Kịch bản vở chèo “Ngôi sao trung nghĩa” do tác giả Vũ Huy Thành chấp bút, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi.
Vở diễn quy tụ ê-kíp sáng tạo gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đạt Tăng; Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Tuấn Hải; Biên đạo múa, Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Anh; Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thu. Toàn bộ vở chèo được thể hiện bởi tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hải Phòng.
Vở chèo “Ngôi sao trung nghĩa” thể hiện cốt cách, tài năng, đạo đức của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn từ khi vinh quy bái tổ đến chặng đường làm quan, thi hành chính sự.
Khi làm quan ở phủ Xuân Trường, ông thi hành nền chính trị huệ dân, khuyến khích nông nghiệp, tương trợ những người đói nghèo, bệnh tật, khiến dân trong vùng thấy được ân đức.
Trong khi đất nước từng bước mất chủ quyền, dân tộc dần bị rơi vào cảnh thực dân Pháp đô hộ, ông dốc hết tâm sức lao khổ, vượt qua cạm bẫy, cám dỗ, làm rạng tỏ đạo sáng của kẻ bề tôi trung, hiếu, tiết, nghĩa.
![]() |
Khán giả thưởng thức vở diễn. |
Trong lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn, Lê Khắc Cần là người Hải Phòng duy nhất đỗ tiến sĩ Hán học, đỗ Song nguyên Hoàng giáp. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, thanh liêm, chính trực.
Công danh, sự nghiệp của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn sáng cả hai mặt, quan trường và văn chương. Đặc biệt là các tác phẩm của ông đều thể hiện lòng ái quốc, trung quân, hiếu nghĩa.
Nhà thơ Lê Khắc Cẩn (1833-1870) quê ở làng Hạnh Thị, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng).
Năm Ất Mão (1855), ông đỗ đầu kỳ thi Hương tại trường thi Nam Định. Kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông tiếp tục đỗ đầu; vào thi Đình, được ơn vua ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhị danh (Hoàng giáp).
Ông là người có tài năng văn chương, được nhà vua yêu mến, hậu đãi, thường được sai duyệt các tác phẩm ngự chế và tham khảo về cách làm cổ văn, một vị quan trung quân, ái quốc, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ 19.
Công danh, sự nghiệp Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn sáng cả hai mặt quan trường và thơ ca văn chương (đặc biệt với các tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, trung hiếu với nhà vua).
Ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng từ triều đình Huế đến các địa phương, dù ở bất kỳ cương vị nào, Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn luôn tỏ rõ là con người tài năng, mẫn cán trong công việc, được vua tin tưởng, đồng liêu trọng vì, nhân dân quý mến.
![]() |
Trích đoạn trong vở diễn “Ngôi sao trung nghĩa“. |
Vở chèo mở màn bằng hình ảnh Lê Khắc Cẩn vinh quy bái tổ sau khi đỗ Hoàng giáp-Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1862), mới 30 tuổi. Xuất thân trong một gia đình nghèo ở làng Hạnh Thị, xã An Thọ, ông bước ra từ gian khó, nhưng luôn giữ trọn chí lớn: học thành tài, đem tài trí phụng sự quê hương đất nước. Màn chèo tái hiện khoảnh khắc đoàn người làng đón rước ông như đón một ngôi sao sáng, tượng trưng cho niềm hy vọng và tự hào của quê hương.
Trong hành trình làm quan, vở chèo đặc biệt khắc họa giai đoạn ông đảm nhận chức vụ tại phủ Xuân Trường, nơi ông đã áp dụng chính sách huệ dân-lấy lòng dân làm gốc. Ông khuyến khích nông nghiệp, giảm thuế, cứu đói, dựng kho lương, lập trường học, đốc thúc người hiền. Người dân vùng Xuân Trường ghi nhớ công ơn ấy như nguồn nước ngọt tưới mát mảnh đất khô cằn.
Hình tượng ông trong vở chèo hiện lên vừa nghiêm minh, chính trực, lại vừa nhân hậu, gần gũi-một mẫu hình lý tưởng về người quan phụ mẫu trong lòng dân.
Vở chèo cũng dẫn dắt khán giả đi qua giai đoạn lịch sử đầy biến động khi đất nước dần rơi vào ách đô hộ thực dân. Lê Khắc Cẩn không màng danh lợi, vẫn giữ trọn đạo trung quân ái quốc. Trong những cảnh chèo đầy xúc động, ông đối diện với sự biến của triều đình, với nỗi đau mất nước, với cảnh dân tình điêu linh mà lòng quặn thắt.
Từ góc nhìn của một bậc sĩ phu, ông gửi gắm tâm sự vào thơ ca, mong ngày giặc ngoại bang phải rút chạy, đau xót khi từng phần máu thịt của Tổ quốc bị xâm lăng. Những trích đoạn chèo được trích từ chính thơ văn của ông - một sự kết hợp tài tình giữa kịch và văn học, vừa sâu lắng vừa giàu chất trữ tình.
![]() |
Vở diễn được Hội đồng thẩm định đánh giá cao về mặt nghệ thuật. |
Kết vở chèo là hình ảnh nhân dân dựng đền thờ ông, tưởng nhớ một bậc trung thần đã sống trọn đạo nghĩa của kẻ sĩ: trung quân-hiếu dân-tiết liêm-nghĩa khí.
Cái tên “Ngôi sao trung nghĩa” như một biểu tượng, một sự tôn vinh cao nhất dành cho người con của Hải Phòng - người đã dâng trọn đời mình cho lý tưởng vì nước, vì dân.
Vở chèo “Ngôi sao trung nghĩa” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật truyền thống, mà còn là cầu nối tâm linh, văn hóa và lịch sử, để thế hệ hôm nay tiếp tục học hỏi, noi gương và gìn giữ những giá trị đạo đức sáng ngời mà danh nhân Lê Khắc Cẩn đã để lại.
Nguồn: https://nhandan.vn/vo-cheo-ngoi-sao-trung-nghia-ton-vinh-nhan-cach-va-tai-nang-le-khac-can-post875552.html
Bình luận (0)