Đánh giá về tầm quan trọng của chăm sóc hậu phẫu, bác sĩ CKII Hà Duy Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Đông Triều, cho biết: “Tùy theo mỗi loại phẫu thuật mà khoảng thời gian người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc tích cực sẽ khác nhau, thông thường từ 3 đến 5 ngày đầu sau mổ. Với những trường hợp đặc biệt như bệnh nhân đa chấn thương hoặc ghép tạng, thời gian này có thể kéo dài trên một tuần. Đây là giai đoạn vàng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cuộc phẫu thuật”.
Mặc dù kỹ thuật phẫu thuật ngày càng hiện đại, nguy cơ xảy ra biến chứng sau mổ vẫn luôn hiện hữu. Theo bác sĩ Hà Duy Nam, hai biến chứng phổ biến và cần đặc biệt lưu ý là chảy máu và nhiễm trùng. Đây là những biến chứng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Ngoài ra, đau sau mổ tuy không phải là biến chứng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và quá trình hồi phục của người bệnh.
Để kiểm soát đau hiệu quả, các cơ sở y tế đang áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến như: Dùng thuốc uống, thuốc đặt hậu môn, thuốc tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch, bơm thuốc qua catheter ngoài màng cứng, catheter gây tê đám rối thần kinh. Hiện nay, hầu hết tại các cơ sở y tế thường áp dụng giảm đau đa mô thức, nghĩa là áp dụng phối hợp từ 2 hình thức giảm đau trở lên, điều đó phần nào cải thiện mức độ đau sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân hài lòng hơn.
Đối với những phẫu thuật lớn như thay khớp, cắt bỏ khối u có xâm lấn sâu, quá trình chăm sóc hậu phẫu càng đòi hỏi sự chặt chẽ và tỉ mỉ hơn. “Những ca này có nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cao, cần được phát hiện sớm để xử trí kịp thời. Người bệnh cần được theo dõi sát chỉ số sinh tồn, tình trạng chảy máu, tụ máu vết mổ và tình trạng dẫn lưu. Đồng thời, việc bồi phụ khối lượng tuần hoàn và bổ sung dinh dưỡng cần được chú trọng. Bên cạnh đó, người bệnh cần được điều trị dự phòng huyết khối do nằm lâu, nhất là những phẫu thuật từ vùng chậu hông trở xuống” - Bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật. Một khẩu phần ăn đầy đủ và hợp lý sẽ giúp vết mổ nhanh lành, thúc đẩy tái tạo mô tổn thương và tăng cường sức đề kháng. Trong đó, protein và calo là hai thành phần không thể thiếu, bởi protein giúp xây dựng tế bào mới, còn calo cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, gút, chế độ ăn cần được điều chỉnh phù hợp để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh nền. Trong giai đoạn đầu sau mổ, khi bệnh nhân chưa thể ăn uống bình thường, việc nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch là cần thiết để duy trì thể trạng. Tuy vậy, cần chuyển sang nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa sớm nhất có thể để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là giúp hệ tiêu hóa hoạt động trở lại bình thường, tạo nền tảng cho quá trình hồi phục toàn diện và bền vững.
Các bác sĩ khuyến cáo giai đoạn chăm sóc người bệnh tại nhà, người nhà và người bệnh cần tiếp tục chăm sóc và phát hiện những vấn đề bất thường tại vết mổ như sưng tấy, chảy dịch, đau tăng lên; theo dõi những dấu hiệu bất thường toàn thân như sốt, hoa mắt chóng mặt, đầy hơi chướng bụng, tức ngực khó thở, suy giảm ý thức...; tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ luyện tập...
Với vai trò then chốt trong hành trình điều trị, giai đoạn chăm sóc sau phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ y tế, người bệnh và gia đình. Hiểu đúng và hành động đúng trong “giai đoạn vàng” không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn là cách để giảm thiểu nguy cơ tái nhập viện, tiết kiệm chi phí y tế và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người bệnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cham-soc-benh-nhan-sau-phau-thuat-giai-doan-vang-quyet-dinh-ket-qua-dieu-tri-3354574.html
Bình luận (0)