Đó là chia sẻ của phi công Nguyễn Nam Liên, cơ trưởng kiêm kiểm tra viên Boeing 787 Dreamliner (DPE) trong buổi ra mắt sách ảnh toàn cảnh về không quân Việt Nam 108 phi công chiến đấu Việt Nam (NXB Thế giới ấn hành) của tác giả - nhà thiết kế Từ Phương Thảo, nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng, nhân dịp tái bản lần đầu, tại Nhà sách Cá Chép, TP.HCM.
Cuộc hội ngộ của những cựu phi công
108 Phi công chiến đấu Việt Nam là tập hợp 108 chân dung anh hùng - phi công từng tham chiến trong chiến tranh chống Mỹ (trong giai đoạn 1960 - 1970). Ngoài tác giả Từ Phương Thảo, nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng, buổi trò chuyện có sự góp mặt của nhiều cựu phi công và bạn đọc quan tâm đến lịch sử, không quân Việt Nam.
Buổi ra mắt phiên bản mới của 108 phi công chiến đấu Việt Nam có sự góp mặt của nhiều cựu phi công, bạn đọc quan tâm đến lực lượng không quân. Xuất hiện tại sự kiện có tác giả Từ Phương Thảo, phi công Nguyễn Nam Liên, đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ và nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng (từ trái qua)
ẢNH: THẾ SANG
Có thể kể đến như đại tá Nguyễn Văn Thọ, cơ trưởng Biên đội 4 MiG-17, Trung đoàn 923, từng tham gia trận đánh năm 1972; cơ trưởng Nguyễn Nam Liên; đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ, 1 trong 4 phi công của phi đội Quyết thắng thuộc Trung đoàn 923 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 4.1975; phi công tình báo Hồ Duy Hùng, người có biệt danh Chín Chinh; đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng Không quân trực thăng 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân; đại tá Nguyễn Khắc Nhu (tức Nguyễn Văn Nhu), một trong những chiến sĩ đã hộ tống Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng...
Phi công Nguyễn Nam Liên nói việc tái bản 108 phi công chiến đấu Việt Nam với phần bổ sung tiếng Anh (song ngữ) là dịp để nhiều bạn bè, thế hệ cha anh cùng ôn lại những kỷ niệm thời chiến, song cũng là cách để quyển sách tiếp cận với bạn đọc quốc tế. "Nhiều người trong số họ đều là nông dân, song họ đã viết nên lịch sử không phải trên mặt đất mà là trên bầu trời - nơi không phải là thế mạnh của chúng ta", ông Liên chia sẻ.
Câu chuyện của ông "Chín Chinh" Hồ Duy Hùng được khắc họa qua lời kể sinh động của ông trong sách, song thú vị không kém khi ông chia sẻ tại sự kiện cùng đồng đội. Chàng phi công trẻ Hồ Duy Hùng khi ấy hoạt động điệp báo trong Ban Quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định với vỏ bọc là sĩ quan - phi công của Không quân Việt Nam Cộng hòa. Sau khi bị nghi ngờ về lý lịch, bị bắt vào tù rồi sa thải khỏi quân lực, Hồ Duy Hùng đã nhận lệnh quay ngược vào vùng địch để đánh cắp thành công chiếc máy bay trực thăng loại lớn UH-1, trốn thoát khỏi sự truy bắt của phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Báo chí Sài Gòn trong tháng 11.1973 đưa tin rầm rộ về vụ một gián điệp lấy mất máy bay của Mỹ, đây là “vụ án tản thất quân dụng” rầm rộ một thời...
108 chân dung và hơn thế nữa...
Sách 108 Phi công chiến đấu Việt Nam khoác áo mới trong lần tái bản thứ nhất. Lần ra mắt trước đó là vào năm 2022, vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972-2022)
ẢNH: BTC
Chân dung các anh hùng - phi công trong sách. Ngoài ảnh tư liệu lịch sử là các bức ảnh do nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng thực hiện
ẢNH: BTC
"Chúng tôi - những người được sinh ra khi cuộc chiến đã gần kết thúc, qua những trang sách cũ, những câu chuyện được nghe từ khi còn thơ bé, ấn tượng về người lính thế hệ cha anh, niềm vui và cả những nỗi buồn của họ luôn khiến chúng tôi ghi nhớ, trăn trở, cảm động và tự hào", đó là những chia sẻ của tác giả Từ Phương Thảo - nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng khi chắt lọc tư liệu, chấp bút cho quyển sách ảnh 108 phi công chiến đấu Việt Nam.
Quyển sách là công trình công phu, thu thập các tư liệu dạng văn bản, sách vở, qua những lời kể của các cựu phi công, đồng đội, bạn bè của họ. Phần ảnh trong sách được in màu, do nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng chụp tại nhà riêng của các nhân vật. Trong đó có một lượng lớn các ảnh tư liệu thời trẻ được in trắng đen nhằm làm nổi bật tính hồi ức và tính chân xác, sống động của lịch sử.
Tác giả Từ Phương Thảo cho biết, 108 là con số đẹp nên cô chọn để chắt lọc số lượng các anh hùng - phi công được khắc họa trong sách. "Dẫu vậy mọi điều vẫn chưa đủ, có thể sẽ cần kể thêm những câu chuyện khác nữa trong những quyển sách khác, công trình khác vì số lượng không quân rất lớn", cô chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-cuu-phi-cong-te-tuu-trong-ngay-ra-mat-sach-anh-khong-quan-viet-nam-185250426145026242.htm
Bình luận (0)