Ngành Ngân hàng chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là chính sách của Mỹ và phản ứng của các nước và nhiều yếu tố khác đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp.
Dẫn số liệu thống kê về tình hình doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng trong quý I/2025, có 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trung bình mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp tham gia trở lại thị trường.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh |
Tuy nhiên, trong cùng kỳ, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn: hơn 61.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước), gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, và 5.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân mỗi tháng, gần 26.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trước bối cảnh đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngành Ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc, tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ phía các TCTD, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn – hoãn nợ cho doanh nghiệp; đồng thời, các ngân hàng cũng nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm phí dịch vụ để tạo thêm dư địa hỗ trợ khách hàng.
“Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nêu trên trong toàn ngành Ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Đồng bộ giải pháp để nâng cao năng lực tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc trong hoạt động tín dụng hiện nay, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân chính là do sức chống chịu yếu sau thời gian dài gặp khó khăn, dẫn đến năng lực tài chính suy giảm, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm: chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất nằm trong diện quy hoạch treo, tranh chấp… khiến ngân hàng không thể xem xét cho vay.
“Muốn tiếp cận được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần có tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô hạn chế, năng lực tài chính yếu, thiếu phương án kinh doanh khả thi, sổ sách kế toán không đầy đủ… dẫn đến việc thẩm định gặp khó khăn”, ông nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, về phía các TCTD, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, các TCTD không thể hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay và vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch…
Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng khiến ngân hàng cũng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm công nghệ với quy mô, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để có thể giúp doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có sự đồng bộ trong các giải pháp. Theo đó, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng tích cực triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng; Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quan hệ với ngân hàng...
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Tích cực hoàn thiện chính sách về xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng.
Đối với các doanh nghiệp, cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay; cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến…
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-tich-cuc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-163056.html
Bình luận (0)