Đến nay, lễ hội vẫn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa độc đáo của vùng quê ven sông Hồng tiêu biểu như nghi thức rước sắc, rước nước cầu và vật lầu.
Tương truyền vị thành hoàng làng Vũ Quang Chiếu sáng tạo ra trò vật lầu để mô phỏng sự lênh đênh sông nước của người em kết nghĩa Phạm Công Nghi.
Tham gia vật lầu có tới 72 người, chia làm 2 đội trong trang phục xanh và đỏ, mỗi đội 36 người. Trong đó, một đội đại diện cho làng Thượng, một đội đại diện cho làng Hạ.
Chỉ huy đội vật lầu gồm 3 người do dân bầu ra để điều hành trận đấu trong đó có một người làm chấp hiệu (chỉ huy chung), 2 người làm tổng cờ, mỗi người chỉ huy một đội.
Sân vật lầu được chọn từ một thửa ruộng trước cửa đình, hàng năm làng chuẩn bị vào hội thì người dân sẽ ngừng cày cấy trên thửa ruộng đó. Chiều dài của sân là 65m, chiều rộng là 45m. Mặt sân bằng phẳng, gồm 3 hố lầu, trong đó có một hố lầu cái và 2 hố lầu con.
Hố cái to gấp đôi hố con, hố cái được đào ở chính giữa sân, sâu 1,2m đường kính 1,5m. Còn 2 hố con được đào ở 2 đầu sân với chiều sâu là 0,6m, đường kính hố lầu con là 0,8m. Khoảng cách từ hố lầu cái đến hố lầu con là 30m.
Bắt đầu cuộc chơi, mỗi đội chọn lựa một người khỏe, nhanh nhẹn và khéo léo nhất ra trước để cướp lầu. Tổng cờ chỉ huy, người chấp hiệu đánh thanh la báo hiệu, trận đấu bắt đầu. Hai vật thủ chạy thật nhanh, nhảy xuống hố lầu cái. Họ dựa vào sức khỏe, sự khôn khéo để giành lấy quả lầu đưa về phía đội mình.
Trong lúc vận chuyển quả lầu từ hố lầu cái lên sân thì vật thủ được dùng tay để ôm quả lầu vào lòng, tất cả các vật thủ còn lại không được sử dụng tay mà chỉ sử dụng sức cơ bắp của chân, lưng hay mông. Người chơi đạp chân xuống đất làm điểm tựa truyền lực qua lưng, vai hoặc mông, truyền lực cho thân mình nhích dần lên, đẩy quả lầu về phía sân đội mình. Đội thắng sẽ là đội đưa quả lầu vào hố đội mình.
Với đặc điểm địa hình sân chơi, nếu không có dải buộc đầu, khán giả sẽ khó phân biệt được người chơi mỗi đội do ai nấy đều lấm lem bùn đất. Với quan niệm đội chiến thắng sẽ mang tới may mắn trong cả năm cho làng mình và ngược lại, làng thua cuộc sẽ gặp nhiều xui xẻo nên ngày nay, các đội thường giữ tỉ số hòa.
Vật lầu trong lễ hội truyền thống đình Quan Xuyên có tính đua tranh nhưng không quá quyết liệt và được dân làng cũng như du khách cổ vũ nhiệt tình. Màn thi đấu ngoài tinh thần thượng võ còn mang tính biểu tượng cao cho tín ngưỡng dân gian trong nông nghiệp khi đề cao sự đoàn kết, phối hợp giữa các thành viên của đội chơi cũng như trong cả cộng đồng.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)