Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi; tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của đồng bào các DTTS, đặc biệt là ưu tiên cho quyền học tập của người DTTS.
Cùng với việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền học tập của người DTTS, nhận thức của người dân về việc tự học, tự rèn luyện, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng các DTTS được nâng lên, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển bền vững ở vùng DTTS và miền núi.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.657 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; số hộ DTTS 21.374 hộ, với 96.577 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 14% dân số toàn tỉnh. Xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: Chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; chính sách ưu tiên đối tượng người học là người DTTS, tùy từng đối tượng có chính sách riêng; chính sách dạy tiếng và chữ viết cho đồng bào DTTS, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non; chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường đặc biệt, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như các chính sách liên quan đến phát triển sự nghiệp giáo dục như: Nghị quyết số 07 ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỉ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách tại Nghị định 116 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 09 ngày 28/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030; Nghị quyết số 19 ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 72 ngày 25/5/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa...
Đây là những chính sách có tính đặc thù, thiết thực nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy quyền học tập đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp đồng bào các DTTS có thêm cơ hội tiếp cận giáo dục, vượt khó vươn lên học tập, cống hiến cho sự phát triển của quê hương.
Đến nay, các chính sách của trung ương và địa phương áp dụng bảo đảm quyền học tập của người DTTS thực hiện tốt, phát huy hiệu quả thiết thực. Tỉ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh trong độ tuổi tiểu học và học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở vùng đồng bảo DTTS và miền núi đến trường đạt 100%. Tỉ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi THPT đến trường đạt 83%. Tỉ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 93%. 100% cán bộ, công chức cấp xã người DTTS được bồi dưỡng các kỹ năng để phục vụ công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền học tập của người DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay vẫn gặp một số khó khăn, thách thức do mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của các DTTS còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước. Chất lượng học tập của học sinh DTTS còn thấp; có sự chênh lệch lớn về giáo dục giữa học sinh người DTTS và học sinh người Kinh.
Ở các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, quyền học tập của người dân còn gặp trở ngại do cơ sở hạ tầng giáo dục còn hạn chế, dân cư phân tán thưa thớt, đội ngũ giáo viên chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng học sinh học lớp ghép 3 trình độ đối với bậc tiểu học và 2-3 độ tuổi ở bậc mầm non, tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao, nhất là cấp THPT.
Để bảo đảm quyền học tập của người DTTS trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kết hợp giữa thực thi chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cộng đồng và hệ thống giáo dục, trong đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Có thể khẳng định, các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với đảm bảo quyền học tập của người DTTS bao phủ toàn diện, từ hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT-XH đến hoạt động giáo dục.
Vấn đề đặt ra là việc lồng ghép các nguồn lực xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi), lấy Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi làm nòng cốt để thúc đẩy phát triển tổng thể bức tranh KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đầu tư xây dựng trường lớp học bảo đảm đạt chuẩn, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các trường có học sinh bán trú. Rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi phù hợp với thực tiễn của địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực cho giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường hỗ trợ chính sách miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, chỗ ở, sách vở, phương tiện đến trường; mở rộng chính sách nội trú, bán trú, quy mô nội trú và bán trú, giúp tất cả học sinh người DTTS vùng sâu, vùng xa có điều kiện ăn ở, học tập ổn định.
Có chính sách đặc thù, ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm theo hướng phù hợp với đặc điểm, trình độ, năng lực, nghề nghiệp, lĩnh vực đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Khuyến khích thu hút đội ngũ giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên đào tạo, tuyển dụng giáo viên là người DTTS để tạo sự gần gũi, nâng cao hiệu quả giảng dạy về ngôn ngữ, văn hóa người DTTS.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tiễn địa phương như các ngành nghề nông nghiệp, dệt may, thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng... giúp người học có cơ hội học tập suốt đời và lập nghiệp, khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Quyền học tập của người DTTS là nền tảng để phát triển con người, quyết định sự phát triển của cộng đồng các DTTS và bảo đảm công bằng xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các quyền kinh tế, xã hội, dân sự và chính trị khác.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở để thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền học tập của người DTTS; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội để mọi trẻ em DTTS đều được đến trường, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho người dân học tập và phát triển trong môi trường giáo dục bình đẳng không chỉ là trách nhiệm pháp lý, đạo đức, mà còn là điều kiện tiên quyết để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng, nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thanh Hải
Nguồn: https://baoquangtri.vn/can-dam-bao-dieu-kien-hoc-tap-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-193841.htm
Bình luận (0)