Nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiện đại
Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh với khoảng 280.000 ha diện tích nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Con tôm Cà Mau đang xây dựng cho mình chỗ đứng với nhiều loại hình nuôi mang lại hiệu quả và bền vững. Trong đó, hơn 86.000 ha sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng, tôm - cua - cá; gần 186.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Từ một tỉnh không có loại hình nuôi tôm siêu thâm canh vào năm 2012, đến nay diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hơn 6.484 ha.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ðánh giá về sự phát triển của ngành hàng tôm thời gian qua, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhận định, những năm qua, tình hình phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi nhanh về cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó năng suất và sản lượng tăng lên đáng kể. Nhiều năm liền tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ðó là kết quả nổi bật mà con tôm Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua, thông qua nhiều mô hình sản xuất hiện đại.
Ðược đánh giá là loại hình cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nhưng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chi phí lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, khó kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi... Ðể khắc phục tình trạng này, thời gian qua, nhiều mô hình ứng công nghệ mới theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu đã ra đời và được áp dụng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ít thay nước, an toàn sinh học là một trong số đó. Sau một thời gian triển khai tại 5 hộ thuộc các huyện Cái Nước, Ðầm Dơi và TP Cà Mau, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, mở ra thêm sự lựa chọn mới cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
Là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cho biết, đến thời điểm này quy trình nuôi đang cho hiệu quả kinh tế cao. Có những vụ nuôi chỉ sau 90 ngày thả giống, tôm đạt 34-35 con/kg, lợi nhuận có khi đạt trên 500 triệu đồng/ao (1.200 m2)/vụ.
Ðể hướng tới Net Zero phát thải CO2 - tiêu chuẩn xuất khẩu tôm năm 2050, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh mới theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu như: nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài; nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước theo công nghệ Growmax... Trong đó, tiêu biểu là mô hình nuôi theo công nghệ RAS- IMTA (là phương pháp tận dụng chất thải của loài tôm làm thức ăn cho các loài vật khác trong cùng một ao nuôi).
Mô hình RAS-IMTA được phát triển bởi sự phối hợp giữa Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thuỷ sản và Môi trường SAEN, Viện Nghiên cứu thuỷ sản 2, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau và các hộ nuôi. Sau một thời gian thử nghiệm sản xuất, hiệu quả mô hình RAS-IMTA đã được chứng minh qua thông số hệ số thức ăn thấp, tốc độ tăng trưởng tôm cao, tôm ít bệnh, hạn chế thay nước; đạt các chỉ số bền vững và theo hướng kinh tế tuần hoàn, một xu hướng mới để hoà nhập vào thị trường thế giới năm 2050.
Hướng tới lúa gạo chất lượng cao
Ðối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo, mặc dù không có lợi thế cạnh tranh về sản lượng, song, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thời gian qua Cà Mau đã chọn phát triển theo hướng chất lượng cao. Từ định hướng này, nhiều mô hình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, có sự thay đổi nhanh về cơ cấu giống. Hiện, giống lúa chất lượng cao được canh tác trên địa bàn tỉnh chiếm 75%, giống thơm đặc sản chiếm 20%, còn lại 5% là các giống lúa phục vụ chế biến.
Mô hình lúa - tôm. Ảnh: VĂN ÐUM
Ðặc biệt, nhiều mô hình sản xuất lúa ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến mang lại hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðiển hình như mô hình lúa - tôm càng xanh, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong nước và quốc tế ở vùng Bắc Cà Mau. Với diện tích lúa - tôm khoảng 37.000 ha, đây là mô hình đang mở ra hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chia sẻ, thời gian qua đã có 50 mô hình sản xuất lúa các loại, tập trung lúa an toàn, lúa hữu cơ, lúa sinh thái, lúa tôm, lúa cá, lúa màu... Trong đó, sản xuất lúa đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam là 400 ha, tiêu chuẩn USDA, EU, JAS là 330 ha, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP 1.248 ha, lúa sinh thái 3.000 ha; quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 25.000 ha, vùng lúa thơm đặc sản 10.000 ha và vùng lúa chế biến 5.000 ha. Nhiều mô hình sản xuất lúa đã được nhân rộng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong bảo vệ môi trường.
Là địa phương có diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên 24.000 ha, với sản lượng đạt trên 110.000 tấn/năm và có cả vùng sản xuất lúa chuyên canh, lúa - tôm, lúa - cá, huyện U Minh đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến, như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, luân canh lúa - cá, lúa - tôm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang tiếp tục tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc.
Cà Mau là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, với vị trí địa lý đặc biệt và hệ sinh thái đặc trưng đã tạo ra cho tỉnh nhiều lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế biển, du lịch sinh thái và cả tiềm năng lớn đối với sản xuất lúa gạo, nhất là lúa gạo chất lượng cao với đặc trưng là lúa - tôm. Ðể phát huy lợi thế đó, tỉnh đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát triển 23.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vào năm 2030 và tiếp tục nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần vào tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% trở lên. Theo đó, tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu hướng tới các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và các thị trường tiềm năng.
Liên quan đến nội dung mời gọi doanh nghiệp và đầu tư trong xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khẳng định, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao, để đồng hành cùng Nhân dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Phú
Nguồn: https://baocamau.vn/de-loi-the-thanh-gia-tri-thuc-a38586.html
Bình luận (0)