Ông Ngô Quang Đức (55 tuổi ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bị mất một chân từ nhỏ do di chứng của bệnh tật. Ông Đức thuộc diện NKT nặng, mỗi tháng được hưởng trợ cấp của Nhà nước và được cấp thẻ BHYT miễn phí. Mặc dù bị mất một bên chân, nhưng ông Đức vẫn chọn nghề cắt tóc để nuôi bản thân và gia đình. Ông Đức chia sẻ: Gắn bó với nghề cắt tóc 20 năm nay, tôi rất hạnh phúc vì không những đảm bảo được cuộc sống hằng ngày, mà còn có thể nuôi con ăn học.
Tương tự là ông Đỗ Văn Thái (48 tuổi ở thôn Khê Thượng, xã Việt Dân, TP Đông Triều) bị khuyết tật nặng từ nhỏ. Dù bị liệt một chân, nhưng bằng nghị lực và quyết tâm của bản thân, ông Thái đã trở thành gương sáng vươn lên làm giàu. Sau khi lập gia đình năm 1998, vợ chồng ông Thái ra ở riêng trên mảnh đất được bố mẹ cho, cùng 4 sào ruộng.
Ông Thái cho biết: Vợ chồng trẻ, trong khi bản thân tôi bị khuyết tật, 2 con liên tiếp chào đời, thu nhập chỉ trông vào cây lúa, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Với mong muốn thoát nghèo, vợ chồng tôi đã thuê 3ha đất để trồng cây cam Vinh. Sau gần 6 năm, cây cam cho thu hoạch ổn định, giúp gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, khi việc trồng cam không còn hiệu quả như mong muốn, gia đình tôi đã chuyển nhượng vườn cam cho người khác.
Nhận thấy tại thôn Khê Thượng có hồ tự nhiên rộng hơn 3ha thuận lợi cho việc nuôi cá, ông Thái đã ký hợp đồng với UBND xã thuê dài hạn. Năm 2021, ông Thái đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà mái tôn 400m2 vừa để ở, vừa làm dịch vụ câu cá sinh thái. Hiện nay hồ sinh thái phục vụ câu cá cho gia đình ông Thái thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Ngô Quang Đức và Đỗ Văn Thái chỉ là 2 trường hợp điển hình NKT trong tỉnh đã vượt qua khiếm khuyết của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Theo số liệu của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số hơn 23.000 NKT, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm 90% tổng số NKT toàn tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật như bẩm sinh, di chứng của chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dẫn đến mất đi, hoặc khiếm khuyết một bộ phận cơ thể.
Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh Lãnh Thế Vinh cho biết: Hiện còn một bộ phận NKT gặp khó khăn về nhà ở, việc làm, chữa bệnh, tiếp cận xã hội và hòa nhập. Đây là những người yếu thế rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội. Do đó, trong những năm qua, hội đã kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ NKT trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó giúp họ vơi bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên tạo dựng cuộc sống tốt hơn.
Hiện nay, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đang tổ chức các lớp đào tạo ngành, nghề phù hợp với sức khỏe và khả năng của NKT; tổ chức các hoạt động cộng đồng để NKT được tham gia, được chia sẻ và kết nối hòa nhập. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho NKT; dự kiến năm 2025, hội vận động xây dựng từ 8-10 nhà ở (mức hỗ trợ thấp nhất là 60 triệu đồng/nhà). Trong tháng 3/2025, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã phối hợp với nhà hảo tâm và chính quyền địa phương triển khai khởi công xây dựng 2 nhà ở cho NKT.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, hoạt động trợ giúp NKT ở Quảng Ninh đã và đang thu hút được sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Hy vọng rằng, NKT sẽ ngày càng dễ dàng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vượt khó vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tro-luc-giup-nguoi-khuyet-tat-vuon-len-hoa-nhap-cong-dong-3352781.html
Bình luận (0)