Một tác phẩm điện ảnh giúp khán giả và du khách “giải mã” 50 biểu tượng ẩn sau lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên có một bộ phim quảng bá du lịch của Việt Nam “không theo lối mòn tư liệu hay giới thiệu điểm đến đơn thuần, mà qua một lăng kính điện ảnh đầy mới mẻ, mang màu sắc phiêu lưu, mạo hiểm, bí ẩn ly kỳ và có chút giả tưởng.”
Với “50 Flashes” (tạm dịch: 50 khoảnh khắc), Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh muốn đặc biệt gửi tới công chúng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Đạo diễn Lê Hải Yến - tác giả kịch bản kiêm giám đốc sản xuất đã dành cho phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus buổi trò chuyện thú vị, cũng như bật mí nhiều chuyện hậu trường trong hành trình hơn 60 ngày sản xuất nên những thước phim độc đáo.
Hành trình “đưa ký ức vào hiện thực”
- Với vai trò giám đốc sản xuất và tác giả kịch bản, “50 Flashes” đã đến với chị thế nào?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Với tôi, sáng tạo luôn bắt đầu từ một vấn đề cần được giải quyết, chứ không phải là những ý tưởng mơ hồ, lơ lửng trên mây. Và tôi bắt tay vào thực hiện “50 Flashes” từ thực tế: Có một khoảng cách khá lớn giữa cách du khách và công chúng cảm nhận về Thành phố Hồ Chí Minh với chiều sâu thực sự của thành phố này.
Những điểm đến mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Tôi từng hỏi rất nhiều người, khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi đâu, ấn tượng với điều gì? Câu trả lời phần lớn vẫn xoay quanh những địa danh quen thuộc như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… Nhưng rất ít người hiểu vì sao những biểu tượng ấy lại hình thành, câu chuyện lịch sử nào đằng sau, bối cảnh ra đời, tên gọi, hay chất liệu văn hóa tạo nên chúng.
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị sôi động, không ngủ, điều đó ai cũng thấy. Nhưng phía sau nhịp sống náo nhiệt ấy là cả một chiều sâu văn hóa, lịch sử và bản sắc đang bị khuất lấp. Khi tôi làm chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội sông nước 2023, có người nói hay, có người lại bảo “vẫn chưa đủ về Thành phố Hồ Chí Minh.” Và chính từ những câu hỏi như vậy, tôi nhận ra: Không phải chỉ là mình hiểu, mà phải làm sao để khán giả và du khách cũng hiểu.
- Vậy để khán giả và du khách “cũng hiểu” những giá trị còn khuất lấp như chị nói, khi viết kịch bản phim kể về 50 biểu tượng trong “50 Flashes,” có điều gì khiến chị trăn trở?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Tôi luôn nói sáng tạo bắt nguồn từ vấn đề và ước mơ của người làm. Với “50 Flashes,” vấn đề đặt ra là làm sao để khán giả có thể nhìn thấy Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ qua vẻ hiện đại, mà còn qua chiều sâu lịch sử và đa sắc văn hóa vốn có. Dù chưa thể truyền tải hết tất cả, tôi tin rằng ít nhất, bộ phim đã khắc họa được những mảng màu văn hóa đặc sắc và chân thực.
Ước mơ, là phần quan trọng không kém. Ước mơ được nhìn thấy những khoảnh khắc lịch sử ấy, được sống trong không khí của những thời khắc thiêng liêng. Tôi luôn tưởng tượng: nếu mình ở đó, trong thời điểm ấy, cảm xúc sẽ như thế nào? Từ ước mơ ấy, tôi viết kịch bản, để nhân vật có cơ hội thay tôi cảm nhận, sống cùng những khoảnh khắc không ai có thể được chứng kiến lần thứ hai trong đời
Hậu trường ghi hình của đoàn làm phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Khi những hình ảnh ấy được tái hiện qua điện ảnh, mỗi phân cảnh đều khiến tôi xúc động. Bởi điều đẹp nhất không phải là kỹ xảo hay kỹ thuật, mà là cảm giác mình đã làm được: Đưa ký ức vào hiện thực, biến hoài niệm thành trải nghiệm sống động.
Tôi vẫn luôn tin, dù phim có tinh xảo đến đâu, thì thực tế, lịch sử thật sự còn xúc động và vĩ đại hơn gấp nhiều lần. Với tôi, viết kịch bản “50 Flashes” là hành trình mang ước mơ cá nhân đi vào hiện thực, đồng thời gieo một giấc mơ chung để nhiều người được thấy, được hiểu và được yêu Thành phố Hồ Chí Minh theo một cách khác.
Chuyện kể không theo lối mòn
- Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã rất thân thuộc với nhiều người, vậy để “đánh thức” một góc nhìn mới, một tầng nhận biết khác, chị mang đến điều khác biệt nào?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Với “50 Flashes,” tôi không chỉ muốn đưa người xem đi qua 50 biểu tượng mà còn đi vào những câu chuyện ẩn sau đó. Không phải là vẻ đẹp bề mặt của công trình, mà là linh hồn của từng địa danh, từng thời kỳ lịch sử. Từ suy nghĩ ấy, tôi hình dung ra một bộ phim có thể quảng bá cho du lịch Thành phố không chỉ như một điểm đến, mà như một hành trình cảm xúc, nơi mỗi người có thể tìm thấy nhịp đập riêng của mình.
Đạo diễn Lê Hải Yến mong muốn phải kể được những câu chuyện có cảm xúc chân thật tại mỗi địa điểm, để mỗi không gian không chỉ là phông nền mà còn là một phần linh hồn của hành trình. (Ảnh: NVCC)
Có người từng đặt câu hỏi với tôi: vì sao lại chọn một diễn viên nước ngoài cho vai chính, thay vì là người Việt Nam? Tôi nghĩ, để kể một câu chuyện cho thế giới, đôi khi ta cần một “người lạ,” một tấm giấy trắng, để quan sát Thành phố bằng sự khách quan, bằng cảm xúc nguyên bản của một người lần đầu đến đây. Chính nhờ điều đó, bộ phim có thể mở ra nhiều lớp nghĩa và giúp khán giả cả Việt Nam và quốc tế dễ đồng cảm, dễ kết nối hơn với câu chuyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi lựa chọn kể lại câu chuyện về Thành phố Hồ Chí Minh không theo lối mòn tư liệu hay giới thiệu điểm đến đơn thuần, mà qua một lăng kính điện ảnh đầy mới mẻ, mang màu sắc phiêu lưu, mạo hiểm, bí ẩn ly kỳ và có chút giả tưởng.
Đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một bộ phim quảng bá du lịch theo phong cách này, một bước đi tiên phong và táo bạo, không chỉ về hình thức mà còn về cách tiếp cận trải nghiệm du lịch như một hành trình cảm xúc.
- Để có thể giúp bộ phim quảng bá du lịch này không theo bất kỳ lối mòn nào, chị và êkíp có lẽ đã gặp phải nhiều thách thức?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Với một bộ phim du lịch như “50 Flashes,” thử thách không chỉ là quay được cảnh đẹp. Chúng tôi mong muốn phải kể được những câu chuyện có cảm xúc chân thật tại mỗi địa điểm, để mỗi không gian không chỉ là phông nền mà còn là một phần linh hồn của hành trình. Với tôi, trải nghiệm của khán giả luôn là yếu tố trung tâm.
Tại địa đạo Củ Chi, chúng tôi không chỉ đang làm phim, mà chúng tôi đang sống trong một phần lịch sử. Việc đưa thiết bị xuống lòng đất vốn đã là thử thách, thì cảnh quay tái hiện bên trong các hầm chật hẹp, tối tăm, thiếu không khí lại càng đẩy cao mọi giới hạn.
Một số món ăn đặc sắc của ẩm thực địa phương được quảng bá trong bộ phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Có lúc cả êkíp phải dừng lại để... thở, khói từ đèn dầu lan khắp đường hầm khiến nhiều người chóng mặt, mũi đen kịt vì hít phải khói. Nhưng không ai than phiền, vì ai cũng hiểu sứ mệnh của mình đang tái hiện điều gì. Tôi muốn tái hiện và mang lại cảm giác sống động cho khán giả, bởi không chỉ ở trong đường hầm hẹp mà phía trên hầm còn tiếng bom rơi, đạn lạc, đất rung chuyển.
Có ngày quay tại Bùi Viện, chúng tôi huy động hơn 100 diễn viên quần chúng và dựng hàng chục thiết bị ngay giữa phố, giữa tiếng nhạc sập sình và dòng người tấp nập, nhưng mọi thứ tan biến chỉ sau một cơn mưa bất ngờ, rồi chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Đó là một đêm không ngủ, là những khoảnh khắc hồi hộp và kiên trì, bởi hơn cả một bộ phim, đây là một hành trình mà cả trăm con người đã dốc toàn tâm sức để kể một câu chuyện thật đặc biệt về Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin chính những điều đó tạo nên linh hồn thật sự cho “50 Flashes.”
Khi đứng giữa Nhà hát Thành phố, tôi tưởng tượng lại những thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống, nơi các nghệ sỹ Việt Nam từng tỏa sáng trên sân khấu với đam mê và tài năng vượt thời gian. Tôi tin rằng lịch sử luôn vận động theo chu kỳ, và sẽ đến lúc những bộ môn nghệ thuật truyền thống trở lại với hào quang vốn có của nó. Có thể chưa phải bây giờ, nhưng nếu ngày càng nhiều người cùng lên tiếng, cùng sáng tạo và cùng tôn vinh, thì những giá trị ấy sẽ hồi sinh một cách tự nhiên và bền vững.
Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến những không gian văn hóa ít được biết đến, như Miếu Nổi Phù Châu – một địa điểm hơn 300 năm tuổi nằm giữa dòng sông, mang đậm dấu ấn văn hóa Hoa và yếu tố tâm linh sâu sắc. Ở đó, người dân không chỉ thờ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian mà còn có sự giao thoa giữa Phật giáo và Đạo giáo. Những nơi như thế, càng bị lãng quên, tôi càng muốn quay thật đẹp, để không chỉ ghi nhận, mà còn khơi dậy khao khát khám phá từ khán giả.
Nam chính trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Trong “50 Flashes,” chúng tôi chỉ chọn lọc được khoảng 20 biểu tượng để quay hình chi tiết, còn các biểu tượng khác được xuất hiện bằng loạt hình ảnh trong đường hầm xuyên không nơi nhân vật đi qua, vì thời lượng phim không cho phép.
Nhưng tôi tin rằng, mỗi điểm đến được chọn đều mang trong mình câu chuyện và vẻ đẹp riêng biệt. Nếu có thêm cơ hội, tôi thực sự mong muốn được tiếp tục kể tiếp phần còn lại, để thể hiện trọn vẹn diện mạo văn hóa Thành phố mang tên Bác.
Du lịch không chỉ là đi để ngắm
- Phân cảnh chú khỉ “cướp máy ảnh” được xem là một trong những điểm nhấn gây bất ngờ và khá thú vị trong “50 Flashes,” liệu đó có phải cảnh thật không?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Ban đầu, êkíp có đề xuất sử dụng kỹ xảo 3D cho phân cảnh với khỉ, nhưng tôi phản đối kịch liệt. Tôi muốn mọi cảm xúc phải chân thật, và lựa chọn cuối cùng là làm việc với hai chú khỉ được huấn luyện chuyên nghiệp.
Nhưng làm việc với “diễn viên đặc biệt” này không hề đơn giản. Chúng tôi phải tập dượt rất nhiều lần, từ hành động cướp máy ảnh đến biểu cảm, ánh mắt, động tác trả đồ, tất cả đều phải khớp chính xác. Có lúc, chú khỉ không lấy món đồ mà chúng tôi “đặt hàng,” mà cứ lấy thứ khác rồi... bỏ đi.
Những điểm đến đặc trưng của Thành phố được giới thiệu với những lát cắt đẹp và tinh tế. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Chúng tôi đã phải tập đi tập lại, cả êkíp hồi hộp chờ các bạn diễn cái nét mặt đấy có đúng không, hướng nhìn các bạn có được không hay động tác thả có khớp không. Chúng tôi đợi chờ một khoảnh khắc và quay đi quay lại liên tục.
Giữa lúc đó thì một bạn lợn rừng bất ngờ xuất hiện giữa lúc quay, khiến cả êkíp hoảng loạn bỏ chạy. Riêng tôi vẫn... ngồi im vì tưởng là một cảnh dàn dựng.
- Cảm xúc của chị thế nào sau khi đóng máy bộ phim? Và thông điệp chị muốn gửi gắm qua “50 Flashes” là gì?
Đạo diễn Lê Hải Yến: Ngay lúc này, tôi hạnh phúc vì ít nhất, chúng tôi đã làm được một điều: để những người trẻ, khi nhìn thấy bộ phim, có thể tìm thấy niềm cảm hứng và sự tham chiếu nào đó về lịch sử, không phải như một bài học khô cứng mà như một phần của tâm hồn, của ký ức tập thể.
Tôi chỉ mong sau khi xem, mọi người xách balô lên và đi. Vì “50 Flashes” không phải là phim tài liệu, nó không có nhiều thời lượng để giải thích rõ nhân vật đó là ai, vì sao họ đi, hành trình đó dẫn họ tới đâu. Thay vì giải thích, tôi chọn cách gợi mở. Bộ phim giống như một lời mời, một người hướng dẫn viên bằng hình ảnh, mở ra một hành trình khám phá. Chúng tôi chỉ đưa ra một dấu hiệu, một cánh cửa, còn bước vào, đi tiếp bao xa, đó là lựa chọn và trải nghiệm cá nhân của từng người.
Không khí và văn hóa ngày Tết cổ truyền được tái hiện đầy màu sắc. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Tôi luôn tin rằng, du lịch không chỉ là đi để ngắm. Đi là để học, để cảm, để hiểu thêm một lát cắt lịch sử, một câu chuyện văn hóa, hay thậm chí chỉ là một thoáng xúc động rất riêng giữa khung cảnh xưa cũ nào đó.
Và “50 Flashes” chính là lời gợi ý đầu tiên cho điều đó. Nó rất phù hợp với tinh thần “Find Your Vibes” (tạm dịch: Hãy đi tìm những rung cảm của bạn) mà ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến. Bởi mỗi người sẽ thấy rung động với một điều khác nhau. Và nếu mình kể hết rồi, giải thích hết rồi thì du khách còn gì để tự khám phá nữa?
Tôi không muốn đưa khán giả đến đích. Tôi muốn họ bắt đầu hành trình và nếu có một thông điệp duy nhất, điều tôi muốn gửi gắm là: Hãy xách balô lên và đi. Hãy để trái tim dẫn bạn đến những điều mà lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam đang chờ bạn khám phá.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị./.
"50 Flashes" xoay quanh nhân vật chính là một du khách nước ngoài trong hành trình khám phá Thành phố Hồ Chí Minh. Anh vào một tiệm đồ xưa và được trao cho chiếc máy ảnh cổ từng thuộc về một phóng viên thời chiến. Anh tình cờ chạm vào nút chụp của chiếc máy ảnh cổ và bị cuốn vào chuyến du hành kỳ ảo xuyên qua không gian và thời gian, đi qua nhiều địa điểm mang tính biểu tượng của thành phố.
Trên hành trình đặc biệt ấy, nhân vật chính không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, mà còn trực tiếp trải nghiệm những lát cắt văn hóa, dấu ấn lịch sử và nhịp sống đặc trưng của Thành phố từ quá khứ đến hiện tại, từ những công trình cổ kính đến các không gian đậm chất đương đại.
Với sự kết hợp giữa yếu tố giả tưởng, phiêu lưu, mạo hiểm và chiều sâu cảm xúc, mỗi điểm đến không chỉ hiện lên như một cảnh đẹp, mà là một phần linh hồn sống động của Thành phố – nơi lưu giữ câu chuyện, bản sắc và tinh thần của Sài Gòn qua từng khung hình điện ảnh.
Đoàn phim lựa chọn ghi hình tại các địa điểm biểu tượng du lịch của Thành phố như Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Rừng Sác Cần Giờ, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – những công trình lưu giữ chiều sâu lịch sử của thành phố, hay tại chợ Bến Thành, phố Bùi Viện… mang hơi thở, nhịp đập hiện đại và sức sống của một thành phố giàu sắc màu văn hóa...
(Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/50-flashes-giai-ma-nhung-bieu-tuong-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-sau-50-nam-post1035809.vnp
Bình luận (0)