Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ phim "Ngày lễ thánh" và những ký ức khó phai

NDO - Bộ phim tâm lý tình cảm "Ngày lễ thánh" khắc họa hình ảnh những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, nơi xóa đi những cái cũ, cái lạc hậu và giải phóng tư tưởng cho người dân, để xã hội chuyển mình tốt đẹp hơn.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân26/03/2025

Được chọn giới thiệu trong chương trình "Cine7 - Ký ức phim Việt", phát sóng vào 21 giờ 10 phút ngày 29/3 trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình sẽ gặp gỡ và trò chuyện với Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh và Nghệ sĩ Viết Liên - nhân vật chính trong bộ phim "Ngày lễ thánh".

Phim tâm lý tình cảm đặc sắc những năm 1970

Là bộ phim tâm lý tình cảm của đạo diễn Bạch Diệp, thực hiện năm 1976, “Ngày lễ thánh” được chuyển thể từ tiểu thuyết "Bão biển" của nhà văn Chu Văn kể về đời sống xã hội của một làng Công giáo ven biển miền bắc đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.

Bộ phim "Ngày lễ thánh" và những ký ức khó phai ảnh 1

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang - vai chị Nhân.

Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện về 2 chị em Nhân và Ái, 2 người phụ nữ đã lấy chồng nhưng đều sống trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nếu cô chị - Nhân lấy phải một người chồng vũ phu, thường xuyên đánh đập vợ rồi cuối cùng bỏ trốn vào nam theo địch, thì cô em - Ái cũng không sung sướng gì hơn, hôn nhân không tình yêu biến cô trở thành người ăn kẻ ở trong gia đình chồng, rồi có chồng nhưng không được quan tâm, thậm chí chồng ngang nhiên sống chung với người phụ nữ khác, tất cả người dân trong vùng đều biết.

Thế nhưng, vì những tư tưởng hà khắc đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ nên họ không dám thoát ra để tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Thậm chí, cô chị còn cố tình phá hạnh phúc mới của em gái mình, không để Ái đến với Vượng - mặc dù biết anh thương yêu em gái mình thật lòng.

Bộ phim "Ngày lễ thánh" và những ký ức khó phai ảnh 2

Nghệ sĩ Việt Liên - vai anh Vượng.

Từ câu chuyện của 2 chị em Nhân và Ái, có hôn nhân không hạnh phúc nhưng bị ràng buộc bởi tư tưởng cũ, phim gỡ dần những nút thắt trong cuộc đời của 2 người phụ nữ, để rồi các tình tiết lại góp phần mở rộng ra các vấn đề của cả xã hội.

Dấu ấn khó phai

Tham gia làm nên thành công cho bộ phim là những nghệ sĩ gạo cội: Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang - vai chị Nhân; Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh - vai cô Ái; Nghệ sĩ Việt Liên - vai Anh Vượng và Nghệ sĩ nhân dân Trần Phương - vai Anh Tiệp.

Chia sẻ về hành trình vào vai một người phụ nữ vùng biển, Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh cho biết đã phải học cách nói to, đi lại mạnh mẽ cho ra chất, chứ không thể ăn nói nhỏ nhẹ như bình thường được.

Còn với Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, dù bản thân đã đọc nguyên tác của phim tiểu thuyết “Bão biển” nhưng không thể ngờ mình sẽ được chọn đóng vai Chị Nhân. Bởi lẽ trước phim “Ngày lễ thánh”, bà chưa bao giờ đóng một vai ghê gớm, đanh đá lại “kém hiểu chuyện” như chị Nhân.

Thế nhưng, khi vào vai 2 chị em Nhân, Ái, cả 2 nữ diễn viên đã thể hiện xuất sắc, thực sự trở thành những người phụ nữ vùng biển, ăn sóng nói gió, cùng nét cá tính đặc trưng của từng nhân vật.

Bộ phim "Ngày lễ thánh" và những ký ức khó phai ảnh 3

Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh - vai cô Ái.

Riêng với nghệ sĩ Viết Liên, đây là lần đầu ông đóng phim điện ảnh. Vai anh Vượng đến với ông cũng thật tình cờ trong một lần phụ mẹ bán hàng. Sau khi vác một bao tải nặng về, chàng trai Viết Liên của 50 năm trước cởi phanh áo ra cho mát, để lộ cơ thể cường tráng và sắc vóc khỏe khoắn. Chính lúc ấy anh đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Bạch Diệp và được chọn vào vai Vượng, người con trai vùng biển hiền lành chất phác, yêu hết lòng cô Ái dù định kiến xã hội tưởng đã khiến họ không đến được với nhau.

Thậm chí, nếu xem kỹ nhiều phân đoạn đông người trong phim, khán giả cũng sẽ bất ngờ nhận ra “Ngày lễ thánh” có không ít vai quần chúng do các diễn viên nổi tiếng tham gia, nói theo ngôn ngữ bây giờ là vai “cameo”. Có thể liệt kê Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Yến, diễn viên Dũng Nhi…

Giải thích cho chi tiết thú vị này, Nghệ sĩ ưu tú Như Quỳnh cho biết, bộ phim “Ngày lễ thánh” ghi hình đúng vào thời điểm lớp Điện ảnh khóa 2 của Đại học Sân khấu điện ảnh đi thực tập, vậy nên phim mới có dàn “cameo” hùng hậu như vậy.

Là một bộ phim có đề tài được đánh giá rất mới mẻ, thậm chí có phần mạo hiểm ở thời bây giờ, thế nhưng không thể phủ nhận “Ngày lễ thánh” giống như một làn gió mới trong giai đoạn điện ảnh Cách mạng Việt Nam những năm 1970.

Với cách xây dựng những hình tượng nhân vật cá tính, cách đề cập và giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận, phim đã phần nào khắc họa được hình ảnh những người chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go. Cố gắng xóa đi những cái cũ, cái lạc hậu và giải phóng tư tưởng cho người dân, để xã hội chuyển mình tốt đẹp hơn.

Cine 7 - Ký ức phim Việt, nơi khán giả cùng thưởng thức lại những tác phẩm điện ảnh vang bóng một thời, trò chuyện với những diễn viên gạo cội đã đặt nền móng cho điện ảnh Việt Nam. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, sự hoài niệm cũng như lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đi trước.

Chương trình lên sóng lúc 21 giờ thứ 7 hằng tuần, bắt đầu từ 15/2 trên kênh VTV3 và nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo. Các phim điện ảnh sẽ được phát sóng gồm: "Đến hẹn lại lên", "Chị Tư Hậu", "Cánh đồng hoang", "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Mẹ vắng nhà", "Ngày lễ thánh", "Mùi cỏ cháy", "Đừng đốt", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Biệt động Sài Gòn"….

Nguồn: https://nhandan.vn/bo-phim-ngay-le-thanh-va-nhung-ky-uc-kho-phai-post867737.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM
Nữ chiến sĩ biệt động luyện tập diễu binh cho ngày kỷ niệm 50 năm thống
Toàn cảnh Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025: Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm