Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, thực tế tiến độ triển khai đang còn chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk29/04/2025

Theo quy định, một trong những điều kiện cơ bản để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là đối tượng thụ hưởng phải có đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ, đất không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch... Trong khi đó, thực tế hiện còn rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa có đất ở; nhiều hộ có đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ...

Đơn cử, huyện Lắk có 740 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó xây mới 633 căn, sửa chữa 107 căn. Tính đến ngày 15/4/2025, 11/11 xã, thị trấn đã khởi công xây mới được 327 căn nhà. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như: một số đối tượng không có đất ở, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung nông thôn; một số hộ dân có nhu cầu tự xây theo mẫu và có chi phí đối ứng cao không đồng ý xây theo mẫu nhà quy định nên địa phương phải tổ chức rà soát lại, thay đổi đối tượng hỗ trợ để bảo đảm đúng theo quy định hướng dẫn; nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm, phải vận chuyển từ nhiều nơi nên mất thời gian và tốn kém...

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra tình hình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin).

Hay như tại huyện Krông Năng, lý do chính dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng gặp khó khăn là do vướng về thủ tục đất đai. Theo số liệu thống kê của địa phương, trên địa bàn huyện có 54 trường hợp có đất thuộc diện thu hồi của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng và 57 trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, một số hộ dân không đồng ý với kích thước, mẫu thiết kế vì không phù hợp với diện tích đất hiện có của người dân và mẫu nhà theo phong tục, tập quán của địa phương, đề nghị được góp thêm vốn để mở rộng diện tích xây nhà...

Thêm vào đó, hiện tại nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đang thiếu, không đủ cung ứng cho các nhà thầu, đặc biệt tại các địa phương như huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Bông... nên chưa thể triển khai xây dựng đồng loạt.

Trước những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, với những vướng mắc về đất đai, ngày 15/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã ban hành Văn bản số 1066/BNNMT-QLĐĐ hướng dẫn các địa phương bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở. Theo đó, Bộ NN&MT đề nghị, trong quá trình thực hiện việc bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở, các địa phương cần chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy trình rút gọn và không thu phí. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, địa phương cần có chính sách khuyến khích người dân thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật để kịp thời xây dựng nhà ở.

Căn nhà được hỗ trợ xây mới của một hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Liêng (huyện Lắk) bên cạnh căn nhà tôn tạm bợ.

Rà soát diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường để công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất mà có giấy tờ của nông, lâm trường trước ngày 1/7/2004; hoặc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai để giao cho người dân không có đất ở theo quy định. Đặc biệt, các địa phương rà soát, ưu tiên bố trí đất ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định.

Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Minh Huấn cho biết, hướng dẫn của Bộ NN&MT sẽ giúp các địa phương tháo được "nút thắt" trong việc bố trí đất cho các hộ thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Hiện đơn vị đang tổng hợp những kiến nghị của địa phương và sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng vấn đề rõ hơn để địa phương triển khai thực hiện.

Đối với vấn đề thiếu nguyên vật liệu xây dựng, theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã tháo gỡ bằng cách kêu gọi các đơn vị lớn cung ứng vật liệu về sắt thép, xi măng và giới thiệu với các nhà thầu, đơn vị thi công để làm việc trực tiếp với giá thành tốt nhằm bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ thi công…

Về việc thay đổi đối tượng thụ hưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Nguyễn Đình Trung đề nghị các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải rà soát lại đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà theo đúng quy định; trước mắt tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và đang thực sự cấp thiết về nhà ở; đồng thời, lãnh đạo địa phương cần chủ động, nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu đến hết ngày 31/10/2025 xóa 7.312 căn nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh. Tính đến ngày 13/4, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 2.943 căn nhà (đạt 40,25% kế hoạch); trong đó, xây mới 2.722 căn, bàn giao đưa vào sử dụng 135 căn.

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202504/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-go-vuong-de-day-nhanh-tien-do-42021fe/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm