Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. Ảnh tư liệu: Xuân Giao/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Sau đây là nội dung phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, xin ông cho biết mục đích và thông điệp chính mà Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ mang đến Hội nghị Tương lai châu Á năm nay?
Mục đích chính của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khi tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 30 là khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc góp phần định hình tương lai khu vực châu Á, thúc đẩy hợp tác đa phương và phát triển bền vững.
Thông điệp chính mà Phó Thủ tướng sẽ mang đến Hội nghị là trước bối cảnh thế giới biến động và chuyển đổi sâu sắc, châu Á đang đối mặt nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để châu Á phát huy vai trò tiên phong, trụ đỡ cho hệ thống thương mại tự do dựa trên luật lệ, là cái nôi phát triển các ý tưởng liên kết kinh tế và thoả thuận thương mại mới, thúc đẩy đầu tư toàn cầu, là khu vực đi đầu về phát triển bền vững, bao trùm.
Việt Nam khẳng định tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao thương mại tự do và phát triển bền vững, bao trùm, cùng chung tay giải quyết khó khăn vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới, viết tiếp câu chuyện thành công, vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn và châu Á đang đứng trước nhiều thách thức. Việt Nam đánh giá như thế nào về vai trò hợp tác khu vực để duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng bền vững?
Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động phức tạp, từ căng thẳng địa chính trị đến các thách thức về kinh tế, môi trường và an ninh phi truyền thống, hợp tác khu vực là chìa khóa để duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Châu Á, với sự năng động và đa dạng, đóng vai trò động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ đóng góp 70% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030.
Việt Nam đánh giá cao các cơ chế hợp tác khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hiệp định thương mại tự do, trong đó có sự tham gia tích cực của Nhật Bản. Hợp tác khu vực cần tập trung vào việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và thúc đẩy các lĩnh vực mới như kinh tế số, năng lượng xanh và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cam kết cùng các nước châu Á thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và giải quyết các thách thức chung.
Sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại một diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị Tương lai châu Á cho thấy cam kết nào của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại đa phương và tăng cường hợp tác khu vực?
Việc Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 30 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại đa phương và tăng cường hợp tác khu vực. Chuyến thăm góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu trong bối cảnh thế giới gia tăng biến động, góp phần vào nỗ lực chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp vào các giải pháp chung cho các thách thức khu vực và toàn cầu, từ kinh tế, thương mại đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi số. Việt Nam cũng mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản, một đối tác quan trọng hàng đầu, thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và giao lưu nhân dân. Hội nghị là cơ hội để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về một châu Á đoàn kết, tự cường và sáng tạo, đồng thời khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong các diễn đàn khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đang biến động, xin Đại sứ chia sẻ một số định hướng chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế mà Việt Nam sẽ theo đuổi trong thời gian tới nhằm thích ứng linh hoạt và phát huy vai trò trong khu vực?
Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đồng thời linh hoạt thích ứng với các thách thức mới. Một số định hướng chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác đa phương thông qua các cơ chế như ASEAN, APEC và Liên hợp quốc để đóng góp vào các giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đến chuyển đổi số. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy các hiệp định kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương( CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế.
Thứ hai, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu, thông qua tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục và chuyển giao công nghệ. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa các dự án ODA và giao lưu văn hóa, nhân dân.
Thứ ba, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu.
Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình tương lai châu Á, góp phần xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, và thịnh vượng.
Cẩm Tuyến (TTXVN)
Nguồn:https://baotintuc.vn/the-gioi/viet-nam-khang-dinh-cam-ket-gop-phan-dinh-hinh-tuong-lai-chau-a-20250527122058744.htm
Bình luận (0)