Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần cốt cách khí khái người Quảng qua năng lực cãi!

(VHQN) - Có nhiều người đụng đâu cãi đó, rất hay cãi nhưng cãi không hay, không làm người nghe tâm phục khẩu phục - khẩu phục ở đây đôi lúc có thể hiểu là do… cãi không lại! Thế nhưng cũng không ít người - thường là trên nghị trường như các nghị sĩ hoặc giữa tòa án như các luật sư - vừa hay cãi vừa cãi hay. Nhờ hay cãi mà cãi hay, người suốt ngày không mở miệng nói câu nào thì không thể gọi là hay cãi, mà có cãi chắc cũng khó cãi cho hay!

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam30/03/2025

20191210_120940.jpg

Quảng Nam hay cãi

Suốt mấy trăm năm, trong dân gian lưu truyền câu “Quảng Nam hay cãi…”. Từ thập niên 1820 đến nay (tức là từ khi xuất hiện đầy đủ bốn địa danh hành chính cấp tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên - địa danh Bình Định mới xuất hiện lần đầu vào năm Kỷ Mùi 1797, còn địa danh Thừa Thiên mới xuất hiện lần đầu vào năm Nhâm Ngọ 1822), câu nói liên quan tới cả bốn tỉnh nhưng dường như chỉ có vế thứ nhất “Quảng - Nam - hay - cãi” là được nhắc đi nhắc lại.

Điều này luôn đồng hành với các thế hệ người Quảng Nam. Qua miệng thiên hạ, có khi nghe như một lời giễu cợt thậm chí chê bai, nhưng phần lớn được người Quảng Nam cảm nhận như một sự ngợi khen rất đáng tự hào…

Kể ra bị thiên hạ giễu cợt thậm chí chê bai thế cũng đáng, vì như đã nêu trên, nhiều người cứ đụng đâu cãi đó, rất hay cãi nhưng lại cãi không hay, không thuyết phục. Họ hay cãi đến nỗi mang tiếng là “cãi chày cãi cối”, có khi biết mình không đúng mười mươi mà vẫn cố hàm hồ cãi lấy được, cố tranh thắng tranh hơn.

Và do vậy đương nhiên sẽ không được thiên hạ đánh giá cao về văn hóa tranh luận, dẫn tới không được đánh giá cao về vai trò trong tập thể cũng như trong cộng đồng.

Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có lẽ người Quảng Nam nên cùng nhau suy ngẫm để tự mình hạn chế đến mức thấp nhất tiến đến nói “không” với thực trạng “cãi chày cãi cối” đáng xấu hổ này.

Có điều chuyện không “cãi chày cãi cối” ở đây không hề đồng nghĩa với kiểu thấy sai mà vẫn “ngậm miệng ăn tiền” rất xa lạ với khí chất Quảng Nam. Càng khác với kiểu chỗ/lúc người ta mời mình góp ý thì làm thinh không nói gì - thậm chí còn bỏ phiếu thuận - chờ cho đến khi ra ngoài mới bắt đầu giở giọng Quảng - Nam - hay - cãi cũng không giống với khí chất Quảng Nam…

Điều đó cũng có nghĩa để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, người Quảng Nam - nhất là người trí thức Quảng Nam - vẫn phải tận dụng truyền thống hay cãi và năng lực cãi hay của mình.

Tư duy phản biện

Truyền thống hay cãi và năng lực cãi hay không gì khác là tư duy phản biện, là cách tiếp cận vấn đề từ nhiều chiều kích khác nhau nhằm tìm ra lời giải tối ưu.

Có thể nói tư duy phản biện có vai trò vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên mới. Điều này là thế mạnh cơ hữu của người Quảng Nam, vốn có truyền thống hay cãi và năng lực cãi hay.

Nhờ thế mạnh cơ hữu này - hay cãi, ham tranh luận, người Quảng Nam không dễ dãi chấp nhận sự bao cấp về tư tưởng hay những tín điều sẵn có, hoặc những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời.

Phần lớn người Quảng Nam thường chịu khó đào sâu suy nghĩ đồng thời biết ăn nói mạch lạc khúc chiết để bộc lộ và bảo vệ chính kiến của mình, đôi khi vô tình trở thành ngòi nổ cho các phản biện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc...

Tại Hội thảo khoa học Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới do Tỉnh ủy Quảng Nam và Học viện Chính trị Khu vực III đồng tổ chức (tháng 10/2024) tôi đã đề xuất rằng trong quá trình xây dựng văn hóa học đường, “nên tập trung phát huy năng lực Quảng - Nam - hay - cãi và cốt cách khí khái của người Quảng nhằm tạo điều kiện để học sinh/sinh viên Quảng Nam được thể hiện hiệu quả tư duy phản biện/tư duy hay cãi trong từng giờ học - đánh giá cao những học sinh/sinh viên hay hỏi/hay cãi, đánh giá cao những bài làm sáng tạo độc đáo khác với đáp án”.

Có thể nói trường học là nơi thế hệ trẻ đất Quảng rèn luyện tư duy phản biện và năng lực cãi hay - điều này cũng chính là điểm nhấn để giáo dục Quảng Nam chuyển mạnh từ quan niệm lấy người dạy làm trung tâm sang quan niệm lấy người học làm trung tâm, nhằm đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của kỷ nguyên phát triển mới.

Cãi với chính mình

Chuyện Quảng-Nam-hay-cãi nhìn chủ yếu từ góc độ mình cãi với người khác, thế nhưng câu chuyện Quảng - Nam - hay - cãi cũng nên tập trung nhiều hơn tiếp cận từ góc độ người khác cãi với mình.

Thực tiễn cho thấy không ít trường hợp “Quảng - Nam - hay - cãi” với người khác thì được nhưng hễ ai mà “Quảng - Nam - hay - cãi” với mình thì lại lập tức nóng gáy khó chịu, ngay cả khi mình thấy rõ người ta đang có lý còn mình càng lúc càng đuối lý.

Phải chi trong tình huống này người hay - cãi - Quảng - Nam không tự đánh mất khả năng cãi lại chính bản thân để dũng cảm chấp nhận mình sai và kịp thời rút lui ý kiến… Cần thấy khả năng cãi lại chính bản thân mới đúng là một năng lực Quảng - Nam - hay - cãi tuyệt vời mà không phải người Quảng nào cũng dễ dàng thu hoạch được.

Cần nói thêm năng lực cãi lại chính mình, không bằng lòng, thỏa mãn với thành tựu của chính mình cũng là động lực mang tính quyết định để người trí thức Quảng Nam không ngừng đổi mới sáng tạo trong khoa học kỹ thuật cũng như trong văn học nghệ thuật.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/can-cot-cach-khi-khai-nguoi-quang-qua-nang-luc-cai-3151757.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm