Không gian của Bảo tàng Đà Nẵng áp dụng nhiều công nghệ tăng tính tương tác với người xem. Ảnh: H.S |
1. New York là thành phố của những bảo tàng, với khoảng 170 bảo tàng, phần lớn tập trung ở quận Manhattan. Các bảo tàng ở đây đa dạng về chủ đề trưng bày, từ kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo, thời trang, công nghệ đến lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, lịch sử các cộng đồng… Trong đó quy mô lớn nhất và đông khách nhất phải kể đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA).
Bên cạnh phục vụ khách ban ngày, các bảo tàng đều có lịch mở cửa buổi tối. Nhiều bảo tàng chọn ngày cuối tuần bởi lẽ sau một tuần làm việc, nhiều người có nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa. Hằng tuần, Bảo tàng MET mở cửa đến 9 giờ tối thứ Sáu và thứ Bảy trong khi Bảo tàng Rubin (chuyên về Nghệ thuật vùng Himalaya) mở đến 10 giờ tối thứ Sáu.
Một số bảo tàng khác chỉ phục vụ buổi tối vào các thứ Sáu đầu và cuối mỗi tháng, ví dụ Bảo tàng MoMA mở cửa đến 8 giờ tối thứ Sáu đầu tiên và Bảo tàng Intrepid mở đến 9 giờ tối thứ Sáu cuối tháng. Để tránh trùng lặp lịch và tạo thêm nhiều lựa chọn cho khách tham quan, nhiều bảo tàng chọn các ngày khác trong tuần thay vì tập trung vào tối thứ Sáu. Bảo tàng Di sản người Do Thái mở cửa đến 8 giờ tối thứ Năm hằng tuần trong khi Bảo tàng Brooklyn mở đến 11 giờ các tối thứ Bảy đầu tiên mỗi tháng.
Các bảo tàng ở New York đều có chính sách giá vé ưu đãi, và chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất mở cửa miễn phí theo khung giờ quy định, nhóm thứ hai áp dụng chính sách vé “Pay What You Wish” (Trả theo mong muốn), theo đó mỗi khách có thể trả tối thiểu 1 USD.
Bên cạnh giá vé ưu đãi, các bảo tàng ở New York còn tổ chức nhiều chương trình phục vụ khách tham quan vào khung giờ tối. Việc làm chương trình, sự kiện đòi hỏi phải lên kế hoạch, chuẩn bị và truyền thông trên các kênh thông tin từ sớm để khách tham quan nắm thông tin và chọn thời gian đến thăm, tận hưởng tối đa các dịch vụ. Những chương trình được tổ chức song hành với việc mở cửa tối gồm: Tham quan có hướng dẫn, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề, biểu diễn âm nhạc, các hoạt động trải nghiệm như vẽ tranh, tô tượng, làm đồ thủ công…
Một số bảo tàng phục vụ âm nhạc với DJ và ăn uống nhẹ có tính phí tại khu vực quầy bar, nhà hàng. Thi thoảng tôi đến Bảo tàng Brooklyn tham gia chương trình “First Saturdays” vào buổi tối, đơn giản vì bảo tàng có chơi nhạc tại khu sảnh chính, và nơi đây trở thành “sàn nhảy” cho người địa phương cũng như du khách, nơi mọi người có thể hòa mình đong đưa theo điệu nhạc quên đi mệt nhọc của những ngày làm việc trong tuần. Hoặc cuối mỗi học kỳ, tôi đến Bảo tàng MET dự sự kiện “College’s Night”.
Đây là chương trình mở cửa đêm miễn phí dành cho sinh viên, tổ chức mỗi học kỳ một lần. Theo đó bảo tàng chỉ mở cửa một phòng trưng bày, và tại khu sảnh chính phục vụ âm nhạc và các món ăn nhẹ. Các sinh viên hẹn nhau đến đây thưởng thức nghệ thuật, giao lưu kết bạn, và hòa mình vào âm nhạc sau một học kỳ vất vả.
2. Cũng như New York, London dày đặc các bảo tàng với khoảng 190 bảo tàng, với nhiều quy mô và chủ đề trưng bày khác nhau. Đa phần du khách đến London dành thời gian thăm những bảo tàng nổi tiếng của thành phố sương mù như: Bảo tàng Anh, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Phòng tranh quốc gia, Bảo tàng nghệ thuật Tate Modern hay Bảo tàng Victoria & Albert (V&A).
Một số bảo tàng ở London mở cửa miễn phí vào tối thứ Sáu cho mọi đối tượng đến xem các trưng bày cố định, riêng trưng bày chuyên đề thì có thu phí.Tùy vào sở thích, khách tham quan chọn bảo tàng mình yêu thích để tận hưởng buổi tối thứ Sáu cùng với những tác phẩm nghệ thuật, những bộ phim, những buổi nói chuyện chuyên đề, những màn trình diễn âm nhạc…
Việc mở cửa về đêm vào các ngày cuối tuần là xu hướng chung của các bảo tàng ở phương Tây vì một số lý do. Thứ nhất, đây là cách để tăng tính tiếp cận cho khách tham quan và tăng doanh thu cho các bảo tàng. Khách du lịch khi đến một thành phố có nhu cầu và lịch trình khác nhau. Việc mở cửa bảo tàng buổi tối tạo sự linh hoạt về lịch trình, giúp du khách có nhiều lựa chọn điểm đến, có điều kiện tham quan các bảo tàng nếu ban ngày lịch trình của họ không cho phép. Khi lượng khách đến với bảo tàng tăng lên nhờ mở cửa đêm, doanh thu từ bán vé và các dịch vụ đi kèm cũng tăng theo.
Thứ hai, việc mở cửa đêm tạo điều kiện cho người dân địa phương được đến bảo tàng, qua đó bảo tàng thực hiện vai trò giáo dục, phục vụ cộng đồng. Điều này giải thích vì sao các bảo tàng chọn mở cửa đêm vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy, khi người dân địa phương được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc và thực hiện chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng này.
3. Tại đảo quốc Singapore, các bảo tàng quốc gia mở cửa hằng ngày từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối; riêng thứ Sáu, Bảo tàng Các nền văn minh châu Á và Bảo tàng Peranakan mở cửa đến 9 giờ tối. Về chính sách vé, công dân Singapore và những người lưu trú dài hạn được miễn phí vào tất cả các bảo tàng công lập. Tuy nhiên du khách quốc tế phải mua vé. Còn ở Thái Lan, các bảo tàng chưa thực hiện mở cửa đêm định kỳ vào cuối tuần. Tuy nhiên, hằng năm nhiều bảo tàng tham gia chương trình lễ hội “Night at the Museum”. Ban đầu, đây là sáng kiến của Bảo tàng Quốc gia Bangkok; sau đó các bảo tàng khác đồng loạt hưởng ứng, tạo nên một sự kiện lớn trong năm.
Năm 2024, lễ hội kéo dài từ ngày 5-12 đến cuối tháng, với sự tham gia của 53 bảo tàng trên cả nước. Theo đó, mỗi bảo tàng mở cửa vào một khung thời gian của tháng 12 này và tổ chức nhiều hoạt động như: Tour có hướng dẫn, trình diễn âm nhạc, chợ đêm, ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt, trình chiếu ánh sáng, workshop làm đồ thủ công… Một số bảo tàng mở cửa miễn phí hoàn toàn, và một số khác thực hiện thu phí nhưng có chính sách ưu đãi cho người địa phương và sinh viên.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều bảo tàng mở cửa đêm định kỳ, ngoại trừ một số điểm di tích tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức các chương trình tour đêm phục vụ khách tham quan khá hiệu quả.
Tại thành phố Đà Nẵng, các bảo tàng do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý chỉ mở cửa phục vụ khách tham quan vào ban ngày. Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng để thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng, các bảo tàng nên thực hiện mở cửa ban đêm thường xuyên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, trong nhu cầu tham quan (có mua vé) như hiện nay, việc mở cửa bảo tàng vào ban đêm ở Đà Nẵng là chưa cần thiết.
Nên tập trung tổ chức các hoạt động ban ngày có chất lượng và đa dạng, đáp ứng các nhu cầu của du khách khi tham quan bảo tàng. Ban đêm, du khách có thể tham gia các hoạt động khác. Riêng ở khuôn viên sân vườn của các bảo tàng, có thể tổ chức một số hoạt động ban đêm phù hợp, tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng địa phương và du khách; hiển nhiên việc này cũng khá tốn kém và cân nhắc để bảo đảm các điều kiện cần thiết.
Như vậy, để mở cửa đêm phục vụ khách du lịch, các bảo tàng phải cân nhắc các yếu tố về tài chính, nhân lực, an ninh và nhu cầu của du khách. Trong điều kiện chưa sẵn sàng, không nhất thiết phải mở cửa đêm mang tính thường xuyên. Tuy nhiên, có thể xem xét việc mở cửa đêm với tần suất mỗi tháng một lần, hoặc vào một số ngày lễ quan trọng để chủ yếu phục vụ cộng đồng địa phương, và cũng phần nào phục vụ du khách và quảng bá cho du lịch của thành phố. Những bài học kinh nghiệm về mô hình mở cửa đêm ở bảo tàng của các nước kể trên có thể được nghiên cứu để áp dụng hiệu quả và phù hợp thực tế của mỗi bảo tàng tại Đà Nẵng.
TS. NGUYỄN HOÀNG HƯƠNG DUYÊN
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/vi-sao-cac-bao-tang-mo-cua-vao-ban-dem-4005839/
Bình luận (0)