Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trịnh Công Sơn và Nối vòng tay lớn

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là hành trình giàu cảm xúc và tư tưởng, trải dài từ những bản tình ca sâu lắng đến những khúc hát chiêm nghiệm về thân phận con người. Trong di sản đồ sộ ấy, các ca khúc phản chiến khiến ông trở thành tiếng nói lương tri giữa những tháng năm khốc liệt nhất của lịch sử dân tộc.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam27/04/2025

images1332008_bai.jpg
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã vang lên khi người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Khát vọng hòa bình

Những tác phẩm trong tuyển tập Ca khúc Da Vàng không chỉ phản ánh nỗi đau thời cuộc, mà còn cất lên khát vọng tha thiết về hòa bình, về sự hòa hợp và hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại.

Thông qua ngôn ngữ âm nhạc Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ bước vào những khoảnh khắc đời thường, từ đó khơi gợi chiều sâu cảm xúc và suy tư nhân bản. Với ông, chiến tranh không chỉ là sự đối đầu giữa hai bên chiến tuyến mà còn là vết cắt đau đớn lên từng số phận con người, đặc biệt là người dân lành trong tay không có vũ khí.

Trong bài “Bà mẹ Ô Lý”, Trịnh Công Sơn khắc họa hình ảnh một người mẹ miền Trung với giọng kể dung dị mà ám ảnh:

Một sớm lên đường
Mẹ ra sau vườn
Hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh

Đó là câu chuyện có thật, về một người mẹ già ở Quảng Trị vào năm 1972, đã lội bộ suốt 120km vào Huế chỉ với một quả bí trên tay - tài sản duy nhất còn lại giữa cuộc chiến loạn ly. Câu hát ngắn ngủi, ít chữ nhưng lay động tận đáy lòng. Nó cho thấy sức mạnh nội tâm phi thường của những con người bé nhỏ - những người phụ nữ gánh trên vai cả nỗi đau mất mát và niềm tin mong manh về ngày đoàn tụ.

Tương tự, trong bài “Ca dao mẹ”, Trịnh Công Sơn để tiếng ru của người mẹ trở thành tiếng vọng buồn đau của một thế hệ sống giữa bom rơi đạn nổ:

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người

Tiếng ru ấy không chỉ dành riêng cho một đứa trẻ, mà là khúc ru cho cả dân tộc thời bị chia cắt. Trong tiếng ru ấy, có nỗi niềm, có nước mắt, có cả tình yêu thuần khiết và bền bỉ của người mẹ dành cho quê hương.

Chính tình yêu ấy, xuyên suốt âm nhạc Trịnh Công Sơn, đã trở thành nền tảng để ông truyền tải thông điệp hòa bình. Hòa bình, trong ông, không bắt đầu từ đàm phán hay khẩu hiệu, mà bắt đầu từ lòng người - nơi còn biết yêu thương, biết trăn trở và biết nhói đau trước nỗi đau của đồng loại.

Nối vòng tay lớn

Và cũng từ khát vọng hòa bình thống nhất, Trịnh Công Sơn đã viết nên ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Bài hát ra đời vào năm 1968, khi đất nước còn chia đôi và chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

z4143603237488-3d447a551489127c33ac6854c9565101-1677563491.jpg
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu

Giai điệu bài hát hào sảng, ca từ lặp đi lặp lại động từ “nối” như một lời khẩn thiết. Trịnh Công Sơn mong muốn không chỉ nối đất với trời, không chỉ nối Nam với Bắc, mà còn nối những con người, những trái tim tưởng chừng không thể cùng nhịp đập xích lại gần nhau hơn. Hòa bình trong ông là một vòng tay tròn đầy, một đất nước Việt Nam nối liền từ Nam chí Bắc:

Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mỗi câu hát là một tầng lớp ý nghĩa. Nối từ ngọn cờ đến giọt máu. Nối thành phố với làng quê. Nối người sống với người đã khuất. Đó là hòa bình của nhân ái, của bao dung, của ký ức và tương lai hòa quyện vào nhau.

Hòa bình không chỉ trên giấy tờ hay bản đồ, mà là thứ hòa bình hiện hữu trong từng hành động vị tha, từng cái siết tay cảm thông, từng giọt lệ đồng cảm giữa những con người cùng dòng máu. Đó là hòa bình được bắt đầu từ việc tha thứ và nhớ về nhau như những phần của một mái nhà chung - Tổ quốc.

Khát vọng của Trịnh Công Sơn sau đó đã trở thành hiện thực. Chiều ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn và hát “Nối vòng tay lớn”. Đó không phải là một buổi biểu diễn thông thường, mà là thời khắc nghệ thuật và lịch sử giao hòa. Giữa niềm vui vỡ òa của hàng triệu con người, bài hát cất lên như lời thề nguyện cho tương lai: cùng nhau đi tiếp, không mang theo hận thù, chỉ mang theo hy vọng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa lan tỏa mọi miền đất nước. Bài hát vang lên trong sân trường, trong các buổi giao lưu nghệ thuật, trong những chương trình cộng đồng - như một chất men gắn kết lòng người.

Đến tận hôm nay, sau bao nhiêu biến động, nó vẫn không cũ. Bởi hòa bình chưa bao giờ là điều hiển nhiên. Hòa bình là một hành trình được giữ gìn bằng trí tuệ, bằng cảm xúc, bằng sự bao dung và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Âm nhạc không thể ngăn được bom rơi, nhưng có thể đánh thức lương tri con người. Và nơi nào còn lòng trắc ẩn, nơi đó còn cơ hội cho hòa bình nảy mầm.

Di sản mà Trịnh Công Sơn để lại không chỉ là những bản tình ca bất hủ. Ông là nhạc sĩ của tình yêu, của nỗi đau và cả những giấc mơ chưa kịp thành hình. Nhưng hơn hết, ông là nhạc sĩ của hòa bình - thứ hòa bình bắt đầu từ trái tim, lan tỏa qua giai điệu, và tiếp tục được gìn giữ bằng những vòng tay lớn nối liền nhau qua bao thế hệ.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/trinh-cong-son-va-noi-vong-tay-lon-3153758.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm