Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Áp lực lớn hơn cần nỗ lực cao hơn

Với tinh thần chủ động, linh hoạt, bảo vệ lợi ích quốc gia; chiến lược ngoại giao tinh tế và hiệu quả; sự đồng lòng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ hoá giải thành công những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội mới, giữ vững nhịp tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê), chia sẻ trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng01/05/2025

Dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang - Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Tận dụng mọi cơ hội để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể

Thưa ông, trong bối cảnh IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đối tác lớn năm 2025, ông đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay – khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Năm 2025, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn: xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại leo thang, lãi suất cao, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu sụt giảm​​. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,8%, đồng thời dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay chỉ đạt 1,7%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với năm ngoái​. Các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đều bị hạ triển vọng tăng trưởng​.

Trong bối cảnh đó, khả năng Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay là thách thức lớn, vì nền kinh tế ta phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi cầu tiêu dùng nội địa còn yếu​. Tôi cho rằng, phấn đấu tăng trưởng GDP 8% trở lên nên được hiểu là mục tiêu định hướng, thể hiện quyết tâm của chúng ta và chúng ta cần nỗ lực cao nhất, tận dụng các nguồn lực tốt nhất để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong điều kiện thực tế khách quan​ hiện nay.

Về dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu, hiện tại do tình hình chính sách thuế quan đối ứng giữa Mỹ và các đối tác chưa rõ ràng, nên rất khó đưa ra một con số chính xác​. Tuy nhiên, bức tranh xuất nhập khẩu quý I/2025 vẫn giữ được gam màu sáng: kim ngạch xuất khẩu đạt 102,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước​. Dù vậy, cần lưu ý rằng xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, và một số mặt hàng nông sản đã ghi nhận sụt giảm.

Theo đánh giá, năm nay để tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt hai con số là khó khăn. Một số tổ chức quốc tế như ADB dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam có thể khoảng 7%, nhưng tôi cho rằng dự báo ở thời điểm này còn quá sớm​. Vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực đàm phán, ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì đà xuất khẩu và vượt qua thách thức thương mại toàn cầu​.

Theo ông, cần những nỗ lực gì để duy trì được xuất khẩu trong bối cảnh các yếu tố bất định toàn cầu gia tăng?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng, để duy trì đà xuất khẩu trong bối cảnh bất định thương mại toàn cầu, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác đàm phán để giảm thiểu tác động bất lợi từ các chính sách thuế quan đối ứng, nhất là đối với thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam​. Với chiến lược ngoại giao kinh tế khéo léo, chúng ta cần chủ động đàm phán, xử lý tốt vấn đề thuế quan và các rào cản thương mại phi thuế​.

Cùng với đó, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường, bù đắp lượng xuất khẩu có thể suy giảm từ thị trường Mỹ​. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghệ cao​.

Đặc biệt, cần chú trọng phát triển xuất khẩu dịch vụ như du lịch, vận tải, dịch vụ tài chính ngân hàng. Quý I/2025, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đạt khoảng 7,58 tỷ USD (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước), cho thấy tiềm năng rất lớn​. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần giảm nhập siêu dịch vụ – một thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Việc giảm nhập siêu dịch vụ là vấn đề cần quan tâm thích đáng, bởi theo tính toán, nếu giảm được 10% nhập siêu dịch vụ sẽ giúp GDP tăng thêm 0,36%.

Ngoài ra, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, sàng lọc FDI để tránh tình trạng "núp bóng", xuất khẩu gian lận nguồn gốc gây thiệt hại​.

Với tinh thần chủ động, linh hoạt, tôi tin rằng Việt Nam sẽ từng bước vượt qua những khó khăn, tiếp tục duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2025 là số dự án mới đăng ký rất cao, với 850 dự án được cấp phép, tăng 11,5%; tuy vậy, số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, giảm 31,5%. Vốn đăng ký bình quân một dự án FDI chỉ với 5 triệu USD cho thấy có nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, Chính phủ và các địa phương cần rà soát, sàng lọc kỹ các dự án FDI để loại trừ các nhà đầu tư đến Việt Nam để núp bóng, trốn tránh cuộc chiến thương mại.
TS. Nguyễn Bích Lâm
TS. Nguyễn Bích Lâm

Những trụ cột chính sách cần ưu tiên

Vậy theo ông, những trụ cột chính sách nào cần được ưu tiên để tạo dư địa hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Trước bối cảnh toàn cầu nhiều thách thức, để tạo dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần ưu tiên triển khai đồng bộ một số nhóm chính sách chủ đạo như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư công. Vốn đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế năm 2025, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi chậm​​. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng; nếu giải ngân đạt 95% sẽ giúp GDP tăng thêm 1,07 điểm phần trăm, còn nếu giải ngân 100% sẽ tăng thêm 1,4 điểm phần trăm​.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất ấn tượng với việc các dự án tồn đọng, bất kể nguồn vốn đến từ đâu, sẽ được Chính phủ tháo gỡ, nhằm khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Qua rà soát, tổng hợp đến nay có 2.212 dự án vướng mắc, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư tư nhân trong nước, dự án đối tác công - tư và khoảng 20% dự án đầu tư công, gây tồn đọng và lãng phí rất lớn nguồn tài lực, đất đai cần phải khẩn trương tháo gỡ, đưa vào sử dụng, tăng cường động lực đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Thứ hai, thúc đẩy đầu tư tư nhân và vốn FDI. Đầu tư tư nhân chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội​ nên với mỗi một phần trăm tăng trưởng của đầu tư tư nhân sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung. Vì vậy, cần tháo gỡ rào cản pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kích hoạt dòng vốn từ khu vực ngoài nhà nước​​.

Thứ ba, kích cầu tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế​. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh, tiếp tục giảm thuế VAT trong thời gian dài hơn, giảm giá dịch vụ vận tải để kích cầu du lịch, tăng cường các chương trình khuyến mại "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"​.

Thứ tư, thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng thận trọng. Chính sách tiền tệ đã nới lỏng để hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp​. Tuy nhiên, cần điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế​.

Thứ năm, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được đẩy mạnh​. Đây sẽ là động lực dài hạn giúp Việt Nam nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Với những chính sách chủ động, đồng bộ như vậy, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay.

Theo ông, đâu là những cải cách dài hạn mà Việt Nam nên thúc đẩy ngay từ năm nay để củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Để củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững, tôi cho rằng cần chủ động thực hiện các cải cách dài hạn sau:

Một là, cải cách thể chế. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định, minh bạch và thông thoáng, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Thể chế hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.

Hai là cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội ngành và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mới phù hợp với xu hướng kinh tế thế giới, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, lao động giá rẻ.

Ba là, xây dựng nhà nước quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Nhà nước cần chuyển từ mô hình quản lý hành chính nặng tính bao cấp sang mô hình kiến tạo phát triển, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Cần thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, áp dụng nguyên tắc quản trị thực tiễn, minh bạch và tiết kiệm chi tiêu công.

Bốn là, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Cần xây dựng chiến lược phát triển các doanh nghiệp dân tộc vững mạnh, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân. Vai trò của kinh tế tư nhân cần được đề cao, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước và kiến tạo thịnh vượng quốc gia.

Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam sẽ tạo dựng được nền tảng vững chắc, giúp nền kinh tế không chỉ ứng phó với thách thức ngắn hạn mà còn tăng trưởng nhanh và bền vững trong trung và dài hạn.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/ap-luc-lon-hon-can-no-luc-cao-hon-163584.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm