Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bình Định - Tự hào và khát vọng

Việt NamViệt Nam30/03/2025


Sau cách mạng Tháng 8.1945, Bình Định là một trong 4 vùng tự do (Nam, Ngãi, Bình, Phú) của Liên khu 5. Quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến” của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân, các LLVT Bình Định luôn được chăm lo xây dựng, củng cố và trưởng thành.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Bình Định đã đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét, nống lấn, phá hoại của thực dân Pháp. Nơi đây còn là hậu phương lớn vững chắc, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu".

Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh: TƯ LIỆU

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cả nước hân hoan chờ đón ngày tổng tuyển cử sau 2 năm thống nhất đất nước. Bình Định là khu vực tập kết 300 ngày tại Quy Nhơn để bộ đội, cán bộ, học sinh xuống tàu ra Bắc.

Tuy nhiên, với bản chất vô cùng hiếu chiến và phản động, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp trở thành kẻ thù mới của cách mạng Việt Nam.

Mảnh đất Bình Định thân thương lại bị Mỹ, ngụy từng bước tiếp quản và lập nên bộ máy chính quyền tay sai. Chúng ra sức đàn áp, khủng bố, đánh phá, truy quét các cơ sở của ta; bắt bớ, tù đày thân nhân những người tập kết ra Bắc, thoát ly làm cách mạng bằng nhiều thủ đoạn tàn độc, nham hiểm, đê hèn... đến độ "trời không dung, đất không tha". Phong trào cách mạng của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ bị tổn thất nghiêm trọng.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy, tuyệt đại đa số đảng viên, cơ sở trung kiên, quần chúng cách mạng đều một lòng một dạ trung thành với Đảng với Bác Hồ, “thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” mà ngoan cường, anh dũng đứng lên đấu tranh, kiên trì bám đất, bám dân, bảo vệ, khôi phục, mở rộng cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng...

Những ngày đầu, ta chủ trương đấu tranh chính trị đòi thực thi Hiệp định Giơnevơ, song trước sự đàn áp của địch, Tỉnh ủy đã chỉ đạo từng bước xây dựng LLVT, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

Tháng 1.1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tổ chức Hội nghị lần thứ 15 mở rộng, bàn về đường lối và phương pháp của cách mạng miền Nam, xác định: "Con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp LLVT để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân". Hội nghị cũng dự kiến: "Cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ... và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".

Đây là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã tạo ra luồng gió mới, khí thế mới, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam nói chung, phong trào đấu tranh ở Bình Định nói riêng vững bước tiến lên, chuyển từ thế phòng thủ, bảo tồn lực lượng sang thế tiến công.

Từ đây, các đơn vị vũ trang của tỉnh nói riêng và Quân khu 5 nói chung lần lượt ra đời. Từ cấp đại đội, tiểu đoàn độc lập phát triển đến cấp trung đoàn, xây dựng LLVT ngày càng chính quy; càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh chính trị phát triển. Đây cũng chính là sự phát triển độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực.

Quân và dân Bình Định đã vận dụng linh hoạt nhuần nhuyễn phương châm "2 chân, 3 mũi, 3 vùng" tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn và thế trận liên hoàn, vững chắc góp phần quan trọng cùng cả nước từng bước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đơn phương” (1954 - 1960), "Chiến tranh đặc biệt" (1961- 1965), "Chiến tranh cục bộ" (1965- 1968), "Việt Nam hóa chiến tranh" (1968 - 1972) của đế quốc Mỹ.

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi Việt Nam. Thừa thắng xốc tới, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy, quân và dân Bình Định phối hợp cùng các đơn vị chủ lực Quân khu đẩy mạnh đấu tranh, tiến công và nổi dậy, phá vỡ thế kìm kẹp của địch, tiêu diệt nhiều cứ điểm địch, đánh rã nhiều cơ quan đầu não chính quyền ngụy; giữ vững và mở rộng vùng giải phóng và làm chủ phần lớn vùng nông thôn, đồng bằng; xây dựng và phát triển thực lực cách mạng toàn diện...

Tháng 3.1975, trước diễn biến tình hình có lợi cho ta trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước; nắm chắc thời cơ, Khu ủy khu 5 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân Bình Định phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức chiến dịch, thực hành chia cắt chiến lược, đẩy mạnh công kích, đồng loạt tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn các huyện...

Đến 20 giờ ngày 31.3.1975, lá cờ chiến thắng đã tung bay trên Tòa Hành chính ngụy quyền ở thị xã Quy Nhơn, cơ quan đầu não của địch ở Bình Định. Từ đây, Bình Định hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mảnh đất Bình Định bao năm chiến tranh gian khổ, khốc liệt nay đã thay da đổi thịt, không ngừng phát triển giàu đẹp. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Đây là thắng lợi vô cùng to lớn, bước ngoặt lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng của đất và người Bình Định, mở ra một trang sử mới: Xây dựng và phát triển quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Những ngày tháng 3 lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định, hòa vào dòng người giữa Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), người dân Bình Định và du khách khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây, tận hưởng bầu không khí hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Có lẽ ai nấy đều tự hào, xúc động và thành kính, biết ơn trước sự kiên cường, trung dũng, bất khuất của lớp lớp cha anh đã ngã xuống, hy sinh máu xương cho hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà. Càng tự hào hơn khi mảnh đất Bình Định bao năm chiến tranh gian khổ, khốc liệt nay đã thay da đổi thịt, không ngừng phát triển giàu đẹp. Và hẳn trong mỗi người đều mang một niềm tin, kỳ vọng, với truyền thống "thần tốc, bất ngờ, quyết thắng" của nghĩa quân Tây Sơn “áo vải cờ đào”, của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, nơi được mệnh danh là vùng "đất võ, trời văn" và dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bình Định sẽ tiếp tục tăng tốc, bứt phá, đổi mới, sáng tạo, cùng cả nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới sự thịnh vượng, ổn định và phát triển, hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đại tá ĐỖ XUÂN HÙNG
(Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định)



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=343516

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm