Có những hiện vật không trưng bày trong bảo tàng, không làm bằng kim loại, súng đạn hay cờ xí… nhưng lại mang giá trị lịch sử vô giá. Trong dòng ký ức về ngày thống nhất 30/4, Đại tá, nhà thơ, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng – người sáng lập Tổ chức “Trái tim Người lính” – đã nhắc đến một kỷ vật đặc biệt mà theo ông, “đó là biểu tượng sống động cho sự hy sinh của những người lính trí thức, thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng”.
Hiện vật ấy không nằm trong kho lưu trữ chính thức, mà tồn tại như một di sản sống: hàng trăm bức thư tay của liệt sĩ – nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao, được ông Hưng sưu tầm, biên soạn thành cuốn sách “Sống để yêu thương và dâng hiến”.
![]() |
Hình ảnh cuốn sách Sống để yêu thương và dâng hiến được đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm từ những lá thư của anh hùng liệt sỹ, nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao |
“Không phải vũ khí, quân phục hay cờ giải phóng, mà đôi khi, những lá thư tay – những mảnh giấy mỏng manh còn lại từ chiến tranh – mới là thứ chứa đựng sâu sắc nhất tinh thần thời đại 30/4” – Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ khi nhắc đến hiện vật mà ông từng nâng niu: tập thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc huy hoàng của chiến thắng, nhưng ẩn sâu trong ký ức của các cựu binh, các nhà sưu tầm – lại là những “chứng tích mềm” mà không phải ai cũng từng được biết đến. Trong hành trình tìm lại những ký ức sống động từ chiến tranh, Đại tá Đặng Vương Hưng cho rằng: “Những lá thư thời chiến không chỉ kể lại chiến tranh, mà còn là một phần của chiến thắng. Chúng là hiện vật tinh thần quan trọng không kém gì xe tăng, súng đạn”.
![]() |
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập Tổ chức Trái tim người lính và Tủ sách Mãi mãi tuổi 20. |
“Liệt sĩ Hoàng Kim Giao – quê ở Hải Phòng – sinh năm 1948, là một nhà khoa học trẻ rất đặc biệt. Anh được đào tạo bài bản, sở hữu hai bằng đại học chính quy về vật lý hạt nhân và toán học. Đặc biệt, anh còn tự học và sử dụng được nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, Trung, Pháp, Tây Ban Nha… Một trí thức xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên,” ông Đặng Vương Hưng chia sẻ.
Năm 1968, khi mới 20 tuổi, Hoàng Kim Giao được giao nhiệm vụ tham gia một đề án tuyệt mật: phá bom từ trường và thủy lôi – thứ vũ khí mà không quân Mỹ dùng để phong tỏa cảng Hải Phòng và tuyến tiếp vận chiến lược Trường Sơn. Kết quả, anh cùng đồng đội đã tháo gỡ hàng ngàn quả bom nguy hiểm. “Riêng anh trực tiếp tháo gỡ hàng chục quả,” ông Hưng cho biết.
![]() |
Chân dung anh hùng liệt sỹ, nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao |
Bi kịch xảy ra vào đúng lúc nhiệm vụ tưởng như đã hoàn thành. Trên đường trở lại Hà Nội để báo cáo, anh được nhờ phá một quả bom còn sót ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. “Dù không thuộc nhiệm vụ được giao, anh vẫn nhận lời. Đó là lần ra quân cuối cùng trong đời,” ông Hưng xúc động kể lại.
Quả bom nặng 300kg bất ngờ phát nổ. Thi thể của hai chiến sĩ – Hoàng Kim Giao và đồng đội lái xe – tan vào đất. “Địa phương huy động tới hai trung đội dân quân để tìm thi thể, nhưng sau nhiều giờ chỉ thu được hơn một kilogram các mảnh thi thể còn sót lại… Để có thể lo liệu việc mai táng, người dân đã đặt thêm củ chuối và vài con cá nhỏ vào hai quan tài – như một cách tượng trưng cho xương cốt”.
![]() |
Đám tang của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ảnh Phùng Nguyên - Báo Tiền Phong. |
Ngày nay, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghệ An, có một ngôi mộ đặc biệt: mộ gió của liệt sĩ Hoàng Kim Giao – không hài cốt, chỉ là biểu tượng. “Có lần, tôi đưa sinh viên Câu lạc bộ ‘Mãi mãi tuổi 20’ đến thăm mộ anh. Khi tôi nói đó là ‘mộ gió’, các em hỏi lại: ‘Mộ gió là gì?’ – Tôi trả lời: là ngôi mộ không có hài cốt. Rồi các em lại hỏi: ‘Thế hài cốt liệt sĩ ở đâu?’ – Tôi không biết phải giải thích thế nào… Bởi thực tế, với những chiến sĩ đặc công, không quân, hải quân, hoặc những người mang khối thuốc nổ rất lớn lao vào chiến trường… khi hy sinh thì thân xác họ tan ra cùng nhiệm vụ. Như lời một bài hát: "Hài cốt đã được mai táng ở miền xa thắng…".
Những bức thư còn lại là tất cả những gì gia đình giữ được – những dòng chữ viết tay gửi người thân, người yêu, đồng đội – từ một người con ưu tú của đất nước. Gia đình đã trao lại cho ông Hưng trong cuộc vận động “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.
“Tôi đã biên soạn thành cuốn sách mang tên ‘Sống để yêu thương và dâng hiến’, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành,” ông cho biết. Cuốn sách sau đó đã tạo tiếng vang lớn, được báo Tiền Phong mở chuyên mục dài kỳ và trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Từ những bức thư ấy, liệt sĩ Hoàng Kim Giao được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong một bức thư gửi về cho gia đình, Hoàng Kim Giao viết: “Cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết”. Những dòng thư ấy, hơn nửa thế kỷ sau, vẫn khiến người đọc lặng đi.
Đặc biệt, trong một lá thư viết trước ngày hy sinh không lâu, anh bày tỏ: “Yêu cuộc sống là vậy, thương nhớ bố mẹ và các em là thế, rồi khát khao ngày trở về đoàn tụ với gia đình… Nhưng đã biết bao lần, cũng như lần cuối, anh nhận sự ra đi về mình, dành lại sự sống cho đồng đội. Dứt khoát, thanh thản như nhận mình là tiếng cười trong đạn bom và bông hoa nở từ xương máu”.
Nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá: “Giống như Đặng Thùy Trâm hay Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Hoàng Kim Giao không chỉ cầm súng mà còn cầm bút. Thư của anh là một bản tuyên ngôn của lòng yêu nước, là tiếng nói lương tri của tuổi trẻ trong thời đại "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Chia sẻ về những hiện vật như tập thư của Hoàng Kim Giao, Đại tá Đặng Vương Hưng khẳng định: “Đó là thứ không thể làm giả. Từ con chữ, giấy mực, dấu bưu điện… đều là chứng tích lịch sử. Chúng tôi đang cố gắng sưu tầm, số hóa và gìn giữ để hình thành một Bảo tàng ký ức người lính online – nơi lưu giữ những gì xúc động nhất của một thế hệ "sống để yêu thương và dâng hiến".
Giữa không gian ký ức của ngày 30/4 – khi cả nước hân hoan đón thời khắc độc lập – hiện vật như “mộ gió” hay những bức thư tay viết bằng mực tím lại trở thành tiếng nói đầy mạnh mẽ về sự hy sinh âm thầm. Theo Đại tá Đặng Vương Hưng, đó là những “hiện vật vô hình nhưng không vô nghĩa”.
“Trong chiến tranh, tướng lĩnh giữ vai trò quyết định. Nhưng bên cạnh họ, có những người lính trí thức không để lại hài cốt, không có tượng đài – mà chính sự hy sinh thầm lặng ấy đã làm nên nền móng cho ngày toàn thắng”, ông Hưng chia sẻ.
Mời quý độc giả đón xem video của Báo Tri thức và Cuộc sống phỏng vấn Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng nói về quá trình sưu tầm những di vật của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao để xuất bản thành cuốn sách Sống để yêu thương và dâng hiến.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/boi-hoi-hien-vat-dac-biet-ngay-304-it-nguoi-biet-post268486.html
Bình luận (0)