Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ cho ngân hàng còn rất thấp
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HHNH nêu rõ: Luật các TCTD năm 2024 thông qua không có nội dung về xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực dẫn tới ảnh hưởng rất lớn, nghiêm trọng đến xử lý nợ xấu.
Trên thực tế, các TCTD đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HHNH phát biểu tại Tọa đàm |
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ xấu khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, bao gồm cả 5 ngân hàng được tái cấu trúc. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng hơn năm 2023 (khoảng 1,7%). Trong đó nợ nội bảng là khoảng 780.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC khoảng 101.000 tỷ đồng, nợ tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu khoảng 450.000 tỷ. Như vậy, tổng số khoảng hơn 1.000.000 tỷ đồng.
Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ cho ngân hàng là rất thấp.
2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.
“Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các TCTD trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng đang gặp vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.
“Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không có nghĩa bảo vệ những cái sai. Đã đi vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ, chứ không phải khi vay thì cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ nhưng sau đó tìm mọi cách để dây dưa, trốn nợ, hoặc trả gốc không trả lãi, thậm chí tham gia hội nhóm bùng nợ”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Từ những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, không bàn giao tài sản, xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi trong khi đó tài sản bảo đảm rất lớn.
Sửa Luật nhằm tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế
Khẳng định sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các ngân hàng rất băn khoăn khi không thể thu hồi được nợ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện có rất nhiều nội dung trong Luật Các TCTD 2024 cần sửa đổi, bổ sung nhưng vì những nội dung đó liên quan các luật khác, ví như Luật Đất đai cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.
Từ thực tiễn, vướng mắc của các TCTD và những quan điểm đã dự thảo để đưa vào Luật Các TCTD trước đây, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ; luật hóa quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong quá trình soạn thảo dự thảo lần này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã tham gia đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo để trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã nhất trí với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất trình lên để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Góp ý cho Dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, HHNH nêu ý kiến: Khi hợp đồng/thỏa thuận được đại diện hợp pháp của các bên ký kết thì có cơ sở xác định các bên đã đồng thuận, thống nhất và đồng ý với tất cả các nội dung ghi trong hợp đồng/thỏa thuận được ký kết, trong đó có nội dung “bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo quy định của pháp luật”.
Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, HHNH nêu ý kiến |
“Việc bổ sung cụm từ “bên bảo đảm đồng ý cho” tại điểm b khoản 2 Điều 198 Dự thảo là không cần thiết và gây khó khăn trong thi hành luật đối với những trường hợp hợp đồng/thỏa thuận thiếu cụm từ này. Vì vậy, cần xem xét bỏ nội dung “bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật”, bà Phương kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng nêu ý kiến về quy định TCTD phải thông báo cho bên đang giữ TSBĐ trước ngày thu giữ (với động sản).
Theo bà Phương, quy định này không phù hợp/khả thi với TSBĐ là ô tô/phương tiện vận tải vì thường xuyên di chuyển/không cố định để xác định được chính xác người đang giữ TSBĐ để thông báo trước. Đề nghị ban soạn thảo xem xét đối với TSBĐ là ô tô/phương tiện vận tải thì bỏ quy định về thông báo trước cho người đang giữ TSBĐ (để phù hợp đặc thù loại đồng sản này) hoặc đề nghị xem xét quy định trường hợp thông báo cho người đang giữ TSBĐ (nếu có) để phù hợp với thực tiễn cũng như thống nhất trong nội dung trong điều khoản.
Bà Phương cũng băn khoăn với cụm từ “trái đạo đức xã hội” tại Dự thảo: “…Trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ, tổ chức được ủy quyền thu giữ TSBĐ không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.” (khoản 6 Điều 198a của Dự thảo).
Tuy nhiên, đây là nội dung khó xác định, không có quy định, chuẩn mực cụ thể, phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan. Dẫn đến, TCTD rất khó xác định biện pháp như thế nào được coi là không trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ, có thể ảnh hưởng đến việc thu hồi, xử lý nợ của các TCTD. Hiện, Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung này.
Phát biểu góp ý, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Luật Các TCTD sửa đổi năm 2024 chính thức đi vào hiệu lực từ 1/7/2024 đã đưa ra những điều chỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp lý của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là Luật Các TCTD năm 2024 đã không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 như quyền thu giữ TSBĐ…, ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ xấu của các TCTD. Vì vậy, theo ông, việc sửa đổi Luật Các TCTD lần này là nhằm lấp khoảng trống pháp lý; quy định rõ các điểm còn chưa rõ ràng; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các luật có liên quan.
TS. Cấn Văn Lực đóng góp ý kiến cho Dự thảo |
“Quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật và đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Thủ tướng, Quốc hội chỉ đạo, nhất là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng…”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.
Trên tinh thần đó, TS. Cấn Văn Lực đã góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi một số vấn đề như về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD; Về cơ chế xử lý TSBĐ là vật chứng, tang chứng vụ án; Về xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản...
Tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu là đại diện các bô, ngành, các ngân hàng và chuyên gia đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2024 để trình Quốc hội thông qua.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/can-som-sua-luat-de-go-nut-that-xu-ly-no-xau-163005.html
Bình luận (0)