Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Hà Nội chứng kiến sự lên ngôi của nhiều trường tư trong các bảng xếp hạng thành tích. Không chỉ góp mặt vào bảng toán, văn, ngoại ngữ, trường tư chiếm lĩnh cả các môn học lâu nay vẫn bị xem là phụ. Như Trường Vinschool lọt top 15 môn địa lý và môn lịch sử, Trường PTLC Olympia thuộc nhóm 11 trường dẫn đầu môn giáo dục kinh tế và pháp luật...
Đáng chú ý, đây đều là những trường theo định hướng quốc tế.
Một hội thảo về học sâu (Deeper Learning) tổ chức tại Hà Nội quy tụ khoảng 500 giáo viên trường THPT trên toàn quốc đã phần nào lý giải cho kết quả nói trên.
Trong đó, các giáo viên - bao gồm cả thầy cô dạy “môn phụ” - đã cùng chia sẻ về cách dùng môn học của mình để nuôi dưỡng bản sắc văn hóa, giữ gìn di sản bản địa và trang bị cho học sinh năng lực hội nhập quốc tế.
Dạy địa lý - lịch sử bắt đầu từ 1 quả vải thiều và MV của Hoà Minzy
Phiên thảo luận môn sử - địa thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên. Diễn giả Vũ Thị Loan - Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý Trường PTLC Olympia - cầm trên tay một đĩa vải thiều mời các thầy cô cùng thưởng thức và đặt ra câu hỏi: Từ một quả vải thiều, các thầy cô sẽ đặt được những câu hỏi nào liên quan đến môn học của mình?
Khán phòng lập tức xôn xao với nhiều ý tưởng: Loại quả này sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nào? Loại quả này từng xuất hiện trong tác phẩm văn học, nhân vật nào? Có một vụ án lịch sử nào nổi tiếng liên quan đến quả vải này? Màu sắc quả vải gợi lên điều gì? Vì sao ăn vải nhiều lại bị nổi mụn?...

Cô Vũ Thị Loan, Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lí, Trường PTLC Olympia - tại phiên thảo luận học sâu môn lịch sử - địa lý (Ảnh: Trang Nguyễn)
Từ sự khởi động thú vị, cô Vũ Thị Loan nhấn mạnh: Bằng một quả vải nhỏ bé, giáo viên có thể đặt ra đồng thời 2 vấn đề về địa lý - lịch sử, lại có thể mở rộng kiến thức liên môn tới văn học, mỹ thuật, hoá học.
Dạy địa lý - lịch sử có thể bắt đầu bằng một quả vải, những gì rất nhỏ bé, giản đơn gần gũi nhất với học sinh. Đó cũng là một trong những cách thức để dạy sâu và học sâu.
Làm rõ hơn về lý thuyết học sâu, cô Loan lấy ví dụ mô hình học sinh tiểu học ở Phần Lan học về khí hậu. Thay vì dạy kiến thức nền tảng trước, giáo viên đưa ra chủ đề và để học sinh tự nghiên cứu.
Trong quá trình này, học sinh gặp những vấn đề vượt ngoài hiểu biết của mình và cần sự hỗ trợ của chuyên gia. Nhà trường tạo điều kiện để các em được trao đổi với chuyên gia, từ đó đề xuất giải pháp và trình bày kết quả nghiên cứu tại các buổi báo cáo học thuật.
Cách tiếp cận này cho thấy học sinh, dù ở bậc tiểu học, vẫn có thể tự học, tự giải quyết vấn đề thực tiễn nếu được trao quyền và dẫn dắt đúng cách.
Một ví dụ khác đến từ chính Trường Olympia trong cuộc thi "Chinh phục sử địa". Các học sinh được yêu cầu giải mã hiện tượng văn hóa đại chúng - MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy.
Các em phải nhận biết được các chỉ dấu văn hoá - lịch sử được đưa vào MV và trả lời ba câu hỏi: Vì sao MV thu hút giới trẻ Việt? MV có thay đổi cách nhìn của giới trẻ về văn hóa truyền thống không? Nếu là một diễn giả văn hóa, em sẽ làm gì để giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại số?
“Từ một sản phẩm âm nhạc được nhiều người biết đến, học sinh bước vào cuộc tìm hiểu sâu hơn – về văn hóa, về tư duy truyền thông, và cả về trách nhiệm công dân với văn hóa dân tộc. Đó chính là học sâu”, cô Loan nói.
Dạy học lịch sử - địa lý để có thể khiến học sinh vừa tự hào về bản sắc văn hoá, vừa suy nghĩ như một công dân toàn cầu là điều không hề dễ dàng. Giáo viên bắt buộc phải thiết kế được các dự án học tập liên môn để học sinh không chỉ học mà thực sự “sống” cùng lịch sử - địa lý một cách chân thực và kết nối.
Muốn như vậy, lớp học sẽ phải vượt ra khỏi 4 bức tường, học sinh phải được phép trải nghiệm và sai.
Điều này cần tới nguồn lực đầu tư và tinh thần giáo dục sáng tạo, cởi mở từ nhà trường, nơi mỗi giáo viên được tạo điều kiện để thực hành, thử nghiệm nhiều lần các phương pháp học tập hiệu quả.
Đó cũng là lợi thế của môi trường giáo dục tư thục.
Dạy sâu không phải gánh nặng đổi mới
Không chỉ riêng địa lý hay lịch sử, hầu hết các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều được các giáo viên thiết kế theo hình thức dạy học dự án.
Như mô hình phiên họp quốc hội Nghị trường ảo - Trí tuệ thật của môn giáo dục kinh tế và pháp luật; kết nối cảm xúc và xã hội qua trò chơi dân gian của môn giáo dục thể chất; cảm thụ âm nhạc qua chất liệu dân ca Việt Nam của môn âm nhạc; tổ chức triển lãm và đấu giá sản phẩm của môn mỹ thuật; dựng phim số của môn tin - công nghệ…

Giáo viên trao đổi chuyên môn trong phiên thảo luận học sâu môn toán (Ảnh: Trang Nguyễn).
Thầy Nguyễn Văn Thảo, giáo viên thể chất kiêm Tổng phụ trách Đội tại Hệ thống giáo dục Hà Nội Thăng Long, tâm đắc với những chia sẻ của đồng nghiệp về cách khai thác tiềm năng giáo dục cảm xúc – xã hội trong môn Giáo dục thể chất.
“Thông qua các hoạt động vận động nhóm bằng trò chơi dân gian, học sinh không chỉ rèn luyện thể lực mà còn học cách hợp tác, chia sẻ, xử lý xung đột và thể hiện cảm xúc tích cực. Trò chơi dân gian trở thành công cụ kết nối con người, giúp lớp học trở nên gần gũi, gắn bó và đầy ắp tiếng cười, đồng thời khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống.
Trước đây tôi chưa từng tiếp cận hay biết tới mô hình "học sâu" ở chuyên môn của mình. Thông qua hội thảo, tôi thấy phương pháp này rất hay và có thể áp dụng vào giảng dạy cho học sinh tại trường”, thầy Thảo chia sẻ.
Dạy học sâu không phải là "gánh nặng đổi mới" mà là một hành trình đầy cảm hứng – nơi giáo viên, học sinh và cộng đồng cùng học hỏi, cùng phát triển.
Trong bối cảnh giáo dục không ngừng chuyển mình trước yêu cầu của thời đại toàn cầu, việc nuôi dưỡng năng lực học tập sâu, tư duy phản biện và khả năng thích nghi trở thành sứ mệnh cốt lõi trong các nhà trường.
TS Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu đúc kết: “Học sâu vượt ra khỏi việc ghi nhớ những sự thật và quy trình, thay vào đó học sinh cần phải hiểu khi nào, làm cách nào và vì sao áp dụng những điều mình học”.
Các giáo viên cũng đồng quan điểm, sự thay đổi trong giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và từ từng tiết học. Một cộng đồng dạy học sâu để hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực là cách lan toả tinh thần đổi mới trong giáo dục, vượt qua khỏi biên giới công - tư.
Được khởi xướng từ năm 2025 bởi Trường PTLC Olympia, Hội nghị Học sâu Việt Nam sẽ tổ chức thường niên với kỳ vọng trở thành không gian kết nối chuyên môn, thực hành giáo dục khai phóng và truyền cảm hứng đổi mới sư phạm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/cac-truong-tu-dang-day-mon-phu-nhu-the-nao-20250726192447595.htm
Bình luận (0)