Khẩu hiệu “5 không, 2 phải”, đó là: Không thực hiện, không tham lam, không kết bạn, không chuyển khoản, không đầu tư và phải thường xuyên cảnh giác, phải tố giác ngay với cơ quan công an.

Đối tượng Nguyễn Nhật Huy bị Công an TP. Huế bắt giữ sau thời gian trốn truy nã và tham gia đường dây lừa đảo qua mạng tại Campuchia 

Ngày càng tinh vi

Đầu tháng 3 vừa qua, nữ sinh N.T.T. (năm 3 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế) bị kẻ xấu lừa đảo số tiền 65 triệu đồng. Sinh viên này nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là cơ quan công an và đe dọa với nội dung liên quan đến một đường dây rửa tiền. Do bị đe dọa và thao túng tâm lý nên T. đã chuyển 65 triệu đồng vào tài khoản do số điện thoại lừa đảo cung cấp. Sau khi phát hiện bản thân bị lừa, T. đã báo cáo với nhà trường và được hướng dẫn đến cơ quan công an để trình báo.

Theo chia sẻ của nữ sinh T., dù bản thân đã biết đến thủ đoạn lừa đảo này trên mạng, nhưng do bất ngờ, bị động nên dẫn đến hoang mang, lo lắng và đã làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.

Trước đó, vào tháng 2/2025, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế phát đi cảnh báo có một đối tượng giả mạo văn bản của nhà trường về tổ chức hoạt động giao lưu sinh viên và cấp học bổng ngắn hạn từ Úc; sau đó, phát tán rộng rãi đến nhiều giảng viên, sinh viên. Đáng chú ý, văn bản yêu cầu các sinh viên nhà trường nếu muốn tham gia phải làm các thủ tục như nộp sơ yếu lý lịch, sao kê chứng minh tài chính với số dư tối thiểu 500 triệu đồng… Trường Đại học Sư phạm khẳng định không phát đi văn bản này và các thông tin, chữ ký, con dấu trong thông báo đều là giả. Nhà trường cũng đã trình báo Công an TP. Huế về vụ việc để được hỗ trợ điều tra làm rõ.

Thông tin từ Công an TP. Huế, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.

Các đối tượng chủ yếu ở nước ngoài, hình thành các đường dây liên kết, tổ chức chặt chẽ, sử dụng nhiều thủ đoạn để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Triển khai đợt cao điểm

Trước xu hướng có phần gia tăng trong thời gian qua, UBND TP. Huế đã ban hành Kế hoạch số 122 thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

 Trong đó, tập trung vào một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% hộ dân được tuyên truyền; 100% cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn bộ người lao động; xây dựng và duy trì ít nhất 1 mô hình phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại mỗi địa bàn cấp xã về phòng ngừa tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 100% tin báo, đơn thư tố giác liên quan tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng được tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời theo quy định…

Theo Công an TP. Huế, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đặc biệt là tập trung vào tuyên truyền theo khẩu hiệu “5 không, 2 phải”.

Công an TP. Huế tăng cường các biện pháp công tác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; quyết tâm làm giảm, hạn chế thấp nhất số vụ và số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/5-khong-2-phai-ngan-chan-lua-dao-tren-khong-gian-mang-152134.html