Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bất ngờ với kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên TPHCM

TPO - Theo dữ liệu khảo sát "có độ tin cậy" mới được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM công bố, khoảng 31% giáo viên tại thành phố có năng lực tiếng Anh ở mức A1, A2 - hai bậc thấp nhất trong khung trình độ 6 bậc.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong08/05/2025

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, khảo sát năng lực tiếng Anh được thực hiện với gần 50.300 giáo viên công lập từ tiểu học đến THPT, trong đó chỉ khoảng 4.700 là giáo viên dạy tiếng Anh, còn lại thuộc các môn học khác. Lực lượng đông đảo nhất tham gia khảo sát là giáo viên tiểu học (gần 22.300 người), tiếp đến là bậc THCS (10.000 người) và THPT (8.200 người).

Bất ngờ với kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên TPHCM ảnh 1

Biểu đồ về kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên dạy tiếng Anh và các môn khác. Ảnh: Sở GD&ĐT TPHCM

Sở GD&ĐT TPHCM phân loại kết quả khảo sát thành ba nhóm: có độ tin cậy, chưa đủ độ tin cậy và chưa có thông tin tin cậy. Những bài thi đáng tin cậy bao gồm bài của giáo viên tiếng Anh, giáo viên môn khác có kết quả gần sát với trình độ tự khai, hoặc những người không có chứng chỉ nhưng kết quả dưới B1. Ngược lại, các bài thi làm trong thời gian quá ngắn hoặc có chênh lệch kết quả lớn được xếp vào nhóm chưa đủ tin cậy. Các trường hợp sử dụng cụm từ "chưa có thông tin tin cậy" là những giáo viên không xác định được môn học và chứng chỉ đã đạt những kết quả từ B2 trở lên.

Ở nhóm có dữ liệu tin cậy, 41% giáo viên đạt trình độ tiếng Anh mức B1, 31% dưới B1 và 28% đạt từ B2 trở lên.

Nếu xét theo từng cấp học, trình độ giáo viên tiểu học và THCS khá tương đồng: khoảng 30-33% dưới B1, 38-43% đạt B1 và 27-29% từ B2 trở lên. Riêng bậc THPT, tỷ lệ giáo viên đạt B2 và C1 cao hơn (45%), nhưng vẫn có 30% giáo viên chưa đạt chuẩn B1. Đáng chú ý, không có giáo viên THPT nào đạt trình độ C2 - mức cao nhất của khung tham chiếu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa giáo viên tiếng Anh và các môn khác. Cụ thể, 8% giáo viên tiếng Anh đạt trình độ C2, trong khi không có giáo viên môn khác nào đạt mức này. Ở trình độ C1, tỷ lệ chênh lệch cũng rất lớn: 45% so với 2%.

Nếu tính chung toàn bộ dữ liệu khảo sát, tỷ lệ giáo viên dưới trình độ B1 là 17% - thấp hơn đáng kể so với nhóm dữ liệu được đánh giá tin cậy (41%). Tỷ lệ giáo viên đạt B2 và C1 cũng cao hơn (28% và 29%).

Bất ngờ với kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên TPHCM ảnh 2

Biểu đồ về kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh thuộc nhóm "có độ tin cậy" của giáo viên toàn TPHCM. Ảnh: Sở GD&ĐT TPHCM

Kỳ khảo sát được tổ chức vào cuối tháng 4 theo hình thức trực tuyến, kéo dài 90 phút, gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết, bám sát khung CEFR từ A1 đến C2. Bài thi do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge xây dựng.

Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh rằng kết quả khảo sát chỉ nhằm phục vụ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, không sử dụng để xếp loại, thi đua hay xét lương thưởng. Dữ liệu thu thập sẽ giúp ngành giáo dục thành phố hoạch định chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tiến tới mục tiêu "đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Nguồn: https://tienphong.vn/bat-ngo-voi-ket-qua-khao-sat-nang-luc-tieng-anh-cua-giao-vien-tphcm-post1740330.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm