Bỏ đơn vị hành chính thị trấn, huyện, thị xã: bất cập tên trường
Hiện nay, đa số các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lấy tên địa phương, tên danh nhân để đặt tên trường, như “Trường Tiểu học Đông Thanh”, “Trường THCS Trần Hưng Đạo”, “Trường Trung học phổ thông (THPT) Vĩnh Linh”, “Trường THPT Chu Văn An”,... Những trường này không bị ảnh hưởng khi bỏ đơn vị hành chính huyện, thị xã, thị trấn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường mà trong tên gọi có các cụm từ “thị trấn”, “thị xã”, “phường”, như “mầm non thị trấn Ái Tử”, “Tiểu học phường 4”, “THCS thị trấn Gio Linh”, “THPT Thị xã Quảng Trị” sẽ không còn phù hợp, cần phải đổi tên.
Giải pháp điều chỉnh tên trường
Với tinh thần triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy khẩn trương “vừa chạy, vừa sắp hàng”, ngành GD&ĐT cần chủ động rà soát tên tất cả các cơ sở giáo dục, nếu có tên đơn vị không còn phù hợp đề xuất với UBND huyện, UBND tỉnh điều chỉnh tên mới đảm bảo khoa học, lịch sử, thuận lợi cho quản lý và số hóa lâu dài.
Đối với trường mầm non, tiểu học và THCS, phòng GD&ĐT rà soát, đề xuất bỏ cụm từ “thị trấn”, “phường” trong tên trường hoặc lấy tên địa danh. Chẳng hạn, “Trường Mầm non thị trấn Ái Tử” sẽ thành “Trường Mầm non Ái Tử”, “Trường THCS thị trấn Gio Linh” thành “Trường THCS Gio Linh”; hay lấy tên danh nhân, như mới đây UBND huyện Hải Lăng đã có quyết định đặt tên trường “Tiểu học và THCS thị trấn Hải Lăng” thành “Trường “Tiểu học và THCS Bùi Dục Tài”.
Đối với các đơn vị trực thuộc, đa số lấy tên địa phương hay danh nhân để đặt tên trường là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, hiện có 3 cơ sở giáo dục có tên chưa phù hợp, đó là: “Trung tâm GDTX, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh”, “Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh” và “Trường THPT thị xã Quảng Trị”. Vì vậy, Sở GD&ĐT chủ động rà soát, tham khảo ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học đặt tên mới cho 3 cơ sở này.
Riêng đối với “Trường THPT thị xã Quảng Trị”, là trường có lịch sử 50 xây dựng và phát triển (1975 – 2025), cần xem xét nhiều yếu tố lịch sử, truyền thống khi đặt tên. Theo ý kiến của các chuyên gia, có 3 phương án để đặt tên mới cho trường này. Phương án 1, bỏ cụm từ “thị xã” thành “Trường THPT Quảng Trị”, tên này trùng với tên tỉnh mới nên không được. Phương án 2, thay cụm từ “thị xã” thành “Thành Cổ” trở thành “THPT Thành Cổ Quảng Trị”, tên này là tên di tích lịch sử đặc biệt nên không thể đặt tên trường. Và phương án 3, đặt tên mới là “Trường THPT Nguyễn Hoàng”, như đề nghị của cố giáo sư Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, năm 2013.
Trường THPT thị xã Quảng Trị được xây dựng trên khuôn viên của trường Trung học Nguyễn Hoàng giai đoạn 1957 - 1972. Ảnh: Tư liệu
Cơ sở khoa học đặt tên Nguyễn Hoàng cho trường THPT thị xã Quảng Trị
Việc đặt tên “THPT Nguyễn Hoàng” cho trường “THPT thị xã Quảng Trị dựa trên các luận chứng khoa học và thực tiễn sau đây.
Thứ nhất, theo tư liệu lịch sử Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525 tại xứ Thanh Hóa, là vị Chúa đầu tiên, từ năm 1558, lấy đất Quảng Trị khởi nghiệp cho công cuộc mở cõi phát triển ở Đàng Trong. Kết luận của giáo sư Phan Huy Lê, tại Hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” do UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị ngày 25/9/2013, khẳng định: Nguyễn Hoàng đã biến đất Thuận Hóa, Quảng Nam thành cơ ngơi cho toàn bộ sự nghiệp của mình; Trên cơ sở đó, ông đẩy mạnh phát triển mọi mặt để cho Đàng Trong nhanh chóng phát triển không thua kém Đàng Ngoài; Công lao lớn nhất của các chúa Nguyễn, mà trước hết là chúa Nguyễn Hoàng, đó là sự nghiệp mở cõi về phương Nam. Mặc dù, Nguyễn Hoàng chỉ mở đến Phú Yên, nhưng đây là bước khởi đầu rất quan trọng để các chúa Nguyễn sau đó tiếp nối, đến năm 1757 cơ bản hoàn thành sự nghiệp này, tạo lập ra một lãnh thổ quốc gia Đại Việt hoàn chỉnh như ngày hôm nay, là nước Việt Nam. Công lao này cực kỳ vĩ đại. Giáo sư Phan Huy Lê đã đề nghị: Tuyên truyền giáo dục vào trong nhân dân, nhất là trong lớp trẻ. Dùng tên Nguyễn Hoàng và một số nhân vật của thời Nguyễn, những người có công mở nước đặt cho các trường học, tên phố. Riêng tên trường Nguyễn Hoàng, nên đặt lại cho ngôi trường ở thị xã Quảng Trị.
