Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình

Một sớm cuối tuần của những ngày tháng Tư rộn ràng, tôi đi trên tuyến Metro ngó thành phố trong ánh nắng vàng réo rắt. Những tòa nhà cao vút khảm lên thành phố này sự vươn mình phát triển. Chợt nhớ câu nói của má, một người đã đi qua biến thiên thời cuộc của đất này những năm hai mươi thanh xuân, cho đến bây giờ heo may gõ lên hiu hắt tuổi đời. Trong tâm trí má chưa bao giờ nghĩ đến có lúc thấy toa tàu điện trên cao nối khu đông thành phố về phía trung tâm; chưa bao giờ má thấy thiên hạ rần rần ra ngó máy bay ì ầm trên không trung như mấy hôm nay; cũng là lần đầu tiên má nghe thị dân háo hức với lễ diễu binh, diễu hành đến như vậy.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị01/05/2025

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình

Người dân TP. Hồ Chí Minh vui vẻ chụp hình cùng các chiến sĩ trong đoàn diễu binh -Ảnh: TỐNG PHƯỚC BẢO

Má hay kể những câu chuyện tháng Tư bời bời tấc dạ khi trái sáng thắp lửa đêm dạo ấy. Càng những ngày cuối, lòng người lại càng thấp thỏm bởi sự âu lo. Đêm cuối cùng trước ngày giải phóng, gần như má chẳng ngủ. Thức để ngóng tin. Thức để đợi những người anh mình trở về như đã hứa. Thức để thấy bộ đội tiến về thành phố như lời thì thầm loan báo của những người bạn xóm giềng.

Thức và đợi sáng. Một sáng quyết liệt để đón đợi ngày đất nước không còn tiếng súng. Trưa đó, khi lời đầu hàng được phát ra trên Đài phát thanh Sài Gòn, cả xóm đổ ra đường với những lá cờ vẫy nhau. Gặp nhau và ôm nhau. Nước mắt trộn lẫn tiếng cười. Tàn cuộc chiến, chỉ nghĩ bình yên để sống, sống một cuộc đời không còn dáo dác ngó sinh ly, sợ tử biệt.

Vậy nên, thoảng khi có dịp ra đường, má hay kêu mấy đứa con chở đi lòng vòng để ngắm phố xá thị thành. Mỗi bận trở về má đều tấm tắc khen thành phố đẹp quá, nhiều đèn lấp lánh, nhiều cửa hàng sang trọng, nhiều siêu thị to đùng...

Nhiều lắm những thứ khiến má gật gù. Trọn một quãng đời gá thân mình nơi đất này, má vẫn hay nói, xứ này kỳ thực hổng có gì hết trơn, chỉ có mỗi cái thảo thơm, thiện lành bởi đã đi qua quá nhiều thăng trầm, nên người với người cứ thương nhau mà sống.

Nhớ lại hồi những ngày đầu tháng 4, tôi cùng nhóm bạn của mình rủ nhau xem phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”. Đêm về, cả đám rủ nhau chạy quanh thành phố coi mấy chiến sĩ quân đội đang dựng lễ đài trên đường Lê Duẩn, hướng về Dinh Thống Nhất. Cảm xúc cứ dâng lên thao thiết bởi những hy sinh khổ cực của thế hệ ngày ấy đã tận hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc bình yên như hôm nay.

Trong suy nghĩ của những người sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, chúng tôi nhìn những lấm lem của những du kích trẻ ẩn mình dưới địa đạo để quyết tử chiến giữ đất quê hương mà thấy mình quá hạnh phúc khi được là người Việt Nam. Nếu hỏi hòa bình có đẹp không? Tôi tin muôn triệu người Việt trên dải đất hình chữ S này đều nhất loạt trả lời một chữ: Đẹp.

Ngay mùa dịch, giữa những ngày giãn cách xã hội, người thành phố này dù thấp thỏm khi con số ca mắc bệnh ngày càng tăng, dây giăng khắp lối, những sự ngoan cường lại rõ rệt hơn bao giờ hết. Ngay cả em bé 5 tuổi vẫn mạnh dạn trùm chiếc áo xanh lên xe về khu cách ly mà chẳng tiếng khóc. Clip được tung lên mạng, dân tình chia sẻ rầm rộ. Càng khắc nghiệt, người thành phố này lại càng bất khuất kiên gan hơn bao giờ hết.

Thành phố cách ly nhưng chẳng cách lòng. Bếp ăn 0 đồng nở rộ với chục ngàn phần cơm lan tỏa vào những khu cách ly, những hẻm nghèo, những xóm trọ. Tự bỏ tiền, tự bỏ công, tự gọi nhau chung lòng tiếp sức. Đâu đâu cũng có những bếp ăn nghĩa tình ấm áp như vậy. Mấy chị tiểu thương chợ Tân Định dẹp sạp thì chạy vào bếp nấu. Kệ hổng có thu nhập nhưng mà vui. Cái vui vì đồng bào mình cùng có bữa cơm ấm lòng.

Người ta hay nói thành phố này không ngủ. Kỳ thực, mãi đến lúc thành phố phong thành để chiến đấu với cơn đại dịch tôi mới hiểu. Người thành phố luôn thức trong sự cập nhật mọi tin tức của người thân, bạn bè. Thức để nhắn với nhau những điều tử tế, để thương mong cùng an lành đi qua những ngày nguy biến. Chung một lòng tin đất này rồi sẽ ổn thôi. Mọi thứ cứ như một thử thách để chúng ta biết thích nghi, chấp nhận và ứng biến trong nghịch cảnh.

Có những người chọn bỏ phố về quê, nhưng với những người chọn ở lại cùng thành phố này, vì họ vẫn còn chút ít khả năng bám trụ, hoặc thể họ chẳng đủ điều kiện, đường sá xa xôi, hay muôn vàn lý do nào đó, thì người thành phố vẫn chung tay tiếp sức cùng họ đi qua cơn đại dịch một cách an toàn. Bao nhiêu năm bôn ba ở đất này, họ đủ biết nơi đây chẳng thể bỏ rơi ai, nhất là lúc hoạn nạn hay nguy nan.

Thành phố vẫn thức để tếu táo cùng nhau. Kể vui chuyện để xua tan những u ám. Chúc nhau yên ổn trong nhà, ăn no, ngủ khỏe, rồi hẹn ngày gặp lại nhau sau dịch. Không dưng thấy thành phố lạc quan và hài hước. Cả thành phố kết nối với nhau bằng mạng xã hội, tỉ tê to nhỏ đầy mẹo hay món lạ, của ngon. Đất này mà, trong hoàn cảnh nào cũng tự vỗ về mình bằng niềm tin mạnh mẽ nhất.

Thành phố vẫn thức, ngoài đường vẫn còn những chuyến ruổi rong phát bánh mì, xôi, nước, khẩu trang cho nhiều mảnh đời cơ nhỡ, bụi bờ. Thành phố chẳng ngủ bao giờ, lúc khỏe re xanh đỏ đèn màu, hôm ương yếu thì vẫn cứ ăm ắp tình người ngời sáng.

Thành phố vẫn vẹn nguyên những tình cảm dành cho nhau, có kế hoạch, có sự phân bổ nhịp nhàng để đâu đâu cũng có phần, miếng ăn lúc này, quả thật là cấp bách và cần thiết nhất với người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Và thức, để nhìn những yêu thương đang nối đuôi nhau xuôi về miền nắng ấm phương Nam này, như bao lần thành phố đã thức vì bão lũ miền Trung, vì sạt lở miền Bắc.

Hơn nửa đời người sống với đô thành hoa lệ này, thành phố đắt đỏ đâu hổng thấy, chỉ biết khắp mọi nẻo đường, luôn có trà đá miễn phí, bánh mì 0 đồng... Có lẽ mãi đến khi đã chiêm nghiệm đủ những thiện lành trên đất này tôi mới thấm thía câu thành phố này hổng có gì hết trơn của má mình. Nơi này, chỉ có mỗi lòng thương trọn vẹn dành cho nhau. Lành rách mùa này đâu biết được, cứ mở toang lòng mình mà chia sớt cho nhau.

Bạn tôi, người chủ tiệm cà phê trẻ măng đem khoai lang từ Đồng Tháp lên rồi cần mẫn vào bao, chuyển tấm lòng miền Tây gởi về TP. Hồ Chí Minh. “Giải cứu” là hai từ thường thấy ở những gốc ngã ba, ngã tư sầm uất. Từ khoai lang tím, chạy dài đến vải Bắc Giang, đất này chung tay tiêu thụ dẫu mình cũng oằn vai đi qua mùa biến động kinh tế.

Đất này là vậy, hổng phải màu mè, hay khôn lõi, chỉ cần sống một quãng đời với thành phố nắng ấm phương Nam sẽ thấy bản tánh trượng nghĩa, hào sảng, ngoan cường thương người thể như là đặc tính ăn sâu vào máu huyết. Đất này tứ chiếng muôn phương. Lạ quen gì cũng thương nhau ráo trọi. Thương từ trong ruột thương ra. Thương từ ngã bảy ngã ba thương về!

Thương nhau như thể thương đất này. Nơi đã cho mình một cuộc đời để sống. Và phải sống bằng tâm thế để lại điều gì khi một mai hóa cát bụi bay về miền mây trắng. Đó cũng chính là tâm sự của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực mà tôi may mắn có cuộc gặp trong hoạt động hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày non sông nối liền một dải. Trên những bạt ngàn xanh thẳm của ruộng lúa, của những cánh đồng mỳ, của dòng kênh trong xanh, đất thép thành đồng đã vươn mình sau những trận bom cày xéo năm xưa.

Người chiến sĩ của đất Củ Chi ngày đó, quyết bám trụ quê hương, bỏ ruộng vườn cuốc cày để giữ gìn từng tấc đất của làng, của xóm. Để rồi từ trong lòng thương đất này, máu căm thù đã dệt nên huyền sử cho chàng trai trẻ chỉ mới 21 tuổi thành “Nhà sáng chế bất đắc dĩ”. Chính ông là người đã chế tạo ra loại mìn gạt để chống xe tăng, thiết giáp càn vào đất Củ Chi.

Trong cuộc chiến anh dũng đó, ông đã tiêu diệt 53 quân Mỹ, phá 13 xe tăng, thiết giáp các loại. Mãi đến bây giờ, ông vẫn nói mình là người chỉ bình lòng yêu thương đất nước mà đứng lên để giành lấy hòa bình. Chỉ có hòa bình mới có thể khiến quê hương này phồn thịnh, người dân no ấm. Từ xóm Bưng của xã Nhuận Đức, tôi về lại khu trung tâm thành phố, ngang qua những con đường quê ngát xanh mà lòng vẫn thán phục người đàn ông chân chất thiệt thà như củ mì, củ khoai này.

Tuy vậy, ông vẫn không cho gọi mình là anh hùng, bởi với ông để có hòa bình hôm nay, thì tất cả những người Việt mình, dẫu tiền tuyến hay hậu phương, dẫu trở về hay đã hòa vào sông, vào đất thì cũng là anh hùng, đâu riêng gì ông. Bây giờ chỉ cần nhìn thành phố này rực rỡ phát triển đó đã là hạnh phúc của ông. Còn tất cả rồi sẽ hóa phù vân bay lên cõi tịnh không. Chỉ còn những chiến công là nhuộm thắm bờ bãi quê hương mà thôi.

Chuyến metro đưa tôi về ga Bến Thành, từ con phố đi bộ sầm uất, tôi nhẩn nha rảo bước ra công viên bờ sông Bạch Đằng. Phố nối dài niềm vui. Phố nhuộm đỏ màu cờ. Phố nhộn nhịp những bước chân. Phố rạng rỡ những môi cười. Phố của tháng Tư lịch sử ngày đó nghe tiếng đại bác trong sợ hãi, thì nửa thế kỷ sau, phố của những ngày tháng Tư kỷ niệm thống nhất đất nước lại rộn ràng khúc hoan ca thanh bình. Công viên bờ sông Bạch Đằng với dàn pháo lễ đang diễn tập cho trận pháo 21 phát đại bác bắn mừng đại lễ 50 năm thống nhất đất nước là nơi thị dân đất này quây quần. Họ đến đây để xem, để chụp hình, để ngồi lại hát cùng các chiến sĩ đến tận đêm. Khoảnh khắc hòa bình là những nụ cười ấm tình quân dân.

Đất nước này đang vươn mình vào kỷ nguyên mới. Thành phố này đang chuyển mình thành siêu đô thị. Nửa thế kỷ, môi người cười nối những mùa vui, tay người nắm nối trọn sơn hà và đôi chân người nối bước tương lai. Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình, đẹp quá phải không?

Tống Phước Bảo

Nguồn: https://baoquangtri.vn/bien-xanh-song-gam-tham-mau-hoa-binh-193347.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm