Cách đây 50 năm, quân và dân Bình Ðịnh đã đồng loạt tổng công kích, nổi dậy giải phóng thị xã Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Ðịnh.
Tôi có may mắn được gặp đại tá Hồ Quốc Thúc (81 tuổi, quê ở TX Hoài Nhơn, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh), nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 - đơn vị trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn vào ngày 31.3.1975
Niềm vui của đại tá Hồ Quốc Thúc (thứ hai từ trái sang) trong ngày gặp lại đồng đội. Ảnh: H.P |
Nhớ về những ngày tháng 3 lịch sử trên đất Bình Định, đại tá Thúc kể: Từ ngày 29.3, địch ở chi khu Gò Bồi bắt đầu tháo chạy theo đường sông về Quy Nhơn. Khi có chủ trương tiến đánh Quy Nhơn, giải phóng Bình Định, quân ta bố trí đội hình Tiểu đoàn 52 ở khu vực tiểu chủng viện Làng Sông, Tiểu đoàn 8 ở xã Phước Hiệp và Tiểu đoàn 50 ở xã Phước Quang.
Ngày 31.3, khi có lệnh, Tiểu đoàn 50 nhận nhiệm vụ đánh địch từ đường Lam Sơn (nay là đường Tây Sơn) xuống đường Cường Để (nay là đường Trần Phú); Tiểu đoàn 8 đánh địch từ Chợ Dinh xuống Cầu Đôi, đường Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong) ra đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo), từ đường Đống Đa đánh xuống cảng Quy Nhơn; Tiểu đoàn 52 ở tiểu chủng viện Làng Sông, làm nhiệm vụ hậu bị đánh chặn Sư đoàn 22 ngụy trên đường rút về Quy Nhơn.
“20 giờ ngày 31.3.1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh Bình Định, đánh dấu thời điểm lịch sử giải phóng thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Giây phút này, anh em chúng tôi mừng đến rơi nước mắt, cảm xúc lúc này không thể tả được”, ông Thúc xúc động nói.
Cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa Hành chính ngụy quyền tỉnh, tuy nhiên, theo ông Thúc, cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt. Sư đoàn 22 ngụy bị Sư đoàn 3 Sao vàng cùng quân và dân địa phương đánh tơi bời trên QL 19, mất sức chiến đấu. Đêm 31.3.1975, chúng gom trên 6.000 quân, 300 xe quân sự, hàng chục khẩu pháo hạng nặng, tập trung tại cầu Bà Gi tổ chức lại lực lượng để sáng 1.4 liều mạng mở đường máu tháo chạy xuống Quy Nhơn tìm lối thoát ngắn nhất bằng đường biển.
Nắm được âm mưu của địch, Sở chỉ huy tiền phương chủ trương đánh sập cầu Sông Ngang, buộc địch phải chạy vòng qua đường Lam Sơn (nay là đường Tây Sơn), nơi có địa hình thuận lợi được Tiểu đoàn 52 bày sẵn trận địa phục kích để tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, nhằm hạn chế mức độ tàn phá thị xã Quy Nhơn.
Đúng theo kế hoạch của ta, 12 giờ trưa ngày 1.4, các ổ phục kích của Tiểu đoàn 52 đồng loạt xuất kích đánh nát đội hình địch trên đường Lam Sơn. Đến 16 giờ ngày 1.4, tiếng súng mới hoàn toàn chấm dứt.
HỒNG PHÚC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=82&mabb=343542
Bình luận (0)