Thứ hai, để tôn vinh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, ngày 20.6.2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL về xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngày 17.7.2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 1812/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục dữ liệu về địa danh và danh nhân để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó, ở danh mục tên danh nhân tiêu biểu, số thứ tự 158, có tên danh nhân Nguyễn Hoàng, với những dòng nhận định chung: “Vị chúa đầu tiên khai lập nên triều đại Nguyễn, đóng thủ phủ ở Ái Tử - Trà Bát - Quảng Trị, có công lớn mở mang Đàng Trong”.
Thứ ba, trường THPT thị xã Quảng Trị đã có hành trình phát triển 50 năm với nhiều thành tựu to lớn. Năm 2024, trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Trong quá trình đó, trường THPT thị xã Quảng Trị có sự kế thừa trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị thông qua 4 yếu tố sau: Một là, kế thừa về địa điểm: trường Trung học Nguyễn Hoàng và trường THPT thị xã Quảng Trị khởi đầu ở 2 địa điểm khác nhau, nhưng cuối cùng về hội tụ trên cùng một mảnh đất bên chân Thành Cổ, cả 2 trường có chung vị trí sân chào cờ; Hai là, kế thừa về học sinh (HS): sau năm 1975 có nhiều HS cũ của trường Trung học Nguyễn Hoàng trước năm 1975 về học tại trường; Ba là, kế thừa về giáo viên: sau năm 1975 có 7 thầy cô, nguyên là giáo sư trường Trung học Nguyễn Hoàng về giảng dạy trường này; Bốn là, HS trường THPT thị xã Quảng Trị kế thừa truyền thống hiếu học của người Quảng Trị, trong đó có HS Nguyễn Hoàng, khi nhiều người đạt giải quốc gia, quốc tế và 3 lần đưa cầu truyền hình đường lên đỉnh Olympia về tỉnh nhà.
Nợ với lịch sử và quê hương khi chưa có trường mang tên Nguyễn Hoàng
Trên phạm vi cả nước, thành phố Huế đã hình thành một cụm công trình tôn vinh Chúa Nguyễn Hoàng, đó là bến xe Nguyễn Hoàng, đường Nguyễn Hoàng, trường THCS Nguyễn Hoàng và cầu Nguyễn Hoàng; tỉnh Thanh Hóa, có trường THPT Nguyễn Hoàng (được đổi từ tên cũ là trường THPT bán công Hà Trung). Với tỉnh Quảng Trị, tại thị xã Quảng Trị, thị trấn Ái tử và thị trấn Cam Lộ đã có đường phố mang tên Nguyễn Hoàng, có đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong; ngày 16.4.2025, UBND xã Gio An, huyện Gio Linh, tổ chức lễ động thổ xây dựng đền thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại thôn An Nha.
Thiết nghĩ, đến thời điểm tỉnh Quảng Trị mới chính thức hoạt động, đất nước bước vào kỷ nguyên mới mà trên vùng đất được Chúa Tiên chọn nơi khởi đầu sự nghiệp mở cõi, chưa có trường học mang tên Nguyễn Hoàng là một thiếu sót, một “món nợ” lớn với lịch sử và quê hương của nhiều thế hệ dựng xây và phát triển tỉnh Quảng Trị sau 36 năm lập lại (1989 – 2025).
Năm 2025, kỷ niệm 500 ngày sinh của Nguyễn Hoàng, việc đặt tên “THPT Nguyễn Hoàng” cho trường THPT thị xã Quảng Trị không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh công lao Chúa Nguyễn, góp phần giáo dục giá trị, khẳng định bản sắc mà còn tạo ra sự kết nối lịch sử Nhà trường - Quê hương - Đất nước. Trường Nguyễn Hoàng cùng với các trường Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Bùi Dục Tài, Nguyễn Hữu Thận... tạo nên một mạch ngầm hiếu học và sáng tạo chảy mãi, để đất và người Quảng Trị trường tồn, xứng đáng với các bậc tiền nhân và nhiều thế hệ người Việt Nam đã hy sinh cho mảnh đất này.
Hồ Sỹ Anh – Nguyễn Bình
Nguồn: https://baoquangtri.vn/can-thiet-dieu-chinh-ten-truong-khi-bo-huyen-thi-xa-va-thi-tran-193069.htm
Bình luận (0)