Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật cắt u thực quản cho bệnh nhân. Ảnh: K.K |
Mới đây, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã trực tiếp thực hiện thành công ca phẫu thuật khó để điều trị bệnh ung thư thực quản cho một nam bệnh nhân, mở ra cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân trên địa bàn.
Từ triệu chứng nuốt nghẹn
Cuối tháng 3-2025, khi ăn cơm, ông P.C. (63 tuổi, ngụ xã Phú Lâm) thấy bị nghẹn; biểu hiện nghẹn ngày càng tăng nên ông đi khám sức khỏe ở Trung tâm Y tế khu vực Tân Phú. Bác sĩ đã tiến hành nội soi và phát hiện ông C. bị u ác tính ở thực quản nên chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để điều trị.
Ông C. cho hay, ông có tiền sử bệnh tiểu đường, hàng tháng đến trung tâm y tế lấy thuốc điều trị tiểu đường chứ chưa từng nội soi tiêu hóa để tầm soát. Do đó, khi bác sĩ thông báo bị ung thư thực quản, ông rất bất ngờ và suy sụp.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, ông C. được chỉ định hóa trị và xạ trị. Sau liệu trình 2 tháng thực hiện hóa trị và xạ trị, ông C. được chỉ định phẫu thuật để cắt khối u lớn ở thực quản.
Thực quản là một thành phần của ống tiêu hóa, có cấu trúc hình ống, dài khoảng 25cm và rộng khoảng 2,5cm. Khi nuốt thức ăn từ miệng vào, nhờ sự co bóp của ống tiêu hóa, với tác động của trọng lực, thức ăn sẽ di chuyển qua thực quản và đến dạ dày. Ung thư thực quản xuất hiện khi các tế bào của thực quản phát triển bất thường không thể kiểm soát. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kim Kiên, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết trong hơn 8 giờ, các bác sĩ đã rất tập trung, thực hiện các thao tác chính xác, tỉ mỉ. Trước tiên, bác sĩ tiến hành mổ nội soi ở ngực để cắt khối u thực quản. Sau đó, mở ổ bụng để lấy dạ dày tái tạo thành một ống tiêu hóa mới. Rồi lại đưa đường hầm lên trên cổ, nối từ thực quản cổ vào dạ dày.
Theo bác sĩ Kiên, đây là ca đại phẫu rất khó. Trong lồng ngực bệnh nhân có rất nhiều dây thần kinh và mạch máu lớn, nếu cả ê-kíp không tập trung cao, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ khiến ca mổ thất bại. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, bệnh nhân bình phục nhanh chóng. Đến nay, bệnh nhân đã được xuất viện, hẹn tái khám để tiếp tục hóa trị theo phác đồ.
Bác sĩ Kiên cho hay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngực bụng, cắt và tạo hình thực quản để điều trị ung thư thực quản là kỹ thuật chuyên sâu và rất khó, hiện có rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể làm được. Kỹ thuật này do các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao cho bệnh viện từ 2 năm nay. Tuy nhiên, đây là ca đầu tiên mà ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có thể tự thực hiện toàn bộ quy trình.
Việc bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai có thể thực hiện được kỹ thuật cao này không chỉ giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn giúp bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được điều trị, giảm chi phí, công sức đi lại…
Phòng bệnh ra sao?
Ung thư thực quản là một trong 14 loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Ở giai đoạn sớm, bệnh không có triệu chứng gì, chỉ khi bệnh nhân bắt đầu thấy nuốt nghẹn thì mới đi khám, khi đó đã ở giai đoạn khá trễ, khối u đã lớn và làm hẹp ống tiêu hóa.
Nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Kiên, một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản như: sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ ăn quá nóng, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nitrosamin, ăn nhiều đồ dầu mỡ, chiên rán…
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kim Kiên, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi xuất viện. |
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, barrett thực quản, béo phì, nhiễm HPV, tiền căn cắt bỏ dạ dày hoặc một số bệnh lý di truyền khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Phương pháp phát hiện và chẩn đoán ung thư thực quản hiện nay thường được áp dụng là nội soi tiêu hóa trên (thực quản - dạ dày - tá tràng). Qua nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết các tổn thương nghi ngờ để chẩn đoán xác định ung thư thực quản. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân sau 45-50 tuổi nên đi nội soi để tầm soát về thực quản và dạ dày. Nếu có vấn đề thì điều trị sớm.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản hiện nay là điều trị đa mô thức, tức là kết hợp các liệu pháp như: phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân bằng thuốc (hóa trị, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích) nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Để phòng bệnh ung thư thực quản, bác sĩ Kiên khuyến cáo người dân cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được như: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không nên ăn, uống quá nóng, điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý dạ dày.
Ông P.C. cho hay, ông có “thâm niên” hút thuốc lá gần 50 năm. Sau khi biết bị bệnh, được bác sĩ khuyến cáo, ông đã bỏ thuốc lá, không uống rượu, bia. Đồng thời, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn đồ cay nóng…
Hạnh Dung
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/benh-ung-thu-thuc-quan-dien-tien-am-tham-nguy-hiem-ffb2610/
Bình luận (0)