Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Áp lực vì là 'cháu đích tôn, anh chị em xung quanh ai cũng giỏi'

Một học sinh ra trường đã viết thư cho cô giáo tâm sự những áp lực tâm lý căng thẳng mà em đã trải qua, trong đó có việc em là 'cháu đích tôn, anh chị em trong gia đình ai cũng giỏi'.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên17/05/2025

Cô Nguyễn Quỳnh Thanh Mai, Phó phòng tham vấn học đường Trường mầm non, tiểu học - THCS - THPT Việt Mỹ (VA Schools), chia sẻ như vậy trước đông đảo thầy cô giáo và phụ huynh học sinh, trong chương trình sáng nay, 17.5, liên quan tâm lý học đường, áp lực của học sinh vừa diễn ra tại trường, cơ sở quận Tân Bình, TP.HCM.

Áp lực vì là 'cháu đích tôn, anh chị em xung quanh ai cũng giỏi'- Ảnh 1.

Các chuyên gia tham vấn học đường chia sẻ tại sự kiện sáng 17.5

ẢNH: THÚY HẰNG

Học sinh đối mặt nhiều áp lực

Cô Thanh Mai cho hay trong thư, học sinh cũ cảm ơn cô vì đã giúp em vượt qua nhiều khó khăn. Em cho biết quãng thời gian lớp 10, lớp 11, em chịu nhiều áp lực vì là "cháu đích tôn". Bên cạnh đó, em sinh ra trong một gia đình mà từ ông bà, cha mẹ, anh chị em họ... đều có thành tựu nên em lo lắng cho chính mình. Trong khi đó, theo cô Thanh Mai đây là một học sinh giỏi ở nhiều môn học, bạn còn là Chủ tịch hội học sinh của trường.

"Đôi khi, với những bạn nhỏ, trong hành trình trưởng thành, sẽ có lúc các bạn cảm thấy cực kỳ băn khoăn, khó chia sẻ, ngay cả khi với người thân của mình. Do đó, nếu trong những lúc khó khăn đó, các thầy cô, chuyên viên tham vấn học đường có sự đồng hành đúng lúc, thì các bạn sẽ vững vàng hơn", cô Nguyễn Quỳnh Thanh Mai nói.

Song, cô Thanh Mai khẳng định phòng tham vấn học đường không thể thay thế cha mẹ, gia đình học sinh. Nhưng phòng tham vấn học đường có thể cho các con thấy được sự an toàn, tin cậy, chia sẻ được những điều khó nói. Từ đó các con thêm hiểu bản thân mình, trưởng thành vững vàng hơn. "Phòng tham vấn học đường là cầu nối giữa cha mẹ và con cái, để hai bên hiểu nhau hơn, giải quyết được nhiều vấn đề tâm lý, hỗ trợ học tập cho các con", cô Thanh Mai chia sẻ.

Áp lực vì là 'cháu đích tôn, anh chị em xung quanh ai cũng giỏi'- Ảnh 2.

Cô Phoenix Ho (phải) trò chuyện cùng phụ huynh bên lề sự kiện sáng nay

ẢNH: THÚY HẰNG

Cô Phoenix Ho, Trưởng phòng tham vấn học đường Trường mầm non - tiểu học - THCS - THPT Việt Mỹ, người có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn học đường, trong đó có quãng thời gian làm việc tại San Jose , Mỹ, chia sẻ tại sự kiện những con số đáng chú ý về vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên.

Trong đó, nghiên cứu của UNICEF Việt Nam (năm 2022) là khoảng 15% - 30% thanh thiếu niên Việt Nam gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo Hiệp hội tâm thần Mỹ, 50% các vấn đề sức khỏe tâm thần khởi phát trong khoảng độ tuổi 14.

Trong khi đó dưới 14 tuổi và từ 15-24 tuổi là giai đoạn vàng để có thể khám phá sở thích phát triển kỹ năng của trẻ, giúp thanh thiếu niên phát huy được tiềm năng của mình, nền tảng phát triển nghề nghiệp.

Khảo sát trên 3.320 học sinh THPT do Hướng nghiệp Sông An thực hiện tại Việt Nam (năm 2024) cho thấy những yếu tố hàng đầu đang tác động đến quyết định chọn lựa ngành học của học sinh là sở thích bản thân (87,82%), cơ hội việc làm (80,56%). Tuy nhiên, trong thực tế nhiều em học sinh tâm sự các em còn chịu nhiều áp lực từ gia đình, mong muốn của cha mẹ, áp lực thành công... khi lựa chọn nghề nghiệp, công việc trong tương lai.

Vì sao con phải đến trường, con học ở nhà cũng được mà?

Đặt câu hỏi với các chuyên gia tại chương trình, một phụ huynh tên Nhã nêu: "Con tôi đang học lớp 5, sắp lên lớp 6, cháu hay hỏi tôi 'Tại sao ngày nào con cũng phải đến trường, con học ở nhà cũng được mà' dù cháu không học dở. Tôi phải nói gì?".

Áp lực vì là 'cháu đích tôn, anh chị em xung quanh ai cũng giỏi'- Ảnh 3.

Chị Lê Thanh Thủy Trúc đang học cao học từ Úc, tư vấn trực tuyến cho các phụ huynh tại chương trình

ẢNH: THÚY HẰNG

Chị Lê Thanh Thủy Trúc, cố vấn phòng tham vấn học đường của trường, đang học cao học ngành tham vấn và trị liệu tâm lý, ĐH Adelaide (Úc) theo học bổng chính phủ Úc; cử nhân tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng mọi cảm xúc của trẻ cần được ghi nhận, tôn trọng. Cha mẹ nên xem đây là một dịp để lắng nghe, trò chuyện cùng con.

Một phụ huynh băn khoăn: "Tôi có con học lớp 11, nhưng môn gì con cũng học đều đều, không rõ con thích cái gì rõ ràng. Vậy thì không biết sau này hướng nghiệp thế nào cho con?".

Cô Nguyễn Quỳnh Thanh Mai khuyên với trường hợp này, phụ huynh nên cho các bạn học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn. Đồng thời cha mẹ đừng đừng hỏi con thích cái này không, thích cái kia không, mà nên hỏi trong các hoạt động con đã tham gia, hoạt động gì con thích nhất. Trong những chương trình con đã tham gia, con thích ở vai trò, vị trí gì hơn cả, từ đó để đào sâu hơn sở trường của con.

Chị Lê Thanh Thủy Trúc cho rằng ở giai đoạn 18-20 tuổi, các bạn trẻ có thích mỗi thứ một chút, không rõ được đam mê cụ thể của mình thì cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Các bạn trẻ rất cần cha mẹ kiên nhẫn cùng con, cởi mở hơn với con, để đồng hành cùng hành trình phát triển của con...

Nguồn: https://thanhnien.vn/ap-luc-vi-la-chau-dich-ton-anh-chi-em-xung-quanh-ai-cung-gioi-185250517122805015.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm