Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam - Nền kinh tế năng động, đa dạng và có khả năng cạnh tranh toàn cầu

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử như một dấu mốc chói lọi, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, tự do trên toàn thế giới.

Hà Nội MớiHà Nội Mới22/04/2025


Truyền thông và bạn bè quốc tế đều nhìn nhận, chiến thắng vĩ đại ấy đã trở thành một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những nỗ lực giải phóng xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Kể từ thời khắc lịch sử ấy, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu khu vực.

san-xuat.jpg

Thời gian qua, nguồn vốn FDI tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.

Trên tờ Urbe Bolivia, ông Miguel Angel Perez Pena, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bolivia đã khẳng định, ngày 30-4-1975 là một thời khắc lịch sử không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Chiến thắng ấy đã mở ra cánh cửa thống nhất cho một đất nước từng bị chia cắt bởi các thế lực bên ngoài và đã đánh bại một cường quốc quân sự mạnh nhất thời bấy giờ.

Theo ông Perez Pena, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là nguồn cảm hứng to lớn, đặc biệt với thế hệ trẻ, về khả năng vượt qua bất công, áp bức. Đánh giá về sự chuyển mình của Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, ông Perez Pena nhận định rằng Việt Nam ngày nay là một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới. Với nền kinh tế đa dạng và cởi mở, Việt Nam không ngừng thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và duy trì tăng trưởng bền vững trong hoạt động ngoại thương.

Hiện tại, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và nằm trong nhóm những quốc gia sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu. Các mặt hàng may mặc như quần áo, giày dép của Việt Nam cũng đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên toàn cầu. Không những thế, Việt Nam còn giữ vai trò là cửa ngõ chiến lược vào thị trường rộng lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một khối kinh tế gồm 10 quốc gia với hơn 600 triệu dân.

Với tựa đề “Việt Nam chuyển đổi mô hình thành công”, bài viết đăng trên trang Casa Asia - cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha - đã đưa ra những phân tích sâu sắc về quá trình chuyển đổi kinh tế và khả năng phục hồi ấn tượng của Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến. Cụ thể, bài viết khái quát rằng sau chiến tranh, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn thách thức to lớn.

Cuộc chiến tranh kéo dài đã để lại hậu quả nặng nề, tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, trong khi nền kinh tế lúc đó chủ yếu dựa vào mô hình tự cung tự cấp. Tỉ lệ nghèo đói ở mức cao, và toàn bộ nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào cơ chế tập trung, do các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực nông nghiệp chi phối. Sự trì trệ về kinh tế cùng với những hạn chế trong phát triển công nghiệp đã khiến Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tạo cơ hội việc làm cho người dân và tham gia vào sân chơi kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhu cầu cấp thiết về một hướng đi mới đã trở thành vấn đề sống còn đối với đất nước.

Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng công cuộc cải cách Đổi mới vào năm 1986. Kể từ thời điểm này, Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cuộc cải cách đã nhanh chóng tạo ra chuyển biến rõ rệt, góp phần khôi phục nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Trong thời kỳ Đổi mới, Việt Nam thực hiện phân cấp quyền ra quyết định trong lĩnh vực kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển song song với doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Những chính sách này đã hình thành nên một nền kinh tế năng động, cạnh tranh và ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam cũng đã không ngừng nỗ lực hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995 là một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội mới cho hợp tác kinh tế và đầu tư song phương. Tiếp đó, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đã tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, việc tích cực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu của Việt Nam.

Những cải cách kinh tế sâu rộng đã tạo ra tác động sâu sắc đến sự chuyển mình của Việt Nam. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa được đẩy nhanh, không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mà còn góp phần định hình các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trở thành những trung tâm kinh tế sôi động.

Bài viết “Tại sao nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh như vậy?” đăng trên trang Vietnam-Briefing, một chuyên trang uy tín về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đã lý giải sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước trong gần bốn thập kỷ qua kể từ khi Đổi mới. Theo bài viết, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, từ các cải cách kinh tế sâu rộng và hiệu quả, đến sự bùng nổ của các ngành mũi nhọn như sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là ngành Du lịch.

Bài viết nhấn mạnh, trước năm 1986, Việt Nam vẫn là một quốc gia kém phát triển, đồng thời phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Hoa Kỳ, khiến việc thiết lập và mở rộng quan hệ với các quốc gia khác gặp nhiều trở ngại. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã thực hiện chính sách cải cách bao gồm quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung do nhà nước kiểm soát sang nền kinh tế định hướng thị trường. Việt Nam cũng thực hiện chiến lược hướng đến xuất khẩu và xóa bỏ mọi hạn chế đối với thương mại nước ngoài, dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng, chuyển mình từ một quốc gia kém phát triển sang một nền kinh tế công nghiệp hóa với nhiều doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lao động có tay nghề và xuất khẩu cao. Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chính là mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao. Việt Nam đã thu hút đầu tư từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, nhờ vào những chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực Đông Á, gần với các chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với môi trường chính trị xã hội ổn định, đã khiến đất nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng chung nhận định này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Việt Nam trong công cuộc Đổi mới nền kinh tế và mở cửa hội nhập quốc tế, cùng với việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, chính là yếu tố quyết định giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội hậu chiến.

Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam không chỉ đa dạng hóa và mở rộng quan hệ đối ngoại thông qua các đối tác chiến lược mà còn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc tham gia vào các tổ chức quan trọng như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, WTO và nhiều tổ chức đa phương khác. Chính chiến lược ngoại giao này đã mang lại thành công lớn khi Việt Nam hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu áp đảo. Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như một đối tác đáng tin cậy, thông qua việc kiên định theo đuổi chính sách độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/viet-nam-nen-kinh-te-nang-dong-da-dang-va-co-kha-nang-canh-tranh-toan-cau-699889.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm