Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn hóa đọc qua những trang sách cũ

Trên đường Phạm Cự Lượng (khóm Đông Thịnh 9, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) có một tiệm sách nhỏ, lặng lẽ tồn tại giữa nhịp sống đô thị ngày càng hối hả. “Tiệm sách cũ giá rẻ Nhà Manh” do chị Huỳnh Kim Ngân phụ trách là nơi lui tới của những người yêu sách, tìm về những trang giấy xưa cũ từng gắn bó với nhiều thế hệ độc giả.

Báo An GiangBáo An Giang21/04/2025

Ý tưởng về tiệm sách ấy được ấp ủ từ thuở ấu thơ, khi chị Ngân cùng em gái rong ruổi khắp thành phố để mướn truyện. Mong ước “lớn lên sẽ mở tiệm sách để được đọc thỏa thích” từng được thốt ra như một lời hứa trẻ con, nhưng theo thời gian đã thành hình. Năm 2011, chiếc kệ sách đầu tiên trị giá 5 triệu đồng, món quà từ ba mẹ khi gia đình cất nhà mới và mua sắm nội thất, chính là bước khởi đầu cho hành trình tích lũy sách.

Đến năm 2016, khi số lượng sách trong nhà đã đủ để lấp đầy vài kệ, 2 chị em bắt đầu nghĩ đến việc bán lại. Khách hàng được mời lên phòng lựa sách. Sau đó, họ bắt đầu rao bán trên Facebook. Những ngày đầu, bảng hiệu đơn sơ được treo trước sân khiến nhiều người xung quanh mỉm cười nghi ngại. Tuy vậy, chỉ trong tháng đầu tiên, doanh thu đã đạt 8 triệu đồng. Khi nguồn cung mở rộng nhờ các mối quen từ người thu mua ve chai, thư viện cũ, hay những đơn vị giải thể, có tháng doanh thu vượt 17 triệu đồng.

Trong trí nhớ của chị Ngân, buổi bán giảm giá đầu tiên là hình ảnh khó quên. Hàng dài sinh viên đến lựa sách vui như trẩy hội và gần 2 tấn sách gần như hết sạch. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa tiệm và người đọc trở nên gắn bó hơn. Có lần, chị đã dành ra 2 cây vàng cưới để gom sách, mở rộng kho hàng và tiếp cận thêm nhiều nguồn sách quý.

Việc mua sách không dừng lại ở giao dịch. Với những ai tặng sách, chị tìm người phù hợp để gửi lại. Nếu sách không còn sử dụng được, chị cân nhắc tái sử dụng hoặc gửi cho người cần. Theo chị, sách cũ có giá trị riêng, phụ thuộc vào người đọc, chứ không nằm ở độ mới hay cũ của giấy in.

Tiệm sách phát triển dần, không chỉ nhờ số lượng đầu sách, mà còn bởi sự hậu thuẫn từ gia đình. Từng làm nghề kinh doanh, ba chị luôn nhấn mạnh tinh thần tự lập và hỗ trợ 2 con cả về vật chất lẫn kinh nghiệm. Bên cạnh sách, chị Ngân còn thử sức với các sản phẩm: Cây cảnh, nguyên liệu làm hoa, tô tượng, tạo nên không gian đa dạng và gần gũi với nhiều đối tượng khách hàng.

Khách tìm đến tiệm từ sinh viên đến các bà nội trợ, phụ huynh, nhân viên văn phòng. Những cuốn sách về kỹ năng, truyện tranh thiếu nhi, sách tham khảo, ngoại ngữ, giáo khoa... luôn chiếm phần lớn nhu cầu tìm kiếm. Trong đó, nhiều người đặc biệt quan tâm đến sách nuôi dạy con, giáo dục sớm, hay các đầu sách đã ngừng tái bản.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết, thường ghé tiệm vào những lúc rảnh để tìm sách về tâm lý trẻ em, giáo dục gia đình. Chị đánh giá cao sự tiện lợi, khi cần có thể nhắn tin trước rồi đến lấy sách, không mất nhiều thời gian.

Thị trường sách cũ, đặc biệt ở mảng sách giáo khoa, ngày càng đòi hỏi người bán phải linh hoạt và nắm rõ chương trình học tại từng địa phương, từng trường học. Theo chị Ngân, mỗi khu vực có thể sử dụng bộ sách khác nhau. Để đáp ứng đúng nhu cầu, người bán phải luôn theo dõi sát xu hướng và phản hồi từ khách hàng.

Giữa thời đại số, tiệm sách truyền thống vẫn có cách để tồn tại. Người mua có thể trực tiếp xem xét, cầm đọc, cảm nhận từng cuốn sách trước khi quyết định mang về. Nhiều khách còn thích được trò chuyện, trao đổi cùng người bán, một phần trải nghiệm không thể có khi mua hàng online. Dù vậy, kênh bán qua mạng xã hội, như: Fanpage, Facebook cá nhân hay nhóm Zalo vẫn được duy trì để tiếp cận khách ở xa.

Theo chị Ngân, sách cũ là một phần của văn hóa đọc. Những cuốn sách từng được truyền tay qua nhiều người, từng nằm im lìm trên giá sách gia đình hay thư viện, vẫn có thể tìm thấy độc giả mới, nếu được đặt đúng chỗ. Dù không còn mới, những trang sách ấy vẫn chứa đựng kiến thức, giá trị văn hóa và cảm xúc của thời đại chúng được in ra.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa con người với sách vở, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng làm thay đổi thói quen tiếp nhận tri thức. Những tiệm sách nhỏ, những người bán sách cũ, những độc giả vẫn lựa chọn sách giấy là một phần của dòng chảy văn hóa lặng lẽ ấy. Việc đọc sách không dừng lại ở hành vi cá nhân, mà còn góp phần duy trì giá trị bền vững trong cộng đồng: Thói quen tiếp cận tri thức qua trang sách, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

BÍCH GIANG

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/van-hoa-doc-qua-nhung-trang-sach-cu-a419248.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng
Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm