Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm phát triển vùng di sản và công nghiệp xanh

Thực hiện, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, với trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân01/07/2025

Ngày 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 1674/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025. Theo đó, tỉnh Ninh Bình sẽ có 129 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 32 phường và 97 xã. Không gian phát triển mới sau sáp nhập có diện tích tự nhiên khoảng 3.942,61 km², quy mô dân số hơn 4,4 triệu người.

Việc hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, tổ chức lại không gian phát triển, tạo điều kiện giải phóng mọi nguồn lực đang bị phân tán và vượt qua giới hạn cũ về địa giới hành chính.

Đây là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian kinh tế, tăng cường năng lực kết nối vùng, nâng cao quy mô dân số và kinh tế, từ đó tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa các lợi thế trong phát triển các ngành trọng điểm như công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Ninh Bình.

Phát huy sức mạnh truyền thống vươn lên bứt phá


Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình là 3 miền đất mang đậm bản sắc riêng biệt, nhưng cùng hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử, con người sâu sắc và tương đồng. Việc hợp nhất 3 địa phương trong chiến lược sắp xếp các đơn vị hành chính, kinh tế của quốc gia sẽ mang lại không gian phát triển mới, nơi mà lợi thế địa lý, con người và truyền thống đang hòa quyện thành sức mạnh bứt phá.

Nhìn lại lịch sử, từ thời kỳ lập quốc dưới triều Đinh-Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, vùng đất ngày nay là tỉnh Ninh Bình (mới) chính là nơi tập trung quyền lực của quốc gia Đại Cồ Việt, nơi đặt kinh đô Hoa Lư và cũng là trung tâm quân sự-hành chính-kinh tế đầu tiên của nước ta thời kỳ đầu độc lập tự chủ. Lãnh thổ này, xưa lấy vùng Hoa Lư-Gia Viễn-Yên Mô (Ninh Bình) làm trung tâm, gọi là phủ Trường Yên và lấy vùng lân cận phía bắc (Hà Nam, Nam Định) là nơi tuyển quân và trấn giữ các cửa sông.

Đến thời Lý, Trần, vùng này thuộc lộ Sơn Nam, với các phủ trọng yếu như Trường Yên, Thiên Trường, giữ vai trò trung tâm chính trị, tôn giáo và quân sự phía nam kinh thành Thăng Long. Phủ Thiên Trường (Nam Định) còn là nơi phát tích của nhà Trần, từng được xem là "kinh đô thứ hai" của Đại Việt.

Dưới thời Hậu Lê, không gian hành chính được phân chia rõ hơn theo hệ thống thừa tuyên-phủ-huyện-tổng, nhưng vẫn coi phạm vi này là vùng Sơn Nam Thượng-Sơn Nam Hạ. Các phủ như Lý Nhân, Nghĩa Hưng, Trực Định, Yên Mô, Gia Viễn đều là địa danh quen thuộc, liên tục qua nhiều triều đại.

Thời Nguyễn, Vua Minh Mạng- người khai sinh ra hệ thống cai trị theo tầng bậc tỉnh-huyện-xã, đã sắp xếp vùng này vào tỉnh Nam Định có phạm vi bao gồm gần như toàn bộ 3 tỉnh hiện nay. Sau đó đến năm 1831, tỉnh Ninh Bình mới được tách ra.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I, vòng 2, tháng 4/1977.

Vào cuối thế kỷ XIX, dưới thời Pháp thuộc, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình được tách thành các tỉnh riêng biệt. Đến năm 1976, ba tỉnh được hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến ngày 26/12/1991, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Ngày 6/11/1996, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Nam Hà để tái lập tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh Hà Nam Ninh được chia tách thành ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam cho đến nay.

Quá trình phân, hợp, tái lập đơn vị hành chính trong lịch sử không chỉ phản ánh yêu cầu của từng thời kỳ phát triển, mà sâu xa hơn, còn cho thấy một thực tế: Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình là một không gian lịch sử-địa lý-văn hóa có nguồn gốc gắn kết sâu sắc cả về tự nhiên, văn hóa, kinh tế và vẫn là một cấu trúc vùng có tiềm năng vận hành thống nhất trong tư duy phát triển hiện đại.

Việc sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình không đơn thuần là điều chỉnh ranh giới hành chính, mà là sự khẳng định lại tính hợp lý về không gian phát triển, sự tương đồng về bản sắc văn hóa và khả năng tổ chức lại nguồn lực một cách hiệu quả, bền vững.

---Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy---

Chính từ nền tảng gắn kết ấy, việc sáp nhập không đơn thuần là điều chỉnh ranh giới hành chính, mà là sự khẳng định lại tính hợp lý về không gian phát triển, sự tương đồng về bản sắc văn hóa và khả năng tổ chức lại nguồn lực một cách hiệu quả, bền vững.

Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới thừa hưởng những giá trị tích lũy lâu dài về kinh tế-văn hóa-xã hội. Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình hội tụ nhiều tầng giá trị, được biết đến là những địa phương có nhiều di sản văn hóa lịch sử, danh thắng thiên nhiên, lễ hội truyền thống và sản phẩm du lịch đặc sắc, với gần 5.000 di tích các loại đã được kiểm kê.

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất. (Ảnh: baoninhbinh.org.vn)

Đặc biệt, văn hóa con người Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng là thực thể rất khó pha trộn. Dẫu mỗi nơi mang một sắc thái riêng, nhưng đều gặp nhau ở điểm chung: bền bỉ trước gian nan, thủy chung với cội nguồn, khát khao vươn lên bằng tri thức và nhân nghĩa. Chính con người, với bản lĩnh và truyền thống ấy là sức mạnh mềm làm nên nội lực vững chắc cho một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại mới.

Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kế thừa những giá trị truyền thống đã được hun đúc qua bao thế hệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, với nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới dựa trên giá trị các ngành công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến hết năm 2024, quy mô kinh tế ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng; 3 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo các địa phương đến nay chỉ còn dưới 1%.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Đến hết năm 2024, quy mô kinh tế ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Lễ hội Phủ Dầy tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Khu du lịch Tam Chúc.

Bái Đính-Tràng An.

Mở rộng không gian phát triển toàn diện



Việc hợp nhất ba tỉnh trong giai đoạn này, mở ra cơ hội hình thành không gian phát triển mới, gia tăng tính kết nối vùng và khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế của khu vực nam đồng bằng sông Hồng. Không còn giới hạn bởi địa giới hành chính, một không gian phát triển thống nhất được hình thành, nơi các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương được tích hợp, bổ trợ cùng nhau, tạo thành một động lực phát triển mới mạnh mẽ toàn diện và bền vững.

Với quy hoạch thống nhất từ hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế xuyên suốt từ miền núi, đồng bằng, ven biển, giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng giao thương, du lịch, logistics liên vùng.

Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu kinh tế và năng lực sản xuất, kết hợp tạo thành một chuỗi giá trị hoàn chỉnh để phát huy được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, dân số và diện tích cũng như cơ cấu kinh tế, xã hội của mỗi địa phương; đồng thời mở rộng không gian phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hóa, kinh tế du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ logistics. Đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57. Ưu tiên số hóa các ngành trụ cột như: Công nghiệp chế tạo, logistics, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại Phủ Lý, Hoa Lư, Nam Định, kết nối với hệ thống bệnh viện, các trường đại học, doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới nền kinh tế tri thức. Đồng thời, phát huy lợi thế nổi bật về du lịch sẽ là điểm tựa để phát triển mô hình kinh tế dịch vụ đa ngành, gắn với bảo tồn di sản và khai thác giá trị bản sắc địa phương.

Chùa Phi Lai Địa Tạng.

Tỉnh Ninh Bình hiện nay có nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo cơ bản, hình thành lực lượng lao động chất lượng cao, cơ cấu lao động đa dạng, cân đối, thúc đẩy phân công lao động nội vùng hợp lý, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và giảm chênh lệch phát triển giữa các khu vực.

Về văn hóa-xã hội, tỉnh Ninh Bình mới có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, nổi bật: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính; Nhà thờ Đá, Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự,  Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, quần thể Phủ Dầy… tạo nên một bản sắc phong phú có giá trị để xây dựng thương hiệu vùng di sản, trở thành điểm đến hấp dẫn cả về chiều sâu lịch sử lẫn trải nghiệm hiện đại.


Tỉnh Ninh Bình mới có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, nổi bật: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính; Nhà thờ Đá, Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự,  Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, quần thể Phủ Dầy… tạo nên một bản sắc phong phú có giá trị để xây dựng thương hiệu vùng di sản.

---Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy---


Về tổ chức không gian hạ tầng đô thị, công nghiệp và giao thông, tỉnh Ninh Bình hiện có nhiều khu công nghiệp, đô thị trung tâm, khu dân cư nông thôn, mạng lưới đường bộ, đường thủy đang được đầu tư nâng cấp. Cùng với đó, tỉnh chú trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là về hạ tầng chiến lược, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí và kinh tế di sản, không gian đô thị-nông thôn-sinh thái một cách hài hòa, bền vững.

Thực hiện mục tiêu kiến tạo không gian phát triển hiện đại và năng động, tỉnh Ninh Bình đang xây dựng thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mang bản sắc một trung tâm di sản của quốc gia, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Khu Công nghiệp Đồng Văn thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (cũ).

Xây dựng Ninh Bình thành cực tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng


 Chặng đường phía trước của tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Tôi kêu gọi sự đoàn kết chung sức, đồng lòng và quyết tâm hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mới của tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng; thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, có mô hình kinh tế xanh, bền vững, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo của cả nước và quốc tế; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng; thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại.

---Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy---

Các đại biểu thăm phường Hoa Lư

Các đại biểu tham quan mô hình của các dự án nhà ở xã hội, bệnh viện cao cấp và khu liên hợp thể thao 2.

Các đại biểu tham quan nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn.

Mô hình chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Khởi công xây dựng Tổ hợp nhà máy Thép Xanh Nam Định.

Trước hết và trên hết là phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, thống nhất và xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong điều kiện mới. Cuộc hợp nhất hành chính không được phép trở thành điểm đứt gãy trong mạch lãnh đạo, mà phải trở thành cú hích chiến lược để Đảng bộ tỉnh nâng tầm tư duy, đổi mới cách làm và khẳng định năng lực dẫn dắt trong bối cảnh vận động đa chiều của thực tiễn. Đây không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà là thước đo trực tiếp đối với bản lĩnh, tầm nhìn và hiệu lực của Đảng bộ trong toàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, xác lập rõ các đột phá chiến lược, siết chặt kỷ luật kỷ cương, phát huy dân chủ thực chất, tăng cường đoàn kết nội bộ, đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ tâm - đủ tầm - đủ trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu dẫn dắt tỉnh Ninh Bình bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Ninh Bình.

Hai là, khẩn trương chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh hợp nhất, coi là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa mở đường cho một giai đoạn phát triển mới. Việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội phải thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới và khát vọng vươn lên của một chỉnh thể hành chính-kinh tế-xã hội có quy mô lớn và năng lực phát triển cao.

Đây là cơ hội quan trọng để khơi dậy tinh thần đổi mới, củng cố niềm tin, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương và tạo nền tảng chính trị, tư tưởng vững chắc cho tỉnh Ninh Bình mới.

Ba là, củng cố và ổn định bộ máy chính quyền, bảo đảm sự vận hành thông suốt, hiệu quả của hệ thống chính trị trong bối cảnh mới. Việc tinh gọn tổ chức không chỉ để giảm chi phí mà quan trọng hơn là xây dựng được một nền hành chính hiện đại, phục vụ, liêm chính, hoạt động dựa trên dữ liệu, số hóa và năng lực quản trị tốt. Bộ máy phải là một thể thống nhất, vận hành với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, và lấy hiệu quả phát triển làm thước đo.

Bốn là, triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược phát triển, gắn với thực tiễn của tỉnh hợp nhất và tinh thần các nghị quyết lớn của Trung ương trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh vùng và tái cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp.

Dây chuyền sản xuất nhà máy ô-tô Huyndai Thành Công.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Với hơn 4 triệu dân, tỉnh Ninh Bình mới có lợi thế về quy mô dân số và lực lượng lao động trẻ. Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57. Ưu tiên số hóa các ngành trụ cột như: Công nghiệp chế tạo, logistics, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại Phủ Lý, Hoa Lư, Nam Định, kết nối với hệ thống viện, trường, doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới nền kinh tế tri thức.

Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn tỉnh là nhiệm vụ mang tính nền tảng trong quá trình sáp nhập. Cần rà soát, cập nhật kịp thời chính sách y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, phúc lợi nhằm ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-xã hội, giáo dục, truyền thông để lan tỏa bản sắc chung, tôn trọng sự đa dạng vùng miền, nuôi dưỡng niềm tin và cảm giác “thuộc về”. Đây là yếu tố then chốt, là sực mạnh mềm tạo sự đồng thuận xã hội, làm nền tảng cho phát triển bền vững và hài hòa của tỉnh Ninh Bình mới.

Mùa vàng Tam Cốc.

Cảnh quan nông thôn mới kiểu mẫu.

Khu du lịch Tam Chúc.

Nhà thờ Hưng Nghĩa.

Thủy đình tại Khu du lịch Bài Đính-Tràng An.

Sự hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam-Ninh Bình-Nam Định thành tỉnh Ninh Bình mang theo kỳ vọng của Nhân dân, mang theo khát vọng phát triển của cả vùng đất địa linh nhân kiệt, mang theo trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và lịch sử. Bài toán phát triển phía trước không hề dễ dàng, nhưng với tầm nhìn đúng đắn, hành động kiên định và sự đoàn kết cao độ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng: Ninh Bình sẽ vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển hài hòa giữa di sản - đổi mới - hội nhập - bền vững - hiện đại - nhân văn.

Đó cũng là sứ mệnh chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình mới sẽ quyết tâm thực hiện bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình.


Ngày xuất bản: 1/7/2025
Nội dung: Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình TRƯƠNG QUỐC HUY
Trình bày: XUÂN BÁCH-NGỌC BÍCH

Nguồn:https://nhandan.vn/special/Xay-dung-Ninh-Binh-tro-thanh-trung-tam-phat-trien-vung-di-san-va-cong-nghiep-xanh/index.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm