sát công tác triển khai nhiệm vụ, xây dựng các công trình, đảm bảo trang bị PCCCR của các chủ rừng; phối hợp với lực lượng quân sự, biên phòng, công an và các đoàn thể khác sẵn sàng lực lượng, trang bị để ứng phó với mọi tình huống; thành lập đoàn liên ngành và tăng cường kiểm tra đột xuất, định kỳ để chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, lơ là trong PCCCR…

Theo ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh), để thực hiện tốt phương châm “phòng cháy là chính, chữa phải kịp thời”, ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã gấp rút chuẩn bị, triển khai đầy đủ và kịp thời các vấn đề có liên quan, nhất là các vùng trọng điểm dễ cháy ở Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh…
Chi cục đã triển khai xuyên suốt, đồng bộ, chất lượng các biện pháp, giải pháp chính để PCCCR hiệu quả như: công tác dự báo tình hình, thông tin tuyên truyền, tổ chức lực lượng các cấp và phân vùng chỉ đạo, xác định các khu vực trọng yếu cần tập trung cao, xây dựng phương án PCCCR sát thực tế, triển khai xây dựng các công trình và trang thiết bị chữa cháy, tăng cường mật độ tuần tra gắn với kiểm soát chặt chẽ người vào rừng. Qua đó, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ rừng và thực hiện tốt công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho 358.472ha rừng và đất lâm nghiệp, duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 52%.
Nguồn: https://baohatinh.vn/trien-khai-som-cac-bien-phap-phong-chay-chua-chay-rung-post286016.html
Bình luận (0)