Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Bức tranh sáng màu' của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2025

Việt NamViệt Nam13/04/2025


Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2025 tăng 6,93%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42 phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 7,70%. Động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45% so với cùng kỳ, đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP (68,9%); đầu tư (tích lũy tài sản) tăng 7,24%, tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm.

Kinh tế quý I/2025 tăng trưởng ấn tượng

Quý I năm 2025 đã đi qua trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại leo thang, tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, gây nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng… gia tăng. Trong bối cảnh tăng trưởng yếu đi và lạm phát giảm xuống, nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, do đó, những biến động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 25/NQ-CP và các văn bản liên quan. Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2025 tăng 6,93%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42 phần trăm, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 3,83 điểm phần trăm.

Bức tranh sáng màu của nền kinh tế Việt Nam trong quý I2025

Hoạt sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả khá tích cực với mức tăng 3,74%, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 3,53% do cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định (lợn, gia cầm tăng); sản xuất lâm nghiệp tăng 6,76% do diện tích rừng trồng mới và gỗ khai thác tăng, khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 3,98%.

Kết quả này nhờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân như: cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; không ngừng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản từ các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU sang các thị trường mới như châu Phi, Hala… Nhờ đó, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam ngày càng được nâng cao và được biết đến ở nhiều nước trên thế giới.

Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I đạt mức tăng trưởng khá (7,42%), giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,32%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,28%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%; cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81% và khai khoáng giảm 5,76%. Ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng giá trị tăng thêm quý I năm 2025 đạt 7,99%.

Bức tranh sáng màu của nền kinh tế Việt Nam trong quý I2025

Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tốc mạnh kể từ tháng 2 (IIP tháng 2 tăng 19,7%, tháng 3 tăng 10,2%, tính chung 3 tháng tăng 9,5%); nhiều địa phương ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, hóa dược, cao su, nhựa, cơ khí và thực phẩm; nhiều ngành chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu tăng mạnh như: Dệt may, da giầy; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt nhờ sự gia tăng thương mại hàng hóa thế giới làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Mức tăng trưởng tích cực của ngành xây dựng là kết quả của việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Các vướng mắc về chính sách được tháo gỡ, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ tiếp tục được áp dụng như giảm 2% thuế suất thuế VAT, các giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Tăng trưởng của khu vực dịch vụ quý I năm 2025 đạt 7,70%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Các ngành có tăng trưởng tốt như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (7,47%); Dịch vụ lưu trú, ăn uống (9,31%); Vận tải kho bãi (9,90%) ghi nhận tăng cao ở cả vận tải hành khách và hàng hóa; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (12,57%); hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc (9,65%); Ngành giáo dục đào tạo (9,28%).

Bức tranh với 5 điểm sáng

Kinh tế Việt Nam Quý 1/2025 với 5 (năm) điểm sáng. Một là, Đảng và Nhà nước đẩy mạnh đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp; chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô

Về đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy và địa giới hành chính, các ban, bộ, ngành trung ương cơ bản đã hoàn thành sáp nhập, tiếp tục tinh gọn và đi vào hoạt động từ ngày 1/3; kế hoạch điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp đã và đang tích cực triển khai (dự kiến hoàn thành cấp xã trước ngày 30/6/2025 và cấp tình, thành phố trước 30/8/2025). Trong Q1/2025, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua 4 Luật, 42 Nghị định, 50 Nghị quyết, 456 quyết định và 10 chỉ thị về phát triển KT-XH (trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên, kiểm soát lạm phát (CPI bình quân) ở mức 4,5-5% năm 2025, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các cơ chế, chính sách đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân…

Điểm nhấn là ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ và hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ; giảm thuế nhập khẩu đối với 23 nhóm hàng nhập khẩu, trong đó nhiều mặt hàng có thuế suất 0% (Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025); tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ; gặp gỡ, làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ để đàm phán giảm mức thuế đối ứng với Việt Nam (đang dự kiến ở mức 46%), thành lập Tổ công tác đàm phán; chỉ đạo tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa, đa dạng hóa, tăng năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế và doanh nghiệp...

Về chính sách tài khóa - tiền tệ, chính sách tài khóa (CSTK) tiếp tục mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục chính sách giãn, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2025 (dự kiến trình các cấp cho phép tiếp tục chính sách này đến hết năm 2026). Chính sách tiền tệ (CSTT) điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa (CSTK) theo hướng thúc đẩy tăng trưởng song vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và chất lượng đầu tư, chất lượng tín dụng...

Hai là, tăng trưởng GDP Q1/2025 cao nhất quý 1 trong vòng 6 năm nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch theo Nghị quyết 01/NQ-CP; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm: tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong vòng 6 năm nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, các động lực về cả phía cung và cầu đều đạt kết quả khả quan nhưng có dấu hiệu chậm lại.

Về phía cung, động lực tăng trưởng chính là lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ (lần lượt tăng 9,28% và 7,7%), đóng góp 82,2% vào mức tăng trưởng chung, cùng với đó, nông nghiệp phục hồi khá (tăng 3,74%, cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 7 năm), đóng góp 0,43 điểm % (6,24%) vào mức tăng trưởng chung, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, kiềm chế lạm phát, vừa góp phần tăng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản (đạt 15,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ).

Về phía cầu, động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45% so với cùng kỳ, đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP (68,9%), là mức tăng trưởng và đóng góp cao nhất trong vòng trong vòng 8 năm; đầu tư (tích lũy tài sản) tăng 7,24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm, đóng góp 37,6% vào tăng trưởng GDP, trong khi xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, đóng góp 6,46% vào mức tăng trưởng chung.

Bức tranh sáng màu của nền kinh tế Việt Nam trong quý I2025
Tỷ giá vẫn tăng trong tầm kiểm soát ở quý 1 vừa qua (ảnh minh hoạ).

Trong đó, XNK hàng hóa quý 1 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD. XNK dịch vụ đạt 16,8 tỷ USD, tăng 22,9%, cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt 1,64 tỷ USD, khiến xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 1,52 tỷ USD.

Thu hút và giải ngân FDI tăng tích cực, với vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ; vốn FDI giải ngân ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% - là mức giải ngân cao nhất trong 7 năm. Cùng với đó, đầu tư tư nhân phục hồi, tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 4,8% cùng kỳ năm 2024, nhưng thấp hơn nhiều so với trước dịch (tăng 13,6%). Giải ngân đầu tư công đạt 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2024 bằng 12,5% kế hoạch năm và tăng 3,6%).

Tiêu dùng tiếp tục phục hồi, du lịch tăng mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Q1/2025 tăng danh nghĩa 9,9%, tăng thực 7,5% (nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi). Việt Nam đã đón 6,02 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa ước đạt 35,5 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu du lịch (gồm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống) ước đạt 221,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Ba là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Q1/2025 tăng 3,22%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2024, thấp hơn mức tăng của lạm phát tổng thể (3,22%) chủ yếu là do hiệu ứng tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá điện, tiền lương, dịch vụ y tế và giáo dục…) và áp lực cầu kéo (tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 ước đạt 3,5%, cao hơn nhiều mức 1,42% của Q1/2024, giải ngân đầu tư công và tư đều tăng tích cực như nêu trên); trong đó 6 nhóm hàng hóa: thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa dịch vụ khác, nhà ở và VLXD, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất (2,2-14,4% so với cùng kỳ) và đóng góp 94% vào mức tăng CPI chung.

Bốn là, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tín dụng khả quan, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát: lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và khoản vay cũ bằng VND ở mức 6,7-9%/năm, giảm nhẹ so với cuối năm 2024, chủ yếu là do các TCTD đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, NHNN và kích cầu tín dụng. Tín dụng ước tăng 3,5% so với cuối năm 2024 nhờ sự khởi sắc của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng và thị trường bất động sản (BĐS). Tỷ giá liên ngân hàng tăng khoảng 2,1%, chủ yếu là do NHNN chủ động điều chỉnh tăng giá bán ngoại tệ, chấp nhận một mức biến động mạnh hơn của tỷ giá trong khi vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ giá tăng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ nguồn cung ngoại tệ ổn định từ thu hút FDI, du lịch quốc tế và thặng dư thương mại, và đồng USD trong xu hướng giảm giá.

Năm là, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khá cùng với đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và xuất – nhập khẩu (XNK): thu NSNN ước đạt 36,7% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và XNK cũng như việc đa dạng hóa nguồn thu, tạo dư địa cho thực thi CSTK mở rộng và phục vụ công tác cải cách tiền lương, tinh gọn tổ chức - bộ máy đang tiến hành. Tuy nhiên, cần lưu ý là chi NSNN chỉ bằng 16,8% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu là do chi đầu tư phát triển mới đạt 78,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm, giảm 2,5% so với cùng kỳ (chủ yếu do đầu tư công đã cải thiện song còn chậm và không đồng đều).



Nguồn: https://baodaknong.vn/buc-tranh-sang-mau-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-quy-i-2025-249261.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm