Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới

(Dân trí) - Xuất phát điểm chậm hơn thế giới 40 năm, ngành ghép tạng Việt Nam phải chạy nước rút ngay từ những bước đầu tiên. Tới nay chúng ta là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam á về lĩnh vực này.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/04/2025


Những "lần đầu tiên" ghi tên Việt Nam lên bản đồ ghép tạng

4/6/1992, thực hiện ca ghép thận đầu tiên thành công

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 1

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 2

Ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên được Việt Nam thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103, với sự tham gia của chuyên gia đầu ngành nhiều bệnh viện trong nước. Ca mổ còn có một chuyên gia Đài Loan tham gia trực tiếp.

Trước đó một năm, Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo ghép thận quốc gia. Sau khi ban chỉ đạo được thành lập, chúng ta đã cử các bác sĩ sang Cuba học về kỹ thuật ghép tạng.

Ca ghép tạng đầu tiên diễn ra "thiếu thốn đủ điều" từ kinh nghiệm cho đến thiết bị, thời gian hồi phục sau ghép tạng chậm, thế nhưng lại là tiền đề mở ra cơ hội sống tiếp cho hàng nghìn người Việt bị suy tạng sau này.

31/1/2004, thực hiện ca ghép gan đầu tiên thành công  

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 3

Các y bác sĩ trong ê-kíp ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện 103).

Ca ghép gan đầu tiên Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103.

Trong cuộc đại phẫu này, hơn 100 bác sĩ bắt tay vào ca ghép gan cứu bé gái 10 tuổi Nguyễn Thị Diệp bị chứng bệnh teo đường mật bẩm sinh đe dọa tính mạng. Ca ghép thành công sau 17 tiếng căng thẳng trong phòng mổ.

5/2010, ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não

Luật hiến mô tạng từ người cho chết não ra đời năm 2007 thì năm 2009, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đăng ký đề tài cấp nhà nước để hiện thực hóa luật đó.

Tháng 5/2010, từ ca hiến tạng sau chết não đầu tiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành ca đại phẫu với sự tham gia của 50 y, bác sĩ. Trải qua 6 giờ đồng hồ, lá gan và 2 quả thận của bệnh nhân đã giúp thắp lên sự sống cho 3 sinh mệnh đứng trước cửa tử vì bệnh tật.

17/6/2010, thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 4

Các y bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân của ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện 103).

Anh Bùi Văn Nam được tiến hành ghép tim ngày 17/6/2010, lúc 48 tuổi. Sau ca đại phẫu kéo dài nhiều giờ đồng hồ, trái tim của một bệnh nhân chết não 29 tuổi tiếp tục đập trong lồng ngực của người đàn ông này.

Ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện 103 thành công đã đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ ghép tim thế giới.

1/3/2014, ghép đa tạng thành công trên một bệnh nhân

Sau 13 giờ đồng hồ đại phẫu, người phụ nữ 43 tuổi bị đái tháo đường, suy thận đã được các bác sĩ Bệnh viện 103 ghép thành công thận và tụy từ người hiến chết não.

Đây cũng là ca ghép đa tạng (hai tạng trên một người bệnh) đầu tiên mà các y bác sĩ Việt Nam thực hiện được.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ghép đa tạng trên cùng một bệnh nhân phức tạp hơn rất nhiều so với ghép đơn. Việc làm chủ các kỹ thuật phức tạp góp phần giúp bác sĩ Việt khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế.

Ngày 4/9/2015, ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên

Trưa 4/9/2015, Trung tâm điều phối ghép tạng nhận được tin báo từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy về trường hợp người cho chết não hiến tạng.

Ngay lập tức, một kíp bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên đường vào TPHCM, phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não.

Tạng hiến được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng và ngay lập tức kíp bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ra sân bay Tân Sơn Nhất để vận chuyển "kiện hàng" đặc biệt này về Hà Nội.

Trong lúc "kiện hàng" đặc biệt được vận chuyển, các bác sĩ chuẩn bị cho ca ghép gan và tim. Khi tạng về đến viện, hai ca mổ ghép tiếp tục ngay trong đêm và hoàn tất sáng ngày 5/9/2015.

27/10/2020, Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng cuối cùng

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 5

Hai bệnh nhân được ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103 đều là những trường hợp ruột đã mất hoàn toàn chức năng tiêu hóa (Ảnh: Bệnh viện 103).

Liên tiếp trong 2 ngày 27-28/10/2020, các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam.

Theo chuyên gia, ghép ruột là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất. Đây cũng là tạng cuối cùng trong nhóm 6 tạng không thể thay thế chức năng (thận, gan, tim, tụy - thận, phổi, ruột) được y học thế giới cũng như Việt Nam thực hiện ghép thành công.

Thời điểm đó, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có thể làm chủ được kỹ thuật này.

15/2/2023, lần đầu tiên Việt Nam ghép đa tạng tim - thận thành công

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 6

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 7

Ngày 15/2/2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng tim - thận đầu tiên tại Việt Nam.

Người được nhận tạng là anh T.T.Q., 37 tuổi, cư trú ở tỉnh Gia Lai, bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.

Ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp.

Ngày 1/10/2024, Việt Nam thực hiện ca ghép đồng thời tim - gan đầu tiên

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 8

Ca ghép tim - gan đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Ngày 1/10/2024, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, một ca ghép đồng thời tim và gan đã được thực hiện thành công. Đây là ca mổ chưa từng có tiền lệ, chỉ được ghi nhận ở một vài quốc gia có nền y học tiên tiến như Mỹ và châu Âu.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 9

Các bác sĩ kiểm tra tình trạng người hiến (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Người hiến tạng là một chàng trai 36 tuổi quê Nghệ An, không may gặp tai nạn giao thông và được xác định chết não. Trong nỗi đau tột cùng, gia đình đã đưa ra quyết định dũng cảm: hiến toàn bộ tạng của anh để cứu những người xa lạ.

Người nhận là anh Đ.V.H., 41 tuổi, ở Hà Nội, bị suy tim và suy gan giai đoạn cuối, đang được duy trì sự sống bằng ECMO và thuốc vận mạch.

Ngay khi nhận được thông tin hiến tạng, bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ, điều phối hai ê-kíp chuyên biệt vượt hơn 300km trong đêm để đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện lấy tạng.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 10

Trái tim và lá gan được vận chuyển hơn 300km (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Cuộc đại phẫu kéo dài hơn 8 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy tụ hàng chục y bác sĩ từ các chuyên khoa. Mỗi khâu đều phải chính xác đến từng phút, từng động tác.

Tối muộn hôm ấy, trái tim của người hiến đã đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực người xa lạ. Lá gan cũng hoạt động, tiết mật đều đặn. Sau 5 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và tự thở trở lại, hồi phục dần trong niềm xúc động của cả ê-kíp.

Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,  sự thành công của ca ghép đồng thời cả tim và gan cho một người bệnh là một mốc son mới đáng tự hào trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 11

Ca ghép tim - gan đầu tiên được thực hiện trong 8 giờ đồng hồ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam sánh vai với các cường quốc y tế trên thế giới. Thậm chí, nhiều nước phát triển hơn, có nền y tế tiên tiến hơn Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật này", TS Hùng chia sẻ.

Những phận người được tái sinh từ mảnh ghép sinh mệnh

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 12

Một bệnh nhân được ghép thận từ tạng hiến của người cho chết não (Ảnh: Mạnh Quân).

Có ý thức trở lại sau ca đại phẫu ghép gan, anh Nguyễn Xuân Tài, 46 tuổi, quê ở Nam Định cảm thấy mình như được tái sinh.

Năm 2009, anh Tài phát hiện bị viêm gan B, rồi nhanh chóng bị suy gan giai đoạn cuối.

"Kết quả chẩn đoán anh bị suy gan chỉ còn phương án cuối cùng là ghép gan khiến tôi ngã quỵ. Thương anh, thương 3 đứa nhỏ", chị Trần Thị Thoa - vợ anh Tài nhớ lại ngày nhận tin dữ, khẽ gạt nước mắt.

3 tháng "sống mòn" trên giường bệnh chờ được ghép gan, anh Tài ví mình như cái cây héo rũ. Người "không còn gì cả", ăn không được, ngủ không được.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 13

Nam bệnh nhân được ghép tim - thận đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Tối qua là giấc ngủ "thực sự" đầu tiên của tôi sau 3 tháng. Hạnh phúc không thể tả", anh Tài mỉm cười, bày tỏ lòng biết ơn với chủ nhân của lá gan mà mình đang mang trong người.

Với cô bé 11 tuổi Tô Thanh Nhàn (Lạng Sơn), trái tim mới đập trong lồng ngực em đã thắp lên 2 sự sống, sự sống của chính em và của người mẹ đau đớn, mỏi mòn trong những tháng ngày đợi con được ghép tim.

Trong một năm suy tim chờ ghép, không biết bao lần bé nhập viện cấp cứu, rồi nằm viện triền miên. Đến lúc thuốc, máy móc… gần như không thể duy trì cho trái tim nhỏ bé ấy được đập nữa, thì "phép màu" đến, khi bác sĩ thông báo, em sắp có một quả tim mới để ghép, đó là "món quà" của một thanh niên vừa từ giã cõi tạm.

Gia đình đồng ý để trái tim của con mình sẽ tiếp tục đập trong lồng ngực của một bệnh nhân khác, và em là người được lựa chọn.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 14

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 15

"Nhìn thấy con chỉ qua kính phòng cách ly, trái tim tôi nghẹn lại vì cảm thấy hạnh phúc, may mắn. Bao lần nghĩ đến cảnh con còn nhỏ bé nhưng sẽ rời xa mình mãi mãi, nỗi đau như ai xát muối vào vết thương. Mỗi ngày, tôi đều thắp hương cầu nguyện cho con. Giờ đây, tôi cầu nguyện cho cả linh hồn chàng trai đã tặng con mình cả trái tim.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 16

Bé gái được ghép tim thành công (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bé Nhàn chia sẻ, em mong muốn mình sẽ luôn khỏe mạnh, học thật giỏi để sau này lớn lên làm bác sĩ, cứu những người bệnh như em.

Một bệnh nhân khác, bác Trần Ngọc Thanh, 59 tuổi, trú tại Điện Biên, đã được ghép gan 15 năm.

Trước đó, năm 2010, khi được chẩn đoán mắc bệnh gan giai đoạn cuối, bác Thanh rơi vào tình trạng nguy cấp và cơ hội duy nhất để tiếp tục sống là ca ghép gan đầy thách thức.

Bác Thanh nhớ lại, thời điểm nằm viện để chờ ghép gan, bản thân ông nghĩ số mình sắp tận. Người nhà đau khổ, day dứt vì khi đó ông còn quá trẻ nhưng cuộc sống gắn liền với giường bệnh, có thể ra đi bất cứ lúc nào vì suy gan giai đoạn cuối.

"Nếu không được ghép gan, tôi sẽ không còn cơ hội sống. Ngay cả khi được thông báo có nguồn gan hiến, tôi được chọn vì tương thích, vì tình trạng nặng, thì tâm trạng tôi vẫn 50-50 vì không biết sau ghép sẽ như thế nào.

Không ngờ, 15 năm qua, tôi được sống cuộc đời mới, trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh. Dù vẫn phải uống thuốc thải ghép mỗi ngày, nhưng tôi vẫn đi làm thợ xây, rồi nương rẫy, sinh hoạt bình thường", bác Thanh tâm sự.

Đó chỉ là 3 trong số hơn 9.300 người bệnh đã được hồi sinh nhờ ghép tạng. Ca ghép gan đầu tiên từ năm 2007, đến nay cả người nhận và người hiến gan đều khỏe mạnh. Với ghép thận, người bệnh sống thêm vài chục năm, thận hỏng lại có thể thay thế nếu có nguồn thận ghép…

Những ca mổ 100 người và sứ mệnh giúp cái chết thắp lên sự sống

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, người thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não cho biết, ca ghép của bệnh nhân Thanh đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 17

Đến nay, các kỹ thuật, tay nghề ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém gì thế giới.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết

Đây là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.

Theo PGS Quyết, ghép tạng là cơ hội mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân suy tạng. Đến nay, các kỹ thuật, tay nghề ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém gì thế giới. Nếu có thêm nhiều nguồn tạng hiến từ người cho chết não, sẽ có thêm nhiều cuộc đời được hồi sinh.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 18

Mỗi ca ghép tạng là một cuộc hiệp đồng đa binh chủng (Ảnh: Mạnh Quân).

TS.BS Dương Đức Hùng đánh giá, từ những ca ghép tạng đầu tiên đầy khó khăn, đến nay, Việt Nam đã tổ chức các cuộc ghép đa tạng đồng thời, với ê-kíp hàng trăm con người đều là nhân viên y tế trong nước.

Từ những ca đầu hơn chục giờ đồng hồ, thì tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện ghép thận chỉ còn khoảng 2-3 giờ, ghép gan 4-5 giờ, ghép tim trở thành thường quy, tiệm cận với thời gian của các nước trong khu vực và trên thế giới.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 19

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam sánh vai với các cường quốc y tế trên thế giới.

TS.BS Dương Đức Hùng Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Bước tiến này được đánh đổi bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ y bác sĩ của bệnh viện.

Theo các chuyên gia, ghép tạng là đỉnh cao của y học. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 20

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 21

Khi một con người từ giã cõi đời thì ở một nơi khác, nhiều cuộc đời khác đã được cứu sống nhờ vào những mảnh ghép sinh mệnh người đó để lại.

Một người hiến chết não có thể giúp cho 10 người được ghép tạng. Trong đó, với những bệnh nhân bị ung thư gan, suy tim, suy hô hấp… ghép tạng gần như là cơ hội duy nhất để sống tiếp.

Ghép tạng: Niềm tự hào của y học Việt Nam

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: "Ghép mô, tạng là thành tựu y học quan trọng, giúp cứu sống và cải thiện chất lượng sống cho hàng nghìn người bệnh suy tạng giai đoạn cuối".

Bên cạnh làm chủ kỹ thuật ghép các tạng khó, các vấn đề liên quan đến tỷ lệ thành công, thời gian hồi phục, miễn dịch sau ghép đều đạt kết quả đáng tự hào.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 22

Ghép mô, tạng là thành tựu y học quan trọng, giúp cứu sống và cải thiện chất lượng sống cho hàng nghìn người bệnh suy tạng giai đoạn cuối

GS.TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đánh giá, sau hơn 30 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam đã đạt được những bước tiến mang tính vượt bậc.

"Việt Nam không chỉ tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật mà còn thực hiện thành công nhiều loại hình ghép tạng phức tạp. Ở nhiều bệnh viện, việc ghép tạng đã thành thường quy", PGS Tiến đánh giá.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ nhằm đưa kỹ thuật ghép tạng về các bệnh viện tuyến tỉnh, giảm tải cho tuyến trung ương và mở rộng cơ hội điều trị cho người dân trên khắp cả nước.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 23

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ nhằm đưa kỹ thuật ghép tạng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đặc biệt, tỷ lệ hiến tạng sau chết não của Việt Nam tăng "dựng đứng". "Nếu như trong năm 2023, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới, thì bước sang năm 2024, số ca hiến tạng sau chết não đã tăng gấp bốn lần, tương đương mức tăng 173%", PGS Tiến vui mừng thông tin.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 24

Người đăng ký hiến tạng sau chết não những năm vừa qua đã tăng vọt (Ảnh: Minh Nhân).

Tính đến cuối năm 2024, cả nước đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng. Ba năm gần đây, mỗi năm trung bình thực hiện khoảng 1.000 ca. Trong đó, riêng năm 2024 ghi nhận 41 trường hợp hiến tạng từ người chết não.

Bước sang năm 2025, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 27 trường hợp hiến tạng sau chết não. Trong đó có những trường hợp gia đình chủ động đồng ý hiến mà chưa cần đến sự vận động. Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục, tỉ lệ hiến tạng trong năm nay dự kiến có thể tăng đến 300%.

50 năm sau thống nhất, Việt Nam chói sáng trên bản đồ ghép tạng thế giới - 25

Tạng hiến là món quà sự sống mà mỗi người có thể để lại trước khi qua đời (Ảnh: Mạnh Quân).

"Từ vị trí khiêm tốn nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt lên trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca ghép tạng thành công cũng như tốc độ gia tăng tỉ lệ số ca hiến tạng sau chết não", PGS Tiến đánh giá.

Trong khi đó, chi phí ghép tạng tại nước ta vẫn rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ.

3 thập kỷ "chạy nước rút" của ngành ghép tạng Việt Nam không phải là con đường "trải hoa hồng", mà là hàng loạt các chướng ngại vật được vượt qua bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ ngành y.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/50-nam-sau-thong-nhat-viet-nam-choi-sang-tren-ban-do-ghep-tang-the-gioi-20250427100913022.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm