Nông dân xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh có thêm nguồn thu nhập nhờ trồng khoai môn trên diện tích chuyển đổi sang cây trồng cạn -Ảnh: BẢO BÌNH
Huyện Vĩnh Linh có tổng diện tích đất lúa khoảng 4.032 ha, trong đó diện tích sản xuất vụ hè thu hơn 2.500 ha. Theo thống kê của địa phương, hằng năm có hơn 930 ha đất bỏ hoang, không sản xuất lúa vụ hè thu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hụt nguồn nước tưới, nhiều diện tích sản xuất không ổn định, thường xuyên bị chuột phá hoại và năng suất thấp, không đủ chi phí.
Xã Hiền Thành có 200 ha đất ruộng không sản xuất vụ hè thu hằng năm, trong đó Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hiền (HTX Vĩnh Hiền) có hơn 68 ha không canh tác, bỏ hoang gần chục năm nay.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Hiền Nguyễn Thuận Sang cho biết, vùng sản xuất lúa của HTX có địa hình không thuận lợi, đất ruộng lầy, chỉ sản xuất chủ yếu vụ đông xuân với hơn 75 ha. Vào vụ hè thu gần như bỏ hoang phần lớn diện tích, chỉ tận dụng được hơn 14 ha trồng dưa hấu và các loại hoa màu khác. “Nguyên nhân do thiếu nước tưới, đồng ruộng xa khu dân cư nên chi phí sản xuất cao. Một số hộ sản xuất với diện tích ít thường bị chuột, trâu bò thả rông gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa và năng suất cuối vụ. Mong muốn của chúng tôi là thực hiện dồn điền đổi thửa để mở rộng diện tích sản xuất, khắc phục tình trạng ruộng manh mún như hiện nay”.
Tại huyện Triệu Phong, trong tổng số 1.182 ha đất sản xuất nông nghiệp có hơn 300 ha bỏ hoang không sản xuất vụ hè thu, riêng xã Triệu Tân có hơn 150 ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Tân Lê Ngọc Anh, các cánh đồng của 6 thôn đều có thể sử dụng để trồng một số loại cây hoa màu như dưa quả, dưa gang, đậu đen xanh lòng... trong vụ hè thu. Tuy nhiên một số diện tích do địa hình cao, khô hạn nặng nên không thể canh tác trong vụ hè thu vì thiếu nguồn nước tưới.
Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với 106 HTX, tổ hợp tác của 35 xã/ phường thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố, có hơn 2.000 ha đất lúa không canh tác vụ hè thu. Nguyên nhân là thiếu nguồn nước tưới chủ động, dẫn đến việc đất đai bị nhiễm mặn và chua phèn. Diện tích sản xuất manh mún, không tập trung khiến cho việc canh tác trở nên khó khăn. Nhiều ruộng nằm ở vị trí cao, xa khu dân cư và cuối nguồn nước tưới, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước cần thiết cho cây trồng.
Hệ thống kênh mương hiện tại chưa được đầu tư đồng bộ và nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng. Các mương đất và bê tông hư hỏng, đập dâng nước không còn hoạt động hiệu quả, trong khi cửa cống ngăn mặn cũng gặp tình trạng tương tự. Một số khu vực không nằm trong hệ thống cấp nước của các công trình thủy lợi phải sử dụng nước trời.
Tuy nhiên, các hồ chứa hiện tại không đủ dung tích để tích trữ nước, cần được nạo vét hoặc nâng cấp để đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho vụ hè thu. Ở những vùng chuyển đổi sang cây trồng cạn, đầu vụ ruộng ướt lầy gây khó khăn trong việc làm đất, cày bừa, trễ mùa vụ, giữa vụ khô hạn, nhưng khi có mưa to dễ ngập úng làm chết cây trồng cạn chuyển đổi như đậu xanh, dưa hấu...
Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy 159,3 ha đất lúa có tiềm năng chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn, song thực tế triển khai đang vấp phải không ít trở ngại. Tình trạng đầu ra không ổn định, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, yêu cầu vốn đầu tư lớn cùng với hiệu quả kinh tế chưa cao đang khiến nông dân thiếu mặn mà với sự thay đổi này. Thời gian qua, dù đã có nhiều mô hình chuyển đổi được triển khai nhưng phần lớn vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương cho biết, qua khảo sát cho thấy phần lớn diện tích đất lúa không canh tác vụ hè thu do không đảm bảo nguồn nước tưới, hệ thống kênh mương xuống cấp. Nếu được đầu tư hệ thống kênh mương và các hạng mục khác phục vụ sản xuất thì vẫn mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất đối với diện tích đất lúa không canh tác vụ hè thu cần một nguồn kinh phí không nhỏ. Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính bố trí các nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư làm mới, nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất trên diện tích đất trồng lúa không canh tác vụ hè thu.
Để nông dân yên tâm bám ruộng, cần có một hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện, bao gồm việc hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Đối với những vùng sản xuất khó khăn về nguồn nước, việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương là rất cần thiết.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có quy hoạch rõ ràng và chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định cho các sản phẩm này. Các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp cần được củng cố và phát huy vai trò mạnh mẽ hơn trong việc quản lý hệ thống thủy lợi nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm thị trường và đại diện cho quyền lợi của nông dân. Đồng thời, cần tăng cường quản lý nhà nước trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo sự công bằng và hiệu quả.
Tại nhiều địa phương hiện nay ruộng vẫn còn manh mún và chưa đa dạng cây trồng. Do vậy giải pháp khép kín cây trồng vụ hè thu là cần tiếp tục dồn điền đổi thửa, từ đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung và không nhất thiết phải làm lúa, để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong bối cảnh giá vật tư, giống... tăng cao như hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích, động viên nông dân yên tâm bám ruộng sản xuất hiệu quả.
Bảo Bình
Nguồn: https://baoquangtri.vn/can-co-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-dat-ruong-bi-bo-hoang-vu-he-thu-193024.htm
Bình luận (0)