Là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, với hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện Vị Xuyên đã quan tâm, triển khai nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc học sinh người dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng cao.
Trường trung học cơ sở Ngọc Linh có 355 học sinh |
Trường trung học cơ sở Ngọc Linh có 355 học sinh, trên 93% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 16 thôn, trong đó nhiều thôn cách xa trung tâm từ 8 đến 10km. Nhờ chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú nên phụ huynh học sinh rất vui mừng, yên tâm. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, từ đó chất lượng học tập được nâng lên.
Đồ chơi là phương tiện giáo dục quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ |
Còn đối với cấp bậc Mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Trong đó, đồ chơi là phương tiện giáo dục quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ. Do vậy, các trường học đã khuyến khích các cô giáo sáng tạo ra những đồ dùng tự làm mới mẻ, có tính ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với các văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi đến trường.
Năm học 2024 - 2025, huyện Vị Xuyên có 74 trường trực thuộc với hơn 26 nghìn học sinh |
Năm học 2024 - 2025, huyện Vị Xuyên có 74 trường trực thuộc với hơn 26 nghìn học sinh. Trong đó, học sinh là dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Toàn huyện có 16 trường phổ thông dân tộc bán trú. Giai đoạn 2021-2025, huyện Vị Xuyên tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 84 phòng ở bán trú, 8 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 120 phòng học. Việc tổ chức chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh luôn được duy trì, trong năm học có hơn 9 nghìn lượt học sinh dân tộc thiểu số được hưởng các chế độ hỗ trợ, tỷ lệ duy trì sĩ số, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, THPT tăng dần qua các năm.
Góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội viết tiếp những ước mơ và được cắp sách đến trường |
Hà Giang là tỉnh miền núi, có 19 dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội viết tiếp những ước mơ và được cắp sách đến trường./.
Hải Tú- Phương Duyên
Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202504/vi-xuyen-thuc-hien-tot-cac-chinh-sach-cham-lo-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-2c81498/
Bình luận (0)