Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài dự thi cuộc thi viết "Người thầy kính yêu": Gieo mầm tài năng nơi cao nguyên đá

Cô giáo Hoàng Thị Thủy hết lòng yêu thương học trò nơi vùng biên cương, góp một phần công sức của mình cùng đồng nghiệp gieo mầm tài năng nơi cao nguyên đá

Người Lao ĐộngNgười Lao Động05/05/2025

Khi đặt chân đến Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những sản phẩm được trưng bày trong phòng truyền thống của trường. Sự ngạc nhiên càng được nhân lên khi chúng tôi biết rằng những tác phẩm ấy là thành quả từ đôi bàn tay bé nhỏ của các em học sinh người dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá.

Yêu thương từng nét vẽ hồn nhiên

Đó là những bức tranh, cuốn sách, mô hình... được chế tác từ nhiều loại vật liệu khác nhau, mô phỏng về cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi miền đất khô cằn.

Chiêm ngưỡng những tác phẩm ấy khiến chúng tôi có cảm giác như đang đứng cạnh ngàn hoa nở rộ trên miền đá khô cằn, bên những thửa ruộng bậc thang rực vàng dưới nắng; như đi trong phiên chợ tình rực rỡ sắc màu thổ cẩm… Những tác phẩm ấy được hoàn thiện dưới sự hướng dẫn tận tâm của cô giáo Hoàng Thị Thủy - giáo viên môn mỹ thuật của trường.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành mỹ thuật, cô Hoàng Thị Thủy (quê Yên Bái) đã hừng hực trong tim tinh thần xung phong và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Cô đã từ chối nhiều cơ hội làm việc tại những vùng thuận lợi để tình nguyện đến nhận công tác tại Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai - một huyện vùng cao, biên giới xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai.

Thời điểm ấy, Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng chỉ là một điểm lẻ nằm heo hút giữa núi rừng hoang vu. Lớp học làm bằng những khung nhà gỗ lợp ngói fibro xi măng, tấm bạt ni lông căng lên thay thế bức tường. Với 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt hạn chế khiến việc giao tiếp giữa cô và trò gặp không ít trở ngại.

Trong những tiết học đầu tiên, cô Thủy không cầm được nước mắt khi thấy các em lạ lẫm với hộp bút màu, rồi thích thú tô vẽ những nét chì đầu tiên lên trang giấy trắng. Nhìn những nét vẽ còn vụng về của học trò, cô thêm trắc ẩn, yêu thương. Chính tình thương ấy giúp cô vượt qua những tháng ngày gian khó ngược dốc đèo, vượt hàng chục cây số đường rừng để vận động học sinh đến lớp.

Những nét vẽ ngày một đẹp hơn của những "họa sĩ tí hon" trở thành động lực giúp cô Thủy vơi đi nỗi nhớ nhà và gắn bó đậm sâu với mảnh đất này. Khi cô trò ngày càng quen thuộc, thân thiết hơn thì cô được nghe các bạn nhỏ kể lại bao câu chuyện giản dị và xúc động: "Chúng em thích vẽ lắm. Mỗi khi lên nương cùng bố mẹ, em hay vẽ. Chiếc bút của em là những cành cây khô còn giấy vẽ là mặt đất lạo xạo sỏi đá. Ở nhà, em vẽ lên vách bằng những mẩu than".

Gieo mầm tài năng nơi cao nguyên đá - Ảnh 1.

Học trò được cô Thủy dạy vẽ đạt được nhiều giải thưởng cao. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ươm mầm non mỹ thuật trên miền cao

Tính đến nay, cô giáo Hoàng Thị Thủy đã có 13 năm gắn bó và giảng dạy tại Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng. "Tôi đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Tình yêu thương vun đắp từ tuổi trẻ đã dành trọn cho những học trò mà tôi coi như là những thành viên trong gia đình thân thương của mình" - cô bày tỏ.

Sống và đồng hành cùng học sinh vùng cao, cô Thủy nhận thấy các em thừa hưởng sự khéo léo của mẹ, của bà - những người ngày đêm cần mẫn bên khung cửi dệt thổ cẩm.

Với sự tận tụy, cô truyền đạt kiến thức chuyên môn, hướng dẫn học sinh sáng tạo, không chỉ qua các bức tranh sống động mà còn qua các mô hình mang đậm bản sắc nơi núi rừng. Những mô hình ấy được làm bằng các loại vật liệu như: nhựa, gỗ, giấy... có thể chuyển động như thật. Khi chiêm ngưỡng, chúng ta có cảm giác như đang được sống cùng nếp sinh hoạt lao động của đồng bào vùng cao.

Khi biết đến cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng", cô Thủy đã khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết trong học trò, khuyến khích các em tham gia. Cô tỉ mỉ hướng dẫn học trò lên ý tưởng sáng tạo và lựa chọn loại vật liệu phù hợp để hoàn thành sản phẩm.

Rồi cô tiếp tục hướng dẫn các em viết bài thuyết trình và rèn luyện kỹ năng thuyết trình. Nhờ sự kèm cặp tận tình mà nhiều học sinh đã trút bỏ được cái "mai rùa" ngại ngần, e dè của mình, tự tin hơn trong giao tiếp và thể hiện bản thân.

Từ lòng nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương mà cô Thủy đã hỗ trợ học trò của trường dành được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14 và 15". Tác phẩm "Robot nông dân" đã đoạt giải nhì năm 2018; "Cộng đồng các dân tộc huyện Si Ma Cai" giải nhất, 2019; "Sản phẩm gia đình em" giải nhất, 2024; "Chú kiến thông minh" giải khuyến khích, 2022 và tác phẩm "Một ngày đến trường của chúng mình" đoạt giải nhì tỉnh Lào Cai năm 2024.

Những thành tựu mà cô Thủy cùng học trò đạt được không chỉ là niềm tự hào của riêng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, mà còn là ánh sao hy vọng cho vùng đất còn nhiều gian khó. Những mầm cây xanh kiên cường, những bông hoa ngát hương tô điểm cho đời được cô Thủy và đồng nghiệp gieo ở các điểm trường vùng cao… 

Gieo mầm tài năng nơi cao nguyên đá - Ảnh 2.

Học trò của cô Thủy sáng tạo những sản phẩm trưng bày

Sau 13 năm gắn bó, giảng dạy tại quê hương thứ hai của mình, cô giáo Hoàng Thị Thủy vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp trường đến Trung ương cho những đóng góp và cống hiến trong ngành giáo dục.

Cô Thủy đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (2017); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Bằng khen của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (2018); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen 5 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2020)... Cô cũng đã nhận được nhiều giấy khen cấp cơ sở.

Gieo mầm tài năng nơi cao nguyên đá - Ảnh 3.


Nguồn: https://nld.com.vn/bai-du-thi-cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-gieo-mam-tai-nang-noi-cao-nguyen-da-196250504221226534.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm