Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triết lí trữ tình qua truyện ngắn "Cây cột điện trong đêm" của Hoàng Việt Quân

Triết lý - trữ tình có thể được xem là một phương thức mà nhà văn dùng để phản ánh hiện thực cuộc sống, thể hiện quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề nhân sinh xã hội.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái22/04/2025


Trong văn học, tính chất triết lý - trữ tình thường bao trùm mọi nội dung được miêu tả trong tác phẩm, từ những vấn đề vĩnh cửu như: hạnh phúc, tình yêu, sự sống - cái chết,… đến những điều bình thường trong cuộc sống như: một cảm xúc, một trạng thái, một chuyện đời nho nhỏ... Do đó, triết lý có khi là những vấn đề uyên bác song có lúc lại chỉ là những điều dân dã, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Với "Cây cột điện trong đêm", Hoàng Việt Quân đã đem  đến cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ ở phương diện thứ hai.


Sẽ có người băn khoăn, đây là thể loại truyện ngắn, phương thức biểu đạt của nó là tự sự, vậy tại sao tác phẩm của Hoàng Việt Quân lại mang yếu tố triết lý - trữ tình? Đúng vậy! Trữ tình là nét đặc trưng của thể loại thơ nhưng không phải độc quyền mà nó có mặt cả trong văn xuôi tự sự. Văn học luôn vận động và phát triển, trong quá trình ấy các thể loại có sự giao thoa vay mượn một số yếu tố của nhau để tăng khả năng biểu đạt cho mình, chẳng hạn thơ có thể đi vào văn xuôi và rồi trong thơ lại có chứa yếu tố tự sự. 


Với truyện ngắn "Cây cột điện trong đêm" là một trường hợp tiêu biểu như thế. Toàn bộ câu chuyện vẫn được dẫn dắt bởi tình huống, vẫn phác họa lên các nhân vật với những nét chấm phá vừa đủ để người đọc hình dung, vẫn có sự chỉn chu gãy gọn trong lối kể với sự mở đầu và kết thúc. Tuy nhiên, tính chất trữ tình tràn thấm trang viết bởi dòng hồi tưởng của cô gái tên Hoa kể về tình yêu đơn phương của chính mình, tự mình đã thương vay suốt cả quãng thời gian dài để rồi xót xa và bẽ bàng khi nhận ra xung quanh đều có đôi có cặp; chỉ riêng mình lẻ loi! Truyện không có xung đột, không có bùng nổ của cao trào. 


Nhưng điều độc đáo, đó là nội dung tự sự được Hoàng Việt Quân trữ tình qua hình tượng cây cột điện, mà lại là cây cột điện trong đêm. Đó là thủ pháp phép im lặng tu từ được cấp số mũ đến hai lần trong việc biểu đạt nội dung, tư tưởng tác phẩm. Và triết lí về nhân tình thế thái cứ thế tràn ra ngoài khuôn khổ của sáu trang truyện nhỏ bé.


Mở đầu, nhà văn vào đề ngay "Trước cửa nhà tôi nhìn ra đường vẫn thấy cây cột điện đứng bơ vơ bên kia đường. Dù trời nắng gắt, mưa sa hay mùa đông gió rét căm căm, cây cột điện vẫn đứng sừng sững gánh đỡ những đường dây mắc song song chạy dài theo đường phố". Thì cũng chỉ là sự quan sát và miêu tả thuần túy về một hình ảnh quen thuộc thôi. Cây cột điện nào mà chẳng được chôn đứng, cây cột điện nào mà chẳng mang trên cơ thể nó những đường điện được mắc song song. 


Nhưng xem ra các tính từ: "bơ vơ", "sừng sững", "nắng gắt", "mưa sa", "rét căm căm", "vẫn".... lại là những tín hiệu ngôn ngữ, gợi dẫn ẩn tàng về ý nghĩa sâu xa nào đó. Nó đều là những từ đặc tả, nhấn mạnh cảm xúc về sự chịu đựng, mức độ chịu đựng của cây cột điện. Bởi ngay sau đó, nhà văn đã khẳng định phẩm chất tiếp theo "Cây cột điện dường như âm thầm tự nguyện soi đường cho họ đến với rạp hát, bãi chiếu phim, đặc biệt là đến với cái công viên dài bên bờ sông thơ mộng"; đó là sự tự nguyện ý thức về bổn phận của mình trong vai trò của một nhân chứng - một nhân chứng bất đắc dĩ cho những hạnh phúc lứa đôi của người khác. 


Để rồi, khi nhìn lại thân phận lẻ loi, đơn chiếc của  mình, nó "tái nhợt, run rẩy" trong "chịu đựng", trong nhẫn nại "không một lời phản ứng". Trong tình huống ấy, nó vẫn cao thượng tỏa sáng trong đêm dù tâm can "lặng lẽ buồn rầu" là một hình ảnh đa nghĩa, bám riết lấy tâm trí người đọc. Cây cột điện đã bước ra khỏi trường định danh vật vô tri để mang vóc hình của một nhân vật có tâm hồn và trái tim đa cảm.


Nó hiện diện xuyên suốt mối tình trong câm lặng của Hoa. Bởi lẽ người mà cô yêu lại đem lòng yêu say mê đắm đuối một cô bé học lớp dưới. Sự nồng nàn và thăng hoa trong tình cảm của họ trong những lúc dạo chơi, xem phim, ngồi bên lùm cây hay hóng gió cũng không quên chọn địa điểm "ở ngay sau lưng cây cột điện". Mỗi lần như vậy, Hoa "nhói đau tê tái", 'lén gạt nước mắt", thầm bỏ đi đến nhà một đứa bạn nào đó để khuây khoa. Hoa yêu anh nhưng Hoa chấp nhận mình cũng sẽ lặng câm như cây cột điện kia, nhìn thấy tất cả, cảm nhận được tất cả những để rồi nén vào lòng bằng sự chịu đựng.


Thế rồi, khi tốt nghiệp phổ thông, anh vào bộ đội, năm sau cô bé người yêu anh vào Đại học, còn Hoa chọn ở nhà làm cô thợ may. Khúc ngoặt của sự chọn lựa ấy cũng là lối rẽ đến bất ngờ trong tình yêu. Cô bạn gái đã  bỏ rơi anh để chạy theo một chàng sinh viên con nhà quyền thế ở Hà Thành. Cuộc chia tay trong vùng vằng, cãi cọ của họ cũng lại diễn ra bên kia đường, nơi có cây cột điện. Anh chỉ tay lên cây cột điện cao thế, thề nguyền một điều gì đó Hoa không nghe được, nhưng bằng trực cảm của người luôn sâu nặng dành tình cảm cho anh, Hoa linh cảm rằng: anh thề nguyền về một điều gì đó thiêng liêng. Có lẽ chính cái linh cảm đầy phụ nữ của một trái tim ẩn chứa tình yêu một chiều đã lại một lần nữa trói Hoa và đưa cô đến với sự tự nguyện yêu thương sâu nặng đầy mông muội. 


"Từ ngày ấy, đêm đêm vào lúc vắng nhất, tôi hay sang bên đường ngồi bên cây cột điện, tưởng nhớ đến anh". Lại chỉ là sự tưởng nhớ trong tâm can một chiều thôi. Hoa không bộc bạch, Hoa không tỏ bày. Hành động ấy của Hoa diễn ra thường xuyên, đều đặn đến mức "cây cột điện trở nên thân thiết" đến nỗi Hoa ngỡ như "anh đã hóa thân vào đó thật". 


Để rồi, "Hoa khóc, Hoa thì thầm to nhỏ tâm sự, kể bao nhiêu kỉ niệm thơ ấu với anh". Rồi Hoa "động viên an ủi anh, cầu mong tình yêu của mình sẽ giúp anh hóa thân trở lại làm người bằng xương bằng thịt như anh xửa xưa". 


Thậm chí, có "đêm đông, gió rét căm căm Hoa ôm cây cột điện khóc mà ngỡ như đang sưởi ấm cho anh". Đọc đến đây, thú thực từ việc thương, ngạc nhiên và cả giận nhân vật đang u mê, ủy mị tôi có phần bứt rứt với một cảm khác không khoan khoái chút nào khi Hoàng Việt Quân tạo dựng, xây dựng nhân vật sống rời xa mặt đất quá, có phần cải lương, cổ tích. 


Đúng lúc cảm xúc của tôi có phần buông lơi câu chuyện thì yếu tố ảo ảnh, mộng - thực trong lối trần tình của anh làm tôi bị gai gai cảm xúc, mắt mở to đọc trang truyện của anh: "Một đêm, trong lúc ôm cây cột điện khóc thương anh, thương tôi, tôi bỗng có cảm giác cây cột điện rùng mình, cựa quậy, toát ra mồ hôi giá lạnh. Khắp người tôi run rẩy. Trời ơi! Có lẽ điều kì diệu đã xảy ra? Anh sống lại rồi chăng? Tình yêu của tôi đã cảm hóa được anh chăng? Anh ơi! Anh hãy hồi sinh trở về với em. Anh hóa thân thành cây cột điện làm gì cho khổ. Tội nghiệp anh! Em đã chờ đợi anh kkhông biết bao nhiêu mùa lá rụng rồi, anh có biết không?". 


Toàn bộ độc thoại trong trạng thái ríu rít, trong cơn sảng mê hoang tưởng của nhân vật Hoa cho thấy chị bị giày vò tâm trạng, sự cam chịu để gói anh, nâng niu, gìn giữ, yêu thương anh cho chính cõi lòng của mình đã vượt ngưỡng của sự câm nín. Cửa trái tim đã không còn cài được then mà bị cơn sóng lòng làm cho bung khóa. 


Và tình huống bất ngờ, sự hấp dẫn mà Hoàng Việt Quân đưa người đọc đi vòng vo khá lâu đã đến. Nhân vật người đàn ông của Hoa đã xuất hiện. Chính khi tâm trạng Hoa đang như mê sảng, anh xuất hiện khiến Hoa "luống cuống", "người run bần bật", nước mắt giàn giụa, tức tưởi, Hoa "bủn rủn như gục xuống chân anh". 


Song, trái ngược với cảm xúc đang ngỡ ngàng và trào dâng đến mãnh liệt bởi sự ngộ nhận tình yêu thủy chung, lòng sắt son chờ đợi của mình đã khiến anh tái sinh, anh đã trở về và cô sẽ được bù đắp lại là sự ráo hoảnh của chàng trai: "Sao em khóc?", "Sao em lại ra đây?" "Nhà em ở đâu?". 


Chỉ đến khi Hoa ôm choàng lấy anh khóc nức nở và kinh hãi rú lên khi nhận ra anh bị cụt mất một cánh tay; đến lúc đó anh mới bàng hoàng nhận ra cô gái đứng trước mặt mình là người bạn học cùng phổ thông năm xưa. Nhưng tiếp tục lại là câu hỏi như mũi kim chích sâu vào da thịt "Tại sao Hoa lại ra đây?". Hoa chết lặng với câu hỏi vô tình, tàn nhẫn của anh và còn đang chới với trong hồ sâu như người sắp rơi vào đuối nước thì một luồng nước táp dâng cao, hất thẳng vào mặt và dìm Hoa xuống đáy hồ khi "cô gái cụt một chân nãy giờ đang đứng trong bóng tối" được anh chạy lại, dìu về phía Hoa và giới thiệu "đây là Loan, vợ mình". 


Mọi diễn tiến sự việc quá nhanh, Hoa chưa kịp giãi bày, Hoa chưa kịp bung trào cảm xúc kìm nén bấy lâu nay; và đặc biệt nhất Hoa chưa kịp định thần cảm xúc về sự xuất hiện bằng xương bằng thịt của anh hay là sự chân tình trong si mê yêu dấu bấy năm qua đã làm cây cột điện thoát xác vỏ cây vô tri đưa anh hồi sinh trở lại thì đã "choáng váng, xây xẩm" mặt mày trước sự xuất hiện của anh cùng người bạn đời. 


Giọng anh vẫn cứ đều đều "Mình đã từng có một lời thề thiêng liêng bên cây cột điện kia. Nhưng chiến tranh và thời gian đã giúp mình hiểu mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn người bạn đời hợp với tính tình và hoàn cảnh của mình", rằng anh đã gặp Loan khi cô là thanh niên xung phong, dũng cảm ngâm mình bên dòng sông Gianh làm cọc tiêu. Sau đó, Loan bị thương, cụt mất một chân, còn anh đôi tay cũng không còn lành lặn. Họ đã tổ chức đám cưới ngay ở chiến trường để có điều kiện nương tựa vào nhau hơn. 


Câu chuyện của anh xúc động, là lẽ hợp tình, là hạnh phúc công bằng cho những thương tổn từ mối tình đầu, là sự bù đắp xứng đáng cho những mất mát từ cuộc chiến trường chinh. Nó chỉ không công bằng với Hoa - với một mình Hoa mà thôi. Khép lại tác phẩm là hai hình ảnh trái ngược. Đó là "đôi nạng gỗ của vợ chồng anh gõ trên mặt đường những nhịp đi vững chãi, đều đặn. Hai người dựa vào nhau, cùng dìu đi qua vầng sáng của ánh đèn điện". Và đó là hình ảnh Hoa đơn chiếc khi đã trở về nhà. 


Đọc những dòng văn cuối cùng, khép lại câu chuyện, lòng tôi đầy dư ba "Ngoài kia, gió bắt đầu ào ào thổi vào cây cột điện. Bây giờ tôi mới kịp hiểu: Từ lâu lắm rôi, tôi đã tự hóa thân thành cây cột điện ban đêm, đứng bơ vơ bên kia đường mà không hề hay biết". 


Vâng, triết lí của câu chuyện đã được gói ghém đầy ý nhị qua sự tự nhận thức muộn màng của Hoa. Đó là sự thương vay, đó là sự u mê trong cõi yêu quẩn quanh nơi  ngục thất tinh thần do chính mình tạo dựng. Hoa đã khóc - khóc cho bao mùa lá rụng với tình yêu âm thầm dành cho anh. Thậm chí, còn tự đày mình ôm gốc cột điện mỗi đêm đông với hy vọng tình yêu nơi cô sẽ hóa cảm cây cột điện vô tri và đem anh về với mình sau sự hồi sinh bởi mối tình đầu tan vỡ. Đó là tận cùng của những ảo mộng. Để rồi, khi được gặp anh lại là những dòng nước lã nhạt thếch trôi qua kẽ tay: anh chưa nhận ra cô ngay, anh không biết vì sao cô khóc, anh không hề biết vì sao cô lại ra đứng bên cây cột điện trong đêm, và anh hồn nhiên giới thiệu người vợ - niềm hạnh phúc của anh. Anh ấy hành xử không sai, bản thân anh không có lỗi, không bội bạc. Chỉ là anh ấy chưa một lần có cơ hội được biết tấm lòng, tình yêu và sự chân thành mà người con gái ấy đã và vẫn đằng đẵng dành cho mình suốt bao năm. Giá như Hoa đừng biến mình thành cây cột điện, lại đừng là cây cột điện im lìm, lặng lẽ trong màn đêm đầy nhẫn chịu thì thông điệp tình yêu đã được truyền đi, thì sự sẻ chia chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói đồng cảm.


Tôi cũng thầm băn khoăn, đó là triết lí sống mà Hoàng Việt Quân muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình hay chính là sự trần tình, thổ lộ hình tượng tác giả qua chính câu chuyện ấy. Viết đến đây và tại thời điểm này, gương mặt của anh hiện ra, tôi băn khoăn tự hỏi: Hoàng Việt Quân, anh đã đứng ngắm và bao nhiêu lần tự mình ôm cây cột điện trong đêm như thế?!


Lưu Khánh Linh (Trường THPT Cảm Ân, Yên Bình, Yên Bái)


Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349198/Triet-li-tru-tinh-qua-truyen-ngan-Cay-cot-dien-tr111ng-dem-cua-Hoang-Viet-Quan.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm