Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, so với những tuần trước, số ca bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân là do đang bước vào chu kỳ của bệnh tay chân miệng (thường là các tháng 4, 5, 6, 9, 10, 11, 12 trong năm).
Do vậy, bác sĩ Quyền khuyến cáo những gia đình có con nhỏ cần lưu ý bảo vệ trẻ để phòng bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, nhiều gia đình đưa con về quê, đi du lịch, gặp gỡ nhiều người nên dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng sau dịp nghỉ lễ sẽ tăng hơn nữa.
Những trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng như: sốt, đau đầu, chán ăn, đau họng, nôn ói, nổi các mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ giữa các ngón tay, ngón chân, bẹn, mông, cơ quan sinh dục, bụng, lưng cần được cách ly và đưa đến bệnh viện để thăm khám, điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, chủ động phòng bệnh bằng cách dạy trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín, uống chín, khử trùng đồ chơi, các vật dụng dùng chung, không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang nhiễm bệnh là cách tốt nhất để phòng bệnh tay chân miệng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1,1 ngàn ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 600 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạnh Dung
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202504/canh-bao-benh-tay-chan-mieng-co-xu-huong-tang-cao-tai-dong-nai-cfd593d/
Bình luận (0)