Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xe tự chế "3 không" ngang nhiên chở hàng ở Nghệ An: Tiện lợi nhất thời, nguy hiểm khôn lường

Không kính chắn gió, không đèn chiếu sáng, hệ thống phanh và cần số rỉ sét, phía trước gắn động cơ cũ kỹ… những chiếc xe công nông tự chế vẫn rầm rập lao dốc, chở nông sản, vật liệu... tại nhiều địa phương ở Nghệ An. Phía sau sự tiện lợi ấy là hiểm họa giao thông hiện hữu.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An06/07/2025

Clip: Văn Trường
van truong 2
Xe công nông tự chế vượt dốc để vận chuyển keo tại xã Mường Choọng. Ảnh: Văn Trường

Đối với nhiều hộ nông dân ở Nghệ An, xe công nông tự chế từ lâu được xem như “đầu cơ nghiệp”, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyên chở nông sản, vật liệu và phục vụ đời sống sản xuất hằng ngày. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là hàng loạt bất cập đáng báo động.

Phần lớn các phương tiện này được lắp ráp thủ công, không qua kiểm định kỹ thuật, hệ thống phanh, đèn, còi đều thiếu hoặc hư hỏng, khiến xe vận hành trong tình trạng mất an toàn nghiêm trọng. Những chiếc xe thô sơ ấy không chỉ là nỗi ám ảnh trên các tuyến đường, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.

van truong 4
Theo chia sẻ của người dân, phía trước công nông tự chế được gắn động cơ máy nổ có tên là Đông Phong. Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại xã Mường Choọng (trước đây thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) vào đầu tháng 7, dễ dàng bắt gặp hàng loạt xe công nông tự chế hoạt động trên các quả đồi. Những chiếc xe không kính chắn gió, không đèn chiếu sáng, hệ thống phanh và số rỉ sét, lỏng lẻo, phía trước gắn động cơ máy nổ có tên là Đông Phong.

Khi chất đầy keo, xe rú máy, nhả khói đen mù mịt, lao dốc với tốc độ cao khiến người chứng kiến không khỏi lo lắng.

Một người lái xe chia sẻ: “Xe này tôi tự chế để chở keo từ trên đồi xuống, nhờ có nó mà đỡ phải gánh vác thủ công. Nhưng đúng là xe không đảm bảo an toàn đâu, cũng từng trượt bánh mấy lần”.

van truong 1
Bên trong một chiếc xe công nông tự chế, hệ thống phanh và cần số đã rỉ sét, lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi vận hành. Ảnh: Văn Trường

Ông Vi Văn Chiến, một người dân địa phương, bày tỏ lo ngại: “Loại xe công nông này nhiều lắm, thấy là phải tránh xa. Có lần xe lật khi chở keo từ đồi xuống, may mà tài xế chỉ xây xát nhẹ”. Thực tế cũng đã có nhiều vụ va chạm nghiêm trọng hơn dẫn đến thương vong do xe tự chế gây ra.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND xã Mường Choọng (xã Châu Lý cũ), địa phương có diện tích trồng keo lớn, địa hình đồi núi hiểm trở nên người dân thường sử dụng xe công nông tự chế để vận chuyển từ rừng ra đường lớn, sau đó mới có xe tải chở đi tiêu thụ. “Chúng tôi đã tuyên truyền để bà con hiểu rõ nguy cơ và hạn chế sử dụng, về lâu dài cần phải có giải pháp để thay thế loại xe này” - bà Nhàn cho biết.

van truong 56
Phần lớn xe công nông tự chế chở keo ở xã Mường Choọng đều đã cũ nát, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn, thương tích. Ảnh: Văn Trường

Không chỉ ở Mường Choọng, tại các xã như Bạch Ngọc, Yên Thành, Vân Tụ..., xe công nông tự chế hoạt động rầm rộ, từ chở đất, cát đến bê tông, lúa gạo. Những chiếc xe đầu dọc rầm rập lao trên đường làng với tốc độ cao, không đèn tín hiệu, không còi báo, khiến người dân bất an.

Đáng lo hơn, một số xe chở vật liệu cồng kềnh còn che khuất tầm nhìn của tài xế, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thọ Hà - người dân ở xã Yên Thành chia sẻ: “Xe này ra đường không phanh không đèn, nguy hiểm lắm. Đã từng có vụ xe chở lúa lao xuống mương rồi”.

van truong met
Những chiếc xe công nông tự chế chở đất ở xã Bạch Ngọc không có kính chiếu hậu, rất thiếu an toàn, dễ gây tai nạn. Ảnh: Văn Trường

Hiện tượng xe công nông cũ nát, không cửa kính, không còi, không hệ thống phanh an toàn, còn được gắn thêm thùng trộn bê tông và ngang nhiên chạy trên các tuyến đường chính đang trở thành mối lo chung của toàn xã hội. Hầu hết các xe này được lắp ráp từ động cơ cũ, tự chế bởi người dân hoặc các xưởng cơ khí nhỏ, không qua kiểm định, không đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều đợt tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của ngành chức năng, nhưng tình trạng xe công nông tự chế vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân vùng nông thôn khá cao, trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép mua sắm phương tiện chuyên dụng đảm bảo an toàn hơn; cùng với đó là tâm lý xuề xoà, chủ quan của một bộ phận người sử dụng.

van truong 478
Một xe công nông tự chế nghênh ngang đi trái đường khi chở vật liệu tại xã Yên Thành, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Văn Trường

Việc sử dụng xe công nông tự chế không chỉ vi phạm các quy định về an toàn giao thông, mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Những chiếc xe này không đủ điều kiện để lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là đường quốc lộ, tỉnh lộ có lưu lượng xe lớn. Việc không được kiểm soát kỹ thuật khiến tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là khi xe lao dốc, chở quá tải hoặc điều khiển bởi người không có bằng lái.

van truong 34
Dù tầm nhìn bị che khuất, tài xế xe công nông tự chế vẫn chất hàng lên cao, di chuyển trên Quốc lộ 7, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: Văn Trường

Trước thực trạng trên, người dân các địa phương ở Nghệ An bày tỏ mong muốn lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết tạm giữ phương tiện vi phạm và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cần có những giải pháp lâu dài như hỗ trợ chuyển đổi phương tiện an toàn, tổ chức các chương trình tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ rủi ro từ việc sử dụng xe tự chế.

van truong 45
Một xưởng sản xuất và sửa chữa xe công nông tự chế ở xã Quan Thành. Ảnh: Văn Trường

Đã đến lúc không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước hiểm họa từ xe công nông tự chế. Bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn cần sự đồng lòng từ mỗi người dân trong việc từ bỏ thói quen nguy hiểm này.

Theo Chỉ thị số 46 ngày 9/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 ngày 28/12/2007 của Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải (cũ) thì các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ ngày 1/1/2008. Xe tự chế cũng được xác định bao gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh.

Điểm b, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Nguồn: https://baonghean.vn/xe-tu-che-3-khong-ngang-nhien-cho-hang-o-nghe-an-tien-loi-nhat-thoi-nguy-hiem-khon-luong-10301672.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm