Cần bổ sung biên chế ở cơ quan sắp xếp

Việt NamViệt Nam14/02/2025


Ông Nguyễn Đình Hồng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, đại diện đơn vị soạn trình bày dự thảo đề án. Ảnh: M.T
Ông Nguyễn Đình Hồng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, đại diện đơn vị soạn trình bày dự thảo đề án. Ảnh: M.T

Tinh gọn bộ máy

Huyện Thăng Bình hiện có 11 cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND&UBND huyện, Thanh tra huyện, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng VH&TT, Phòng GD-ĐT, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế & hạ tầng, Phòng TN&MT; ngoài ra có 4 đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm VH-TT&TT-TH, Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Công nghiệp - Dịch vụ, Ban Quản lý dự án - đô thị. Theo đó được giao tổng số 105 biên chế công chức và 61 biên chế viên chức.

Theo đề án, đối với các cơ quan chuyên môn, huyện Thăng Bình sáp nhập Phòng LĐ-TB&XH vào Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ; hợp nhất Phòng NN&PTNT và Phòng TN&MT thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường; thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị, dự kiến tên gọi là Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Thăng Bình; thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin.

z6299282172906_b05f1c0a83f0fa1dfdf16adf056d74f0.jpg
Đại biểu tham gia góp ý vào đề án. Ảnh: M.T

Tiếp nhận, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ Văn phòng HĐND&UBND huyện, Phòng GD-ĐT, Phòng Tài chính - Kế hoạch. Duy trì chức năng, nhiệm vụ và tên gọi của 2 cơ quan Thanh tra huyện và Phòng Tư pháp huyện.

Đối với các hội quần chúng, trước mắt, giữ nguyên 9 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hiện nay, đồng thời sẽ nghiên cứu, rà soát để sắp xếp các hội trong thời gian đến cho phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Hồng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, đại diện đơn vị soạn thảo đề án cho biết, sau khi sắp xếp, kiện toàn, huyện Thăng Bình còn 9 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, giảm 2 cơ quan. Thời gian thực hiện sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện hoàn thành trước ngày 20/2/2025.

Cần tăng biên chế ở cơ quan sắp xếp

Tại hội nghị các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện Thăng Bình và các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên thuận lợi cho việc thực hiện, tên gọi các phòng ban sau khi sáp nhập cũng phù hợp với định hướng của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình cho rằng, huyện không có người dân tộc thiểu số, do đó đề nghị bỏ việc quản lý công tác dân tộc trong chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nội vụ huyện.

Quang cảnh hội nghị phản biện chiều ngày 5/2. Ảnh: M.T
Quang cảnh hội nghị phản biện đề án Sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và các Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức. Ảnh: M.T

Bà Trần Thị Kim Hiền - Trưởng ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật và Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, Văn phòng HĐND&UBND huyện tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế.

Tuy nhiên, khi thực hiện các chức năng này Văn phòng HĐND&UBND huyện chỉ có chuyên viên kiêm nhiệm mà không có chuyên môn về y tế.

“Để thực hiện đảm bảo và phát huy chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế được giao thì Văn phòng HĐND&UBND huyện phải có một cán bộ biên chế có chuyên môn về y tế” - bà Trần Thị Kim Hiền nói.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng cho rằng, theo dự thảo đề án Phòng Kinh tế & hạ tầng tiếp nhận 2 chức năng, nhiệm vụ là kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự xây dựng, giao thông đường bộ và đường sắt từ Ban Quản lý Dự án - Đô thị huyện; tiếp nhận chức năng quản lý cụm công nghiệp từ Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ.

Hiện nay, Phòng Kinh tế & hạ tầng có 4 công chức phụ trách, khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ nhưng không giao con người thì sẽ khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thu đề nghị giao thêm một biên chế cho phòng để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đình Hồng cho biết, theo đề án, trước mắt, số lượng cấp phó của các cơ quan sau khi sắp xếp có thể cao hơn quy định. UBND huyện sẽ xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án).

Đối với công tác quản lý dân tộc, do huyện Thăng Bình không đủ 5.000 người dân tộc thiểu số, nên không có phòng dân tộc và tôn giáo như ở tỉnh (Sở Nội vụ) nhưng ở huyện Thăng Bình có người dân tộc thiểu số là viên chức giáo viên, nên Phòng Nội vụ phải có chức năng quản lý công tác dân tộc trong chức năng, nhiệm vụ của phòng.

Liên quan đến bổ sung biên chế cho các cơ quan sau khi sáp nhập, kiện toàn, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, sẽ kiến nghị cơ quan soạn thảo đề án xem xét bổ sung nâng cấp phó từ một người lên 2 người trong tổng số 7 biên chế giao cho Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin và tăng một chỉ tiêu biên chế công chức không giữ chức vụ lãnh đạo ở Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị để thuận lợi cho công việc. Đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thành đề án trình tại Kỳ họp thứ 21 HĐND huyện, dự kiến diễn ra vào ngày 18/2/2025.



Nguồn: https://baoquangnam.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-o-thang-binh-can-bo-sung-bien-che-o-co-quan-sap-xep-3148945.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available