Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vượt sóng kinh tế thế giới, Việt Nam chủ động bứt phá

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, Việt Nam vẫn đang giữ vững đà phục hồi, tận dụng nội lực và mở rộng hợp tác quốc tế.

Báo Công thươngBáo Công thương26/04/2025

Thế giới đối mặt nhiều thách thức

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, năm 2025 chứng kiến kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều cơn gió ngược, khi tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại và căng thẳng thương mại leo thang. Bức tranh ảm đạm này được thể hiện rõ qua các báo cáo và dự báo từ các tổ chức uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), S&P Global Market Intelligence và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

IMF trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống chỉ còn 2,8% cho năm 2025, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn cũng không tránh khỏi xu hướng này.

Vượt sóng kinh tế thế giới, Việt Nam chủ động bứt phá
Kinh tế thế giới đối mặt "bão" tăng trưởng chậm. Ảnh: Thùy An

S&P Global Market Intelligence cũng đưa ra những con số tương tự, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 ở mức 2,2% và năm 2026 là 2,4%, đều thấp hơn so với các dự báo trước đó.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang nổi lên như một đối tác thương mại ổn định, được nhiều quốc gia lựa chọn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang tích cực đối thoại với nhiều nước như Canada, Ấn Độ, UAE và New Zealand để thúc đẩy thương mại đa phương. Dù cũng phải chịu thuế từ Mỹ, EU vẫn kiên định với chủ nghĩa đa phương và chuẩn bị đàm phán thương mại cấp cao với Trung Quốc.

Không chỉ có căng thẳng thương mại, giá cả hàng hóa thế giới cũng có nhiều biến động đáng chú ý trong thời gian qua. Giá cà phê quốc tế tăng mạnh do thời tiết cực đoan tại Brazil và Việt Nam, hai nước chiếm hơn 50% nguồn cung toàn cầu.

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu hiện nay, khu vực Trung Á nổi lên như một điểm sáng. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Á đạt 5,7% trong năm 2025, vượt qua cả Trung Quốc.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Á, cùng với các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong các lĩnh vực như xuất khẩu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, và hợp tác đầu tư.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam

Trái ngược với bức tranh kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá ấn tượng. GDP ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I của các năm trong giai đoạn 2020-2025.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 202,52 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, cho thấy lạm phát được kiểm soát ở mức tương đối ổn định. CPI bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong mục tiêu đề ra. Việc kiểm soát lạm phát giúp tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Vượt sóng kinh tế thế giới, Việt Nam chủ động bứt phá
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực. Ảnh: Cấn Dũng

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện trong quý I/2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Trong quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 đạt hơn 72.900 doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cho thấy sự phục hồi và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin người tiêu dùng và môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ và căng thẳng thương mại toàn cầu cũng tiềm ẩn rủi ro đối với dòng vốn và thương mại quốc tế của Việt Nam.

Để duy trì đà tăng trưởng và vượt qua các thách thức, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam cũng cần chủ động ứng phó với các rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là các tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại và các chính sách bảo hộ của các nước lớn. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước là những giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể "vượt sóng", bứt phá đi lên trong thời gian tới.
Lê Trang

Nguồn: https://congthuong.vn/vuot-song-kinh-te-the-gioi-viet-nam-chu-dong-but-pha-384982.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm