
Những nốt trầm cổ kính
Dẫu thời gian có phủ bụi mờ lên những mảng tường vàng cũ kỹ, nhưng những ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp giữa lòng TP Hải Dương vẫn còn đó như những chứng nhân lịch sử, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đô thị xứ Đông. Những đường cong mềm mại, hoa văn tinh xảo, nét cổ điển phương Tây hòa quyện với nếp sống thuần Việt đã tạo nên vẻ đẹp riêng không thể trộn lẫn cho phố phường Hải Dương hôm nay.
Dạo bước qua những con phố như Tam Giang, Bắc Kinh, Sơn Hòa hay Phạm Hồng Thái, không khó để bắt gặp những ngôi nhà cổ đậm chất Pháp, được dựng lên từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Dù trải qua bao biến thiên thời cuộc, dấu ấn kiến trúc Pháp vẫn in đậm trong từng cánh cửa, viên gạch, từng ô cửa vòm cổ kính.

Ngôi nhà số 29A phố Tam Giang của gia đình ông Đoàn Hữu Bích có ba gian, hai gác được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp từ trước năm 1945, vẫn còn nguyên những hàng gạch hoa, cánh cửa gỗ và khảm sành chữ nho “Đức Lợi” trên mái.
Ông Bích năm nay 94 tuổi, quê ở Phú Xuyên (Hà Nội) mua lại căn nhà này từ năm 1972 do công tác tại ngành điện Hải Dương. Quá nửa đời người gắn bó với mảnh đất xứ Đông, ông luôn trân trọng từng chi tiết của ngôi nhà. “Nhà này hỏng đâu thì sửa đó thôi, chứ kiến trúc này không nên phá, vì nó cân đối, cổ mà đẹp”, ông nói. Nhiều cặp đôi đến cửa nhà ông chụp ảnh cưới với lối kiến trúc cổ xưa này.

Cách đó không xa, căn nhà số 17 là một điển hình cho sự giao thoa giữa kiến trúc Pháp và văn hóa Việt. Mặt tiền nhà đắp ba chữ “Đức Nhật Long”, các tầng khảm chữ triện thư, cửa tò vò uốn cong đặc trưng kiểu Pháp. Chủ nhà hiện nay là ông Đoàn Văn Tính, đã cùng gia đình sống tại đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Gia đình vẫn luôn gìn giữ nguyên trạng từ viên ngói đến nền gạch mặc dù có những dấu hiệu xuống cấp của thời gian.

Tại ngã ba phố Nhà Thờ và Phạm Hồng Thái, căn nhà số 85 hiện lên nổi bật với tông màu vàng ấm áp - gam màu phổ biến trong kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Được xây từ năm 1903, ngôi nhà do một địa chủ thuê người Pháp thiết kế, đến nay đã tròn 120 tuổi.
Bà Phạm Thị Xuyến, chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cho biết căn nhà này do bố mẹ chồng bà thuê, sau đó mua lại của Nhà nước. Dù sở hữu vị trí đắc địa nhưng gia đình vẫn quyết giữ nguyên kiến trúc gốc, từ chối cải tạo để phục vụ kinh doanh.

Gìn giữ dấu tích xưa
Sau khi chiếm Thành Đông vào năm 1883, người Pháp bắt đầu kiến thiết lại không gian đô thị. Họ phá bỏ thành trì quân sự và dựng lên một hệ thống công trình dân sự, hành chính theo phong cách kiến trúc châu Âu.
Dinh Tổng đốc (nay nằm trong trụ sở UBND tỉnh Hải Dương), Dinh Công sứ (nhà làm việc và nhà khách Tỉnh ủy), Sở Lục Lộ (Sở Giao thông vận tải cũ), Kho bạc (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh)... đều mang dáng dấp tân cổ điển Pháp. Các công trình này nằm chủ yếu ven sông Sặt - tuyến đường thủy huyết mạch của khu hành chính thời bấy giờ.

Một số tòa dinh thự Pháp cổ hiện nay vẫn còn được sử dụng như: Sở Giao thông vận tải (cũ), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Nhà thờ Hải Dương…
Tiêu biểu nhất là tòa nhà Dinh Tổng đốc, nay nằm trong trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tân cổ điển phương Tây với nét truyền thống Việt Nam như mái lòng thuyền, đấu củng, rồng chầu mặt nguyệt, bình phong, tam quan... tạo nên một tổng thể độc đáo và trang nghiêm.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Thường, Phó Ban Kiến trúc (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), nhiều công trình Pháp cổ hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số đã bị tháo dỡ. “Công trình công sở thì dễ bảo tồn, nhưng nhà dân thì cần có chính sách hỗ trợ cụ thể”, ông nhấn mạnh.
Sự có mặt của kiến trúc Pháp không chỉ góp phần thay đổi diện mạo đô thị mà còn in đậm vào ký ức người Thành Đông. Dù là công trình công cộng hay nhà ở tư nhân, tất cả đều phản ánh một thời kỳ giao lưu văn hóa Đông - Tây đặc biệt trong lịch sử Hải Dương.
Theo thời gian, nhiều ngôi nhà Pháp cổ đã được “Việt hóa” cho phù hợp hơn với điều kiện sống và khí hậu địa phương. Nhưng đâu đó, người ta vẫn nhận ra nét tinh tế, thanh lịch của phong cách kiến trúc này: tường dày, cửa sổ cao rộng, mái vòm uốn cong, họa tiết đối xứng.

Việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp không chỉ là giữ lại vài bức tường hay mái ngói, mà là gìn giữ ký ức đô thị, giữ lại những lớp trầm tích văn hóa cho thế hệ sau.
MỘC MIÊNNguồn: https://baohaiduong.vn/ve-dep-kien-truc-phap-giua-long-do-thi-hai-duong-412051.html
Bình luận (0)