
Đất nước đã thống nhất 50 năm nhưng những chiến công kỳ diệu, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác đã trở thành huyền thoại về ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và rừng Sác hôm nay, không chỉ là một phần ký ức thiêng liêng trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là nơi ghi dấu sự ra đời và chiến đấu anh dũng của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác - tiền thân là Đặc khu rừng Sác.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1966 đến 1975, với địa hình sình lầy hiểm trở, rừng đước bạt ngàn và hệ thống kênh rạch chằng chịt, nơi đây trở thành căn cứ hoạt động bí mật, nơi rèn luyện và xuất phát của hàng trăm trận đánh táo bạo vào tận sào huyệt địch.

Chỉ với hơn 800 chiến sĩ nhưng Trung đoàn 10 đã thực hiện hơn 1.200 trận đánh, tiêu diệt và làm bị thương trên 4.000 tên địch, đánh chìm 356 tàu thuyền quân sự, phá hủy hàng trăm xe cơ giới và kho tàng. Nhiều trận đánh vang danh như đánh vào kho xăng Nhà Bè, bến cảng Sài Gòn, căn cứ Rạch Lá… đã làm cho quân địch hoang mang tột độ, còn đồng bào thì không khỏi tự hào và cảm phục.
Đặt chân vào Khu di tích lịch sử hôm nay, du khách sẽ thấy một không gian tĩnh lặng mà hào hùng giữa đại ngàn đước, mắm, bần... Lối đi bằng tre nứa dẫn đến các hầm nổi, lán trại, hầm trú ẩn được phục dựng như nguyên gốc.
Du khách có thể hóa thân thành chiến sĩ đặc công, mặc áo bà ba, đội nón tai bèo, chèo xuồng ba lá xuyên rừng, nghe hướng dẫn viên - phần lớn là cựu chiến binh - kể chuyện về đồng đội, về “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” giữa rừng sình lầy, nơi cá sấu, rắn nước và muỗi vắt hoành hành.

Không chỉ có chiều sâu lịch sử, rừng Sác còn là "lá phổi xanh" với hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Giữa không gian xanh thẳm, bạn có thể bắt gặp đàn khỉ tinh nghịch đu mình trên những thân cây, hay những chú cá sấu nước lợ phơi nắng bên hồ. Đừng quên thử sức với trò chơi bắn súng sơn, vượt chướng ngại vật, hay leo cầu dây văng giữa rừng - những hoạt động không chỉ hấp dẫn mà còn giúp bạn thấu hiểu hơn về tinh thần thép của các chiến sĩ năm xưa.
Khi đã thấm mệt, một bữa cơm rừng dân dã với cá dứa kho tộ, rau rừng luộc chấm mắm kho quẹt, canh chua cá lóc... sẽ khiến bạn không thể nào quên hương vị của đất phương Nam. Vị mặn mòi, chua cay, ngọt thanh như chính khí hậu, con người nơi đây chất phác, kiên trung, chân tình đến lạ.

Đường đi rất dễ, từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, bạn có thể đi theo hướng đường Huỳnh Tấn Phát, qua phà Bình Khánh (nay là cầu Bình Khánh đang được xây dựng), tiếp tục theo đường Rừng Sác khoảng 40 km sẽ tới thị trấn Cần Thạnh.
Khu di tích lịch sử Rừng Sác nằm tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, cách trung tâm thành phố khoảng 60 km về phía Đông Nam. Du khách có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc theo các tour du lịch sinh thái - lịch sử do các công ty lữ hành tổ chức hằng ngày.

Rời chiến khu rừng Sác khi hoàng hôn buông nhẹ. Những tán mắm đước như vẫn rì rào nhắc nhở mọi người hãy sống xứng đáng với những lớp cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.
THANH TÂMNguồn: https://baohaiduong.vn/ve-rung-sac-nghe-ri-rao-hon-thieng-dat-nuoc-409509.html
Bình luận (0)