Uống rượu có gây bệnh tim mạch?

VnExpressVnExpress30/11/2023


Ba tôi 62 tuổi, uống rượu mỗi ngày, bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp. Có phải uống rượu ảnh hưởng tim mạch? (Minh Kiên, Bến Tre)

Trả lời:

Một nghiên cứu đăng trên Thư viện y khoa PubMed năm 2020, cho thấy lạm dụng rượu có thể dẫn đến hơn 200 chứng rối loạn, bao gồm tăng huyết áp. Nghiên cứu thực hiện trên 767 nam giới khỏe mạnh, độ tuổi trung bình là 33.

Kết quả ghi nhận những người sử dụng rượu liều cao (hơn 30 g) làm giảm huyết áp tâm thu (áp lực trong lòng mạch lúc tim co) 3,5 mmHg, giảm huyết áp tâm trương (áp lực trong lòng mạch lúc tim giãn) 1,9 mmHg và tăng nhịp tim lên 5,8 lần mỗi phút trong vòng 6 giờ. Tuy nhiên, sau 13 giờ, huyết áp tâm thu tăng lên 3,7 mmHg, huyết áp tâm trương tăng 2,4 mmHg và nhịp tim là 2,7 lần mỗi phút.

Đồng quan điểm, giáo sư, tiến sĩ Robert Kloner, Đại học Nam California (Mỹ), cho biết uống rượu quá mức có thể gây ra huyết áp cao và thúc đẩy rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim.

Năm 2019, Cục Y tế dự phòng đưa ra các khuyến nghị về bia rượu tại Việt Nam. Tác hại của rượu tới sức khỏe chủ yếu là do lượng cồn ethanol.

Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Số gam cồn được tính theo công thức là dung tích (ml) x nồng độ (%) x khối lượng riêng. Cồn nguyên chất có khối lượng riêng 0,793 g/cm³ (nhiệt độ 20 độ C).

Một đơn vị cồn bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml (4%) hoặc một chén rượu mạnh 40 ml (30%).

Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu bia có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch với điều kiện người uống đã trên 45 tuổi, liều lượng thấp dưới 10 đơn vị cồn mỗi tuần, trong tuần phải ít nhất có hai ngày không uống hoàn toàn.

Tuy nhiên, rượu là chất ức chế thần kinh trung ương khiến hoạt động của não chậm lại. Việc lạm dụng đồ uống này có liên quan đến giảm chất lượng, thời gian ngủ. Nghiêm trọng hơn, uống nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp, dễ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não, làm nặng thêm bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim, khiến cơ tim giãn nở...

Nhiều người khó có thể kiêng rượu bia hoàn toàn do tính chất công việc, mối quan hệ trong cuộc sống. Nhưng tốt nhất mọi người cố gắng hạn chế tối đa. Nếu cần sử dụng nên chọn loại có nồng độ cồn phù hợp, uống vừa phải theo khuyến cáo. Nên theo dõi các chỉ số của cơ thể sau khi uống rượu. Người có dấu hiệu bất thường sau khi uống cần ngưng sử dụng ngay và đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm.

Trường hợp ba bạn đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tránh uống rượu. Thay vào đó, bác nên đổi sang loại đồ uống khác tốt cho tim mạch như nước ép lựu, nước ép cam, trà xanh, trà gừng.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp


Source link

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available