Cây đào hiện là loại cây trồng mang lại thu nhập cao đối với người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn, tập trung chủ yếu ở xã Hạ Long. Trên địa bàn xã hiện có trên 500 hộ dân trồng đào, trong đó có 60 hộ dân trồng tập trung, trung bình trên 300 cây đào/vườn.
Gia đình anh Nguyễn Doãn Tuấn (thôn 5, xã Hạ Long) đã gắn bó với nghề trồng đào nhiều năm. Trên diện tích vườn khoảng 1,3ha với 3.000 gốc đào được trồng, thu hoạch chủ yếu và dịp Tết hàng năm, đời sống của gia đình anh Tuấn ngày càng ổn định. Anh Tuấn chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua tôi có bán được khoảng hơn 200 cây, doanh thu khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu là khách hàng, thương lái đến tận vườn để mua. Sau Tết tôi cũng đã tiến hành cắt tỉa cành, trồng gối lên những phần cây đã được bán đi, chăm sóc, bón phân… để cây đào phát triển tốt, khỏe mạnh. Hiện gia đình mới quy hoạch lại diện tích trồng đào, mỗi năm sẽ phấn đấu trồng thêm được khoảng 400-500 cây”.
Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 121,43 triệu đồng/người/năm (khu vực nông thôn đạt 116,29 triệu đồng/người/năm; khu đô thị đạt 140,5 triệu đồng/người/năm). Toàn huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều và theo tiêu chí của tỉnh. Tỷ lệ người dân toàn huyện tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,3%, khu vực nông thôn đạt 98,2%. Tỷ lệ được sử dụng nước sạch tập trung khu vực nông thôn đạt 81,2%, đô thị đạt 100%.
Vân Đồn là huyện có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch bởi nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng của các loại hình nông nghiệp, từ những vườn cây ăn quả đến các khu vực nuôi trồng thủy hải sản, nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc... Hiện trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp đã xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Trồng cam ở Vạn Yên, Bản Sen, các vườn đào phai xã Hạ Long, các khu vực bè nuôi hải sản trên biển...
Tại xã Vạn Yên có hơn 100 hộ gia đình trồng cam với tổng diện tích khoảng 200ha, mỗi năm cho thu hoạch trên 200 tấn cam. Với mức giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, thu nhập của mỗi hộ dân trồng cam có thể đạt vài trăm triệu đồng/năm.
Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên cho biết: “Cây cam đã đem lại nhiều giá trị, trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện cũng như đảm bảo được đời sống của người dân nơi đây. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng cam và có việc làm ổn định hơn. Cam Vạn Yên ngày một được nhiều người biết đến, lựa chọn. Việc tự tay hái những quả cam vàng chín mọng, với các dịch vụ ăn uống, check-in, du lịch sinh thái ngay tại vườn cũng là một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn đối với du khách. Mô hình này không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ, mà còn là hình thức lan tỏa thương hiệu cam Vạn Yên.
Với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở, sự chung sức đồng lòng của người dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Từ đó, người dân đã nhận thức rõ được vị trí của mình, cùng đồng hành, góp công, góp của để chung tay cùng địa phương xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những con đường xã, đường thôn, ngõ xóm không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, mà giờ đây còn là những con đường được làm nên nhờ sức dân. Người dân đã lan tỏa phong trào dân hiến đất làm đường, dân giám sát thi công, dân thụ hưởng thành quả, góp phần trên hành trình xây dựng miền quê đáng sống.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/van-don-nang-chat-xay-dung-ntm-3353740.html
Bình luận (0)