Khí trời nhẹ nhàng, sáng trong như để chào đón thời khắc thiêng liêng của dân tộc-thời khắc mà 50 năm trước, đất nước hát khúc ca khải hoàn, non sông nối liền một dải.
Trong những sớm mai như thế, lòng tôi lại ngân nga những giai điệu hào hùng trong ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi được sinh ra trong hòa bình, chưa từng thấy cảnh bom đạn, chết chóc, hoang tàn của chiến tranh… Nhưng, tôi lớn lên cùng lời kể của bà, của cha về những ngày “bám rừng giữ làng”, về tiếng cồng chiêng rộn ràng khi nghe tin đất nước hòa bình. Tôi được học, được đọc về những cuộc hành quân của đoàn quân giải phóng qua núi rừng, về người Bahnar, Jrai gùi gạo nuôi bộ đội, che chở cán bộ, về những mái nhà rông từng là căn cứ cách mạng.
Tôi sinh ra trên quê hương Kbang, nơi có Anh hùng Núp, có căn cứ cách mạng Krong. Vậy nên, dù không chứng kiến, tôi luôn thấy mình mang ơn sâu nặng với quê hương, đất nước.
Gia Lai hôm nay đã khác xưa. Những con đường thênh thang, phố thị tấp nập, làng quê đổi mới. Giữa vùng đất đỏ bazan, thế hệ 2K chúng tôi đang viết tiếp câu chuyện của cha ông bằng những công việc vô cùng ý nghĩa. Đó có thể là một dự án khởi nghiệp từ nông sản địa phương, một bài nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng, mô hình du lịch cộng đồng…
Chúng tôi biết, hòa bình không phải là một ngày mà là một hành trình. Và hành trình ấy chưa bao giờ dừng lại. Bởi tự do là để gìn giữ, hòa bình là để bồi đắp. Lý tưởng của chúng tôi không phải là sao chép quá khứ, mà là làm cho hiện tại trở nên xứng đáng với hy sinh của ngày hôm qua.
Chúng tôi tin rằng hòa bình sẽ được khắc sâu không chỉ trong tượng đài, sử sách, mà còn trong từng hành động nhỏ mỗi ngày. Như cách ta giữ gìn rừng, chăm sóc một mầm cây, giữ mát một dòng suối, dạy trẻ em biết nói lời yêu thương bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình.
Hôm nay, dưới tán rừng đại ngàn, về thăm Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, lòng bồi hồi xúc động, miệng tôi thầm hát bài “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Những ca từ như khắc sâu trong trái tim không chỉ là câu hát, mà là trách nhiệm của mỗi người trẻ: “Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình/Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới/Tạ ơn những người gìn giữ nước non Đại Việt nghìn năm trước”.
Tôi hiểu sâu sắc hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng xương máu cha ông, thì nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng tôi là giữ gìn, trân trọng, làm giàu đẹp thêm đất nước này bằng tri thức, lòng nhân ái và những nghĩa cử tốt đẹp.
Đọc để hiểu mình
Món quà của chị Hai
Nguồn: https://baogialai.com.vn/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-post319228.html
Bình luận (0)