Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng “Đảng bộ số-chính quyền số”

Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư, một số dịch vụ công trực tuyến được triển khai, ứng dụng số hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch bước đầu có kết quả tích cực.Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển thì tiến độ chuyển đổi số của tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân01/04/2025

Để đưa quá trình chuyển đổi số đi vào hiệu quả và thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều giải pháp đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.

Chuyển mình mạnh mẽ nhờ nền tảng số

Ngành du lịch Quảng Bình xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để làm đòn bẩy đưa du lịch tỉnh phát triển. Tại sự kiện trưng bày thành tựu đổi mới sáng tạo diễn ra tại Thủ đô Hà Nội đầu tháng 10/2024, một số hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu của du lịch Quảng Bình được Tập đoàn Meta và Google lựa chọn để giới thiệu các công nghệ mới và sự hợp tác với Việt Nam.

Đó là tour thực tế ảo chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới đã được Tập đoàn Meta lựa chọn làm sản phẩm điển hình để giới thiệu việc ứng dụng chương trình quảng bá thông qua hệ thống thực tế ảo VR (Virtual Reality) của Meta - một phần của công nghệ vũ trụ ảo Metaverse.

Khi trải nghiệm sản phẩm du lịch này, khách có thể cảm nhận nét chân thật như đang đứng trong lòng hang động lớn nhất thế giới, giữa những khối thạch nhũ khổng lồ, nghe tiếng gió rít qua các khe đá và tận mắt chứng kiến vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tại không gian trưng bày của Google, hình ảnh những sản phẩm tiêu biểu của du lịch Quảng Bình như hang Sơn Đoòng, Phong Nha, làng du lịch Tân Hóa… trong bộ ảnh Kỳ quan Việt Nam (Wonder of Vietnam) trên Thư viện văn hóa Google được giới thiệu đã thu hút sự chú của các đại biểu và các bạn trẻ.

Xây dựng “Đảng bộ số-chính quyền số” ảnh 1

Hình ảnh du lịch Quảng Bình tại không gian trưng bày của Google.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, không chỉ hang Sơn Đoòng mà thời gian qua, đơn vị đã phối hợp các doanh nghiệp xây dựng nền tảng hệ thống du lịch thực tế ảo trên bản đồ số, công nghệ VR360 đối với các điểm du lịch, di tích danh thắng nổi tiếng để quảng bá, giới thiệu với du khách.

Đồng thời, sở phối hợp các đơn vị triển khai số hóa dữ liệu; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, quảng bá du lịch Quảng Bình trên các nền tảng số bằng nhiều ngôn ngữ.

Nhờ ứng dụng công nghệ số, đến nay, hệ thống dữ liệu về lưu trú, lữ hành, điểm đến tại Quảng Bình đã được kết nối dữ liệu thông suốt để khách du lịch dễ dàng tra cứu thông tin.

Mới đây, Báo Nhân Dân và đối tác đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình quảng bá du lịch thông qua lắp đặt bảng gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm gần) tại các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Đây như là công cụ để tỉnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về các sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng, các sản phẩm du lịch của địa phương.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước, tỉnh Quảng Bình đã triển khai ứng dụng Công dân số (QUANGBINH-S) giúp kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ứng dụng cung cấp ba nhóm chức năng chính với hơn 20 dịch vụ, tiện ích cơ bản, gồm: Tương tác với cơ quan chính quyền; truyền thông tin tức; nhóm tiện ích đô thị thông minh.

Người dân chỉ cần đăng nhập một lần bằng tài khoản đã đăng ký trên ứng dụng QUANGBINH-S sẽ sử dụng được tất cả các dịch vụ tiện ích có trong ứng dụng. Khi có thông tin từ cơ quan chức năng, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến người dân.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình Nguyễn Vĩnh Huế cho biết, thời gian tới, ứng dụng Công dân số tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện kết nối dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Đặc biệt, ứng dụng sẽ được nâng cấp, sử dụng phương thức đăng nhập bằng tài khoản của hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, hiện tất cả trung tâm xã, phường, thị trấn ở Quảng Bình có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng hơn 98,1% khu vực dân cư. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 74,3%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang là 72,2%.

Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh được triển khai phục vụ chuyển đổi số theo hướng công nghệ điện toán đám mây, được vận hành ổn định. Hơn 1.000 thủ tục hành chính của tỉnh được xây dựng, tích hợp, liên thông để cung cấp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Hướng đến Đảng bộ số, chính quyền số

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ chuyển đổi số của tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Quảng Bình xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chính quyền số đứng thứ 48, kinh tế số xếp 36, xã hội số xếp 33. Hệ thống cơ sở dữ liệu của các sở, ngành chưa có sự liên thông, tích hợp; khả năng khai thác và sử dụng hạn chế.

Mạng lưới viễn thông chưa phủ sóng rộng khắp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang là 72,2%, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước (82,3%).

Mặc dù tỉnh đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nhưng tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt 57,42%, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 70%.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng của các ngành, đơn vị, địa phương chưa bảo đảm số lượng; năng lực tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Doanh nghiệp địa phương chưa tận dụng tốt lợi thế chuyển đổi số, chỉ 58,5% số doanh nghiệp trong tỉnh có ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW và đạt được mục tiêu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực có lợi thế, tỉnh Quảng Bình vừa ký hợp tác với Tập đoàn Viễn thông-Công nghệ Quân đội (Viettel) để chuyển đổi số toàn diện nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Thỏa thuận hợp tác gồm 14 nội dung, trọng tâm là hợp tác triển khai hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, xây dựng mô hình “Đảng bộ số-chính quyền số” cấp tỉnh tại Quảng Bình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, chúng tôi mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ từ Viettel để đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống điều hành, quản lý dữ liệu tập trung, hiện đại cho Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.

Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị viễn thông, trong đó có Viettel để mở rộng mạng lưới viễn thông, bảo đảm phủ sóng 4G/5G đến vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó là triển khai hệ thống dữ liệu dùng chung, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các sở, ngành, nâng cao năng lực lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung.

Viettel hỗ trợ, hợp tác xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, giúp quản lý đô thị, an ninh, giao thông, y tế, giáo dục trên nền tảng dữ liệu số.

Bên cạnh đó, hợp tác nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện hơn, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ người dân sử dụng dễ dàng hơn. Thúc đẩy sử dụng định danh điện tử, chữ ký số trong giao dịch hành chính.

Với vai trò giữ vị trí số 1 về thiết lập hạ tầng số, chuyển đổi số ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị Viettel hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về công nghệ số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các doanh nghiệp địa phương; đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng kỹ năng số trong cộng đồng.

Để xây dựng hạ tầng số hiện đại, vừa qua, Viettel Quảng Bình đã khởi công xây dựng, nâng cấp tám trạm BTS nằm dọc trục đường 20 Quyết Thắng, trên địa bàn hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình Phạm Thanh nhấn mạnh, việc nỗ lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trạm BTS ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà còn là yếu tố quan trọng để phát triển chính quyền số, xã hội số ở khu vực này.

Đại diện lãnh đạo Viettel Quảng Bình cho biết, thời gian tới, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô lớn hơn thì công nghệ thông tin càng có ý nghĩa quan trọng công tác chỉ đạo, điều hành.

Trên tinh thần “khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”, Viettel sẽ tiếp tục đồng hành với địa phương trong việc phát triển mạng lưới, phủ sóng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để đáp ứng công cuộc chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

Nguồn: https://nhandan.vn/xay-dung-dang-bo-so-chinh-quyen-so-post869186.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm