Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trung Quốc hạ lãi suất kỷ lục giữa tâm bão thương mại Mỹ - Trung

(Dân trí) - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa bất ngờ hạ 2 lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục nhằm vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái nội địa và thương chiến chưa có hồi kết với Mỹ.

Báo Dân tríBáo Dân trí20/05/2025

Đòn kích cầu lãi suất: Cứu cánh cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản?

Ngày 20/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cắt giảm Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) từ 3,1% xuống 3% - mức thấp kỷ lục. Đây là mức lãi suất tham chiếu mà các ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp và người vay tiêu dùng.

Cùng lúc, LPR kỳ hạn 5 năm (được dùng để định giá các khoản vay mua nhà) cũng được hạ từ 3,6% xuống 3,5%. Cả 2 mức lãi suất này đã từng được điều chỉnh giảm vào tháng 10 năm ngoái, và nay tiếp tục chạm đáy mới.

Theo chuyên gia kinh tế Zichun Huang từ Capital Economics, việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp, đồng thời khiến các khoản vay mới rẻ hơn và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: "Chỉ với một vài đợt giảm lãi suất nhẹ sẽ khó tạo ra cú hích lớn cho nhu cầu tín dụng hay hoạt động kinh tế nói chung. Rất có thể đây chưa phải là lần cắt giảm cuối cùng trong năm nay".

Động thái này được xem là cú "giải cứu" đúng lúc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức khoảng 5% - con số đầy tham vọng trong một nền kinh tế đang gặp nhiều lực cản.

Trung Quốc hạ lãi suất kỷ lục giữa tâm bão thương mại Mỹ - Trung - 1

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) từ 3,1% xuống mức thấp kỷ lục 3,0% (Ảnh: Reuters).

Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng sáng đầu năm nhưng nội lực còn mong manh

Bất chấp những bất ổn, số liệu kinh tế quý I mang đến một bất ngờ tích cực: GDP tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo và tạo hy vọng cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục ghi nhận mức tăng 6,1%, cao hơn dự báo 5,7% từ Bloomberg. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn mức tăng mạnh 7,7% của tháng 3. Giới chức Trung Quốc thừa nhận, nền kinh tế đã "chống chịu áp lực và tăng trưởng ổn định", nhưng cũng cảnh báo về "tình hình phức tạp với nhiều cú sốc bên ngoài và khó khăn nội tại chồng chất".

Những khó khăn đó đang hiện rõ qua các chỉ số tiêu dùng. Doanh số bán lẻ - thước đo quan trọng của sức mua trong nước - chỉ tăng 5,1% trong tháng 4, thấp hơn kỳ vọng và giảm tốc so với tháng 3.

Trong khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm. Giá nhà mới giảm ở 67/70 thành phố được khảo sát - phản ánh tâm lý thận trọng của người dân bất chấp các nỗ lực hỗ trợ từ chính phủ.

Thương chiến Mỹ - Trung tạm "hạ nhiệt" nhưng bất ổn còn kéo dài

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù hai nước vừa đạt thỏa thuận ngừng leo thang áp thuế trong 90 ngày, nhưng giới quan sát nhận định đây chỉ là bước "hoãn binh" tạm thời chứ không phải giải pháp bền vững.

Từ lâu, kinh tế Trung Quốc đã chịu áp lực kép từ bên ngoài như căng thẳng thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy lẫn bên trong như khủng hoảng nợ bất động sản, sức mua suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ.

Trong bối cảnh đó, động thái hạ lãi suất cho thấy Bắc Kinh đang sử dụng những công cụ cuối cùng trong bộ chính sách tài khóa - tiền tệ để giữ ổn định đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo: nếu niềm tin thị trường không cải thiện, tiêu dùng tiếp tục yếu và bất động sản chưa phục hồi, các biện pháp kích cầu hiện tại khó tạo ra thay đổi căn bản. Nền kinh tế Trung Quốc có thể cần nhiều hơn là những cú hạ lãi suất nếu muốn thực sự bứt phá trong năm 2025.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-ha-lai-suat-ky-luc-giua-tam-bao-thuong-mai-my-trung-20250520123535084.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm