Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Xây nền' tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học

Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học có khó hơn dạy bậc THCS, THPT, nhất là khi nhiều em vẫn là "trang giấy trắng"? Đồng hành giúp con xây nền tiếng Anh từ tiểu học thế nào khi mà cha mẹ không giỏi ngoại ngữ này?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/05/2025

Nhiều băn khoăn của phụ huynh được giải đáp trong chương trình Tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên chủ đề "Học IELTS từ tiểu học, THCS được không?" diễn ra chiều 6.5, trực tuyến tại thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và qua kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.

ĐÒI HỎI NHIỀU CHẤT XÁM, SỰ SÁNG TẠO CỦA GIÁO VIÊN

Nghiên cứu sinh Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật DOL IELTS Đình Lực, cho biết nhiều học sinh (HS) tiểu học chưa tiếp xúc tiếng Anh bao giờ, nên ở bậc tiểu học, giáo viên (GV) phải xây nền tảng, tích lũy từ vựng, xây dựng thói quen, tư duy, phương pháp học cho các em. Khi nền đã "xây" chuẩn, thì sau này việc học dễ dàng hơn.

'Xây nền' tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học - Ảnh 1.

Các khách mời giải đáp băn khoăn về việc học tiếng Anh của học sinh tiểu học, THCS trong chương trình tư vấn trực tuyến tại Báo Thanh Niên

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

HS tiểu học có tâm lý khác với HS các cấp học lớn hơn nên phương pháp học tập phải nhẹ nhàng, không gây áp lực. "Điều quan trọng nhất ở bậc học này là xây dựng cho HS niềm yêu thích tiếng Anh, học để sử dụng được, không phải học để đi thi, lấy chứng chỉ", chị Như Quỳnh nói.

Chị Như Quỳnh, cũng đang là nghiên cứu sinh giáo dục học tại ĐH Reading (Vương quốc Anh), tốt nghiệp thạc sĩ hạng ưu, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (ĐH Nottingham, Vương quốc Anh), nói thêm: "Việc các em HS là "trang giấy trắng" tưởng chừng bất lợi, nhưng thực ra lại là một lợi thế rất lớn". Theo chị Như Quỳnh, khi chưa bị ảnh hưởng bởi những thói quen học sai hoặc học mẹo, HS tiểu học có thể được hướng dẫn từ đầu theo một phương pháp bài bản, khoa học và đúng đắn.

Chị Như Quỳnh cho hay sĩ số ở các trường tiểu học công lập thường đông nên GV có thể cho HS ghi lại những câu hỏi các em còn thắc mắc hoặc cắt nhỏ bài học ra để HS dễ tiếp thu kiến thức… Hoặc trong quá trình dạy học, GV có thể lồng ghép phim, đoạn nhạc để HS hứng thú học tập.

"Dạy cho các bạn nhỏ không dễ hơn đâu, kiến thức dạy có thể đơn giản hơn, nhưng phương pháp dạy là thử thách. Làm sao để các em thích thú, dễ tiếp thu kiến thức mới khó nên GV phải đầu tư nhiều chất xám, sáng tạo", chị Như Quỳnh chia sẻ.

CHA MẸ KHÔNG GIỎI TIẾNG ANH CÓ THỂ GIÚP CON HỌC?

Thạc sĩ Trần Anh Khoa, Giám đốc học thuật của DOL IELTS Đình Lực, cựu HS chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM chia sẻ: "Tôi được ba mẹ ủng hộ, tạo điều kiện để mình được học tiếng Anh từ nhỏ, ba mẹ tôi không giỏi tiếng Anh, nhưng tôi vẫn đạt 9.0 IELTS. Từ lớp 1, tôi là thủ khoa đầu vào chương trình tăng cường tiếng Anh trong trường tiểu học công lập. Hiện nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ phụ huynh và HS, kể cả khi phụ huynh không giỏi tiếng Anh vẫn có thể lọc nội dung phù hợp để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh sớm".

'Xây nền' tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học - Ảnh 2.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ học tiếng Anh

ẢNH: THÚY HẰNG

Thạc sĩ Đỗ Thị Ngọc Anh, giảng viên tại DOL IELTS Đình Lực, cho rằng việc ba mẹ không giỏi tiếng Anh hoàn toàn không ngăn cản ba mẹ giúp con học tiếng Anh hiệu quả. "Ví dụ, buổi tối lúc gia đình có thể bên nhau, ba mẹ chỉ cần dành ra 15 - 20 phút cùng con xem một đoạn video tiếng Anh, hoặc hát một bài ca tiếng Anh hay nghe một mẩu truyện ngắn... sau đó khuyến khích con bằng những câu hỏi đơn giản. Khi con đã tự tin nói tiếng Anh rồi, ba mẹ lắng nghe con chăm chú, con sẽ cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ và có động lực học tập tốt", chị Ngọc Anh khuyên.

TRẺ HỌC TIẾNG ANH PHẢI VUI, KHÔNG PHẢI "BỊ ÉP BUỘC"

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, HS tiểu học sẽ nghỉ hè, đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để các bạn học tiếng Anh. Thạc sĩ Trần Anh Khoa cho rằng để trẻ em học tiếng Anh hiệu quả, cần phải xây dựng hành trình vui vẻ, thoải mái. Ví dụ phụ huynh nên chọn chủ đề, lĩnh vực mà các con mình yêu thích để học như âm nhạc, phim ảnh, hoặc chọn cuốn sách mà con yêu thích. "Học tiếng Anh" là khái niệm chung chung, khá rộng và có thể gây áp lực lên trẻ. Vì vậy phụ huynh nên cụ thể hóa bằng các "đầu việc". Ví dụ như ngày thứ hai cho con đọc mẩu truyện bằng tiếng Anh, ngày thứ ba, xem video tiếng Anh, thứ tư cùng nói chuyện với người nước ngoài…

Về thời lượng học, thạc sĩ Anh Khoa cho rằng với HS tiểu học, không nên ngồi học quá 2 tiếng mỗi ngày. Tránh tình trạng học nhồi nhét, biến tiếng Anh thành môn "học thuộc lòng" gây áp lực. Cốt lõi vẫn là tạo môi trường tiếp xúc đều đặn, khơi gợi sự tò mò, hứng thú và khả năng tư duy khi học ngôn ngữ.

Thạc sĩ Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc thị trường VN của Cơ quan Giáo dục New Zealand, Tổng lãnh sự quán New Zealand, dẫn ra câu chuyện dạy học tiếng Anh cho du học sinh ở New Zealand. Việc giao tiếp bằng tiếng Anh không chỉ gói gọn trong lớp học mà còn có những hoạt động như tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa hay nói chuyện với người dân địa phương, tham gia bán các sản phẩm để gây quỹ từ thiện...

Những hoạt động này giúp HS học tiếng Anh không chỉ trong môi trường học thuật mà còn trong thực tế, đời sống hằng ngày.

Còn nghiên cứu sinh Hà Đặng Như Quỳnh cho rằng việc học tiếng Anh không phải là bắt chước cách phát âm chỉ của người Anh hay người Mỹ. HS tiểu học cần tiếp xúc nhiều cách phát âm từ nhiều quốc gia như tiếng Anh-Anh, Anh-Mỹ, Anh-Ấn, Anh-Trung…; tiếp xúc nhiều nền văn hóa, vùng miền để sau này khi đi du học, đi du lịch cũng có thể giao tiếp được.

Chuẩn bị IELTS cho nhu cầu du học

Thạc sĩ Bành Phạm Ngọc Vân cho hay thời gian qua nhu cầu cho con du học ở độ tuổi THCS và THPT đang tăng, bởi nhiều lợi ích. Các du học sinh ở độ tuổi này cũng có sự chuẩn bị sớm, như chứng chỉ IELTS. Các trường trung học ở nước ngoài như New Zealand không có quy định về chuẩn đầu vào ở mỗi cấp lớp khi du học bậc trung học. Như vậy, để biết được trình độ tiếng Anh của HS, các em cần phải làm một bài kiểm tra hoặc phỏng vấn với các thầy cô phụ trách. Đây cũng là điều khá áp lực với các bạn ở độ tuổi này, song nếu có sự chuẩn bị từ trước như một chứng chỉ quốc tế thì các bạn đã có "vé vào thẳng" chương trình học phù hợp với mình.

Mặt khác, theo chị Ngọc Vân, New Zealand đang vận hành chương trình học bổng Chính phủ bậc trung học (NZSS), và một trong những điều kiện để ứng tuyển là phải có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 với HS lớp 8, 9 và 10.

Học IELTS từ tiểu học có "nặng" và "quá sớm"?

Thạc sĩ Trần Anh Khoa cho biết đây là những băn khoăn rất phổ biến và anh đồng ý một phần. "Nếu như GV bưng nguyên chương trình IELTS cho người lớn tuổi vào HS nhỏ tuổi thì không phải là quyết định khôn ngoan. Bởi HS tiểu học thì tâm sinh lý khác nên khó tiếp thu. Nhưng nếu chúng ta điều chỉnh học IELTS về tài liệu, phương pháp thì có thể dạy IELTS cho các em hiệu quả", thạc sĩ Anh Khoa nói.

Chị Ngọc Vân cho hay việc học và thi chứng chỉ quốc tế như một kim tự tháp với 3 tầng, trong đó tầng đáy là nền tảng, nơi các HS sẽ học kỹ năng tiếng Anh, học cách tư duy ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp... Tầng 2 là phát triển, mở rộng và nâng cao vốn từ vựng... Tầng 3 là tầng luyện đề. Ở bậc tiểu học, các em nên học tầng 1 là 80% và tầng 2 chỉ nên là 20%. Như vậy, dù IELTS hay kỳ thi nào thì các bạn vẫn có thể xây dựng năng lực thực chất, niềm đam mê tiếng Anh.

Nguồn: https://thanhnien.vn/xay-nen-tieng-anh-cho-hoc-sinh-tu-tieu-hoc-18525050622332779.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